Từ 1/7: Bán thịt bệnh, chế biến thực phẩm bẩn có thể bị phạt tù tới 5 năm
Từ ngày 1/7/2024, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường và ma túy. Đáng chú ý, những hành vi buôn bán, chế biến thực phẩm từ động vật chết do bệnh tật, có chất cấm hoặc không đảm bảo vệ sinh có thể bị phạt tiền lên đến 400 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 5 năm.
Chế biến thực phẩm bẩn có thể bị phạt tù tới 5 năm
Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 5 Điều 317 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, nâng mức hình phạt tiền lên gấp đôi đối với những người thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định trong khoản 1 Điều 317. Mức phạt 100-400 triệu đồng hoặc phạt tù 2-5 năm.
Trong đó, bao gồm các hành vi vi phạm như: sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia… mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm (mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh) để chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…
Hoặc, người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm – mà biết là chưa được phép sử dụng, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm, mà sản phẩm trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50 triệu đến dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính… (Điểm c, khoản 1 Điều 317).
Tương tự, Luật sửa đổi cũng quy định thêm về hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc chưa được phép sử dụng hay lưu hành mà trị giá sản phẩm từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính 5-20 triệu đồng… thì cũng chịu mức phạt như trên.
Những người thực hiện một trong các hành vi nói trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 5-20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Ngoài ra, những người phạm tội danh này theo quy định của luật sửa đổi còn có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền với số tiền tăng gấp đôi từ 40 đến 200 triệu đồng, giữ nguyên thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Doanh nghiệp làm hàng giả liên quan sức khỏe có thể bị phạt đến 40 tỷ đồng
Tại khoản 1 Điều 192 quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, Luật sửa đổi đã tăng mức phạt khởi điểm từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đối với người vi phạm.
Đối với các pháp nhân thương mại vi phạm quy định tại điều luật này thì có thể bị xử phạt số tiền khởi điểm từ 2 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng.
Tương tự, đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Luật sửa đổi cũng tăng mức tiền phạt lên gấp đôi đối với người và pháp nhân phạm tội. Trong đó mức tiền phạt cao nhất đối với pháp nhân là 36 tỷ đồng (luật cũ là 9 tỷ đồng).
Ở tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Luật sửa đổi đã bỏ hình phạt tử hình nhưng tăng mức tiền phạt đối với pháp nhân lên đến 40 tỷ đồng.
Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn
Việc nâng khung hình phạt đối với tội danh vi phạm an toàn thực phẩm được đánh giá là bước đi cần thiết và đúng thời điểm, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mới phát sinh trong điều kiện xã hội hiện đại.
Trong bối cảnh thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thịt bệnh tuồn vào bếp ăn, luật mới là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ và rõ ràng rằng không còn vùng xám cho thực phẩm gây hại sức khỏe cộng đồng.
Quy định mới cũng là bước thực hiện nhất quán chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, người từng nhiều lần nhấn mạnh: “Những gì là thực phẩm, là thuốc chữa bệnh tuyệt đối không được làm giả.”
Chiến dịch truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng hiện đang được Chính phủ và các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ trên cả nước, từ việc phát hiện kho chứa hàng trăm nghìn lít dầu ăn giả, đến triệt phá các đường dây lừa bán thực phẩm chức năng, thuốc bổ dởm cho người già.
Việc áp dụng chế tài hình sự nặng hơn là bước đi giúp xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Đây cũng là tín hiệu rõ ràng rằng pháp luật không dung túng cho bất kỳ hành vi nào làm tổn hại đến sức khỏe nhân dân.
Luật đã rõ, ranh giới đã vạch. Từ nay, mọi hành vi trục lợi trên bữa ăn, thuốc uống của người dân sẽ không chỉ bị dư luận lên án, mà còn phải trả giá trước pháp luật.
Ngọc Lâm