Từ 2025, xem Google Maps khi lái xe bị phạt bao nhiêu?
Tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe máy từ năm 2025
Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe máy từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi và nhận nhiều chỉ trích do tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm răn đe và giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt lên đến 14 triệu đồng nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, hành vi sử dụng tay cầm điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển bị nghiêm cấm. Điều này không chỉ áp dụng cho xe máy mà còn bao gồm các phương tiện khác.
Trường hợp sử dụng điện thoại để tra cứu bản đồ (Google Maps) nhưng được gắn cố định trên giá đỡ và không cần thao tác bằng tay sẽ không vi phạm quy định. Tuy nhiên, người lái xe vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình di chuyển.
Mức phạt đối với lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe máy. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định rõ các mức phạt đối với hành vi cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy:
Phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng: Áp dụng cho người điều khiển xe máy sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), hoặc cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe. Ngoài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Phạt từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng: Áp dụng nếu hành vi trên dẫn đến tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, người vi phạm còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, chỉ cần cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy, mức phạt tối thiểu là 800.000 đồng, và nếu gây tai nạn, mức phạt có thể lên đến 14 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử phạt hành vi sử dụng điện thoại, Nghị định 168 cũng tăng cường xử lý các trường hợp xe máy không có gương chiếu hậu hoặc gương không đáp ứng tiêu chuẩn.
Phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: Áp dụng nếu xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc gương không có tác dụng.
Để được coi là hợp lệ, gương chiếu hậu phải đảm bảo các điều kiện sau: Được lắp đặt chắc chắn, điều chỉnh được tầm nhìn. Bề mặt phản xạ dạng lồi, quan sát rõ ràng trong phạm vi tối thiểu 50m ở hai bên.
Kích thước phải phù hợp theo tiêu chuẩn: gương tròn có đường kính từ 94mm đến 150mm, hoặc nếu không tròn, phải chứa hình tròn nội tiếp đường kính 78mm.
Xe máy không có gương hoặc gương không đạt chuẩn sẽ bị coi là vi phạm và xử phạt theo mức trên.
Một lỗi vi phạm phổ biến khác là đi sai làn đường. Theo Nghị định 168, người điều khiển xe máy đi sai làn đường sẽ bị xử phạt nghiêm ngặt hơn so với trước đây:
Phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng: Áp dụng nếu đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc đi qua dải phân cách cố định.
Phạt từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng: Áp dụng nếu hành vi trên gây tai nạn giao thông, đồng thời bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
So với quy định trước đây, mức phạt này đã tăng đáng kể, đặc biệt đối với trường hợp gây tai nạn giao thông, nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Câu hỏi từ bạn đọc Nguyễn Tuấn (Thái Bình) cho biết: Việc sử dụng điện thoại để xem bản đồ trên Google Maps khi lái xe máy có bị xử phạt không? Theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, hành vi dùng tay cầm điện thoại xem chỉ đường là bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm, mức xử phạt được quy định tại Nghị định 168 như sau:
Phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu dùng tay cầm điện thoại xem bản đồ khi lái xe. Phạt từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng nếu hành vi này gây tai nạn giao thông. Đối với các loại phương tiện khác như ô tô, mức xử phạt còn cao hơn:
Phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng nếu dùng tay cầm điện thoại khi đang lái xe. Phạt từ 20 triệu đồng đến 22 triệu đồng nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông.
Đán chú ý, Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước tiến lớn trong việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại khi lái xe máy. Những quy định này không chỉ mang tính răn đe mà còn góp phần bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện giao thông khác.
Bích Ngân