Từ câu chuyện ly hôn, nghĩ về thái độ ứng xử của người nổi tiếng
Thời gian qua nở rộ việc người nổi tiếng đưa chuyện cá nhân lên mạng, để “chia sẻ”, tìm kiếm sự “đồng cảm”, hay nhờ cộng đồng mạng tham gia “tư vấn”, thậm chí “giải quyết hộ” vấn đề. Cách hành xử lệch lạc này đang gây nhiều hệ lụy cho chính người chia sẻ thông tin, và cả cho xã hội.
Sự việc diễn viên Diệp Lâm Anh đăng tâm thư kể chuyện ngoại tình của chồng, đưa các tin nhắn liên quan, cũng như video clip quay cảnh mẹ chồng nói chuyện với người thứ ba vẫn đang gây xôn xao mạng xã hội.
7 tháng trước, Diệp Lâm Anh cũng đã bỏ ra gần 30 phút livestream việc bị chồng chặn đầu xe không cho chở con về ngay trước cổng trường, nói rằng mình sợ, mình không thấy an toàn, trong khi để giải quyết sự việc chỉ cần bỏ ra 1 phút để gọi công an địa phương đến can thiệp, bảo vệ.
Cách đây hơn tháng, vụ tranh giành tài sản của những người thân trong gia đình một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng diễn ra sau khi ông mất cũng đã gây sóng gió cộng đồng mạng. Sau một loạt các video clip đấu tố nhau của đôi bên, hình ảnh những người trong cuộc đã hết lung linh trong mắt người hâm mộ. “Nhờ” mạng xã hội, câu chuyện của riêng một gia đình bỗng chốc trở thành câu chuyện chung của rất nhiều người, khiến ai cũng thấy mình có quyền phát ngôn, quyền mạt sát, phán xét người khác, mà không một lần tự hỏi: “mình có liên quan gì đến câu chuyện đó?”
Nhìn lại, mạng xã hội cũng đã có vô số những sự việc tương tự, như việc vợ MC T.B viết bài dài kể lại tất tần tật mọi chuyện từ lúc mới yêu, mới cưới, đến lúc đánh nhau, chửi mắng nhau mỗi ngày; Việc vợ một đại gia kể tội ông mê ca sĩ H.N.H bỏ bê vợ con; Hay thậm chí chuyện mẹ bài bạc nợ nần được một nam ca sĩ đình đám mang lên mạng kể suốt mấy tiếng liền vài năm trước…
Những câu chuyện nói trên đều nhân danh sự “chia sẻ”, giải tỏa bức xúc, hay thông báo sự việc đến cộng đồng; nhưng không chỉ thu về sự đồng cảm, mà còn đem lại vô số những chia rẽ giữa phe ủng hộ, và phe phản đối. Hàng triệu comment tục tĩu, tiêu cực, xúc phạm nặng nề đến danh dự, nhân phẩm người khác… được thoải mái viết ra, làm bẩn không gian mạng, ảnh hưởng cả trật tự xã hội khi trở thành vài cuộc ẩu đả thực ngoài đời giữa những người vốn chẳng liên quan gì đến.
Phải chăng, việc nghiện đưa chuyện cá nhân lên mạng đã trở thành một căn bệnh tâm lý có thật, và càng ngày càng lây lan mạnh trong những người dùng mạng xã hội, đặc biệt là người có ảnh hưởng, và người nổi tiếng. Tìm kiếm sự đồng cảm để thấy mình làm đúng, nghĩ đúng, đôi khi là con dao hai lưỡi, đẩy người đưa thông tin, lẫn đối tượng bị đề cập đến vào những hoàn cảnh dở khóc dở cười. Dưới góc độ này, thì việc bị tẩy chay, bị mất hợp đồng, hay người thân bị liên lụy là hệ quả không hề dễ để chịu đựng, và đánh đổi.
Đành rằng ai cũng có lúc bức xúc khi cảm thấy bị đối xử không công bằng, hay phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống, nhưng việc đẩy mọi thứ ra bên ngoài, ngay cả những chuyện riêng tư nhất, thì lại là một việc cần được cân nhắc.
Với người có ảnh hưởng, người nổi tiếng, không chỉ cần cân nhắc khi chia sẻ trên mạng xã hội, mà nên chăng, hãy sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân, với người thân, và hãy tự thu xếp việc cá nhân một cách riêng tư nhất khi có vấn đề xảy ra.
Hãy nhớ, mọi công dân đều phải tự mình chịu trách nhiệm đối với bản thân, và xã hội. Chúng ta còn có luật pháp, và chính luật pháp mới cho chúng ta giải pháp, chứ không phải là cộng đồng mạng.
Cuối cùng, vẫn cần nhắc lại, rằng không như ông bà ta vẫn nói: “Lời nói gió bay”; những chia sẻ trên mạng hôm nay sẽ còn tồn tại rất lâu dài, lúc nào cũng có thể quay lại làm tổn thương chính bạn, và những người thân của bạn.
Phạm Khoa