+
Aa
-
like
comment

Từ 1.10: Người dân TP.HCM không cần giấy đi đường có được đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác không?

Trâm Anh - 30/09/2021 10:54

Theo quy định về phòng, chống dịch tại TP.HCM sau ngày 1/10, người dân không cần giấy đi đường, thay vào đó sử dụng app VNeID và Y tế HCM.  Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.

Trong buổi họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM sáng 30/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã thông báo quy định kiểm tra thông tin khi người dân ra đường.

Người dân TP.HCM dùng app, không cần giấy đi đường từ 1/10

Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố sẽ không kiểm soát bằng giấy đi đường sau ngày 1/10. Thay vào đó, người dân cần cài ứng dụng VNeID và Y tế HCM.

“Người dân khi tham gia lưu thông phải sử dụng QR của ứng dụng VNeID, còn ứng dụng Y tế HCM thể hiện lịch sử tiêm vaccine cho đến khi ứng dụng PC-Covid đi vào hoạt động”, ông Lê Hòa Bình cho biết.

bo giay di duong anh 1
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi họp sáng 30/9.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết trong trường hợp người dân chưa có mã tiêm vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh trên ứng dụng Y tế HCM, có thể sử dụng giấy chứng nhận để thay thế.

“Chúng ta không sử dụng giấy đi đường nữa, mà thực hiện việc kiểm soát kép, tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện được lưu thông mà không cần giấy tờ do cơ quan cấp”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói trong buổi họp báo.

App Y Tế HCM sẽ là “bước đệm” cho PC-CovidTheo đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, trong thời gian tới các chức năng của ứng dụng Y tế HCM sẽ được thay thế bằng PC-Covid.

“Theo lộ trình của TP.HCM kết hợp cùng Bộ TT&TT, những người dùng ứng dụng Y tế HCM sẽ được chuyển hết lên PC-Covid, chúng ta sẽ có một ứng dụng duy nhất phục vụ cho phòng, chống Covid-19″, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết.

Theo bà Trinh, sau khi PC-Covid đi vào hoạt động chính thức, sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp dữ liệu, người dùng sang ứng dụng mới.

bo giay di duong anh 2
App PC-Covid sẽ là app chống dịch duy nhất, nhưng vẫn cần thời gian để khắc phục nhiều lỗi phát sinh. Người dân TP.HCM có thể dùng VneID và Y Tế HCM để ra đường.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, người dân vẫn sử dụng app Y tế HCM. Sau khi chuyển tiếp, Y tế HCM sẽ trở thành một tiện ích bên trong ứng dụng PC-Covid. Bà Trinh cũng thông tin là các dữ liệu đã khai báo, lưu trên app Y tế HCM sẽ được tự động đồng bộ với PC-Covid nếu người dân vẫn dùng đúng thông tin cá nhân, số điện thoại đã sử dụng trước đó.

“Chúng tôi đã phối hợp với đoàn công tác của Bộ TT&TT để tạo sự tiện lợi cho người sử dụng”, bà Trinh cho biết.

Người dân TP.HCM không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác

Theo Chỉ thị tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, được công bố sáng nay, người dân đang ở TP.HCM không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.

Trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chỉ thị và Sở GTVT TP.HCM.

Việc lưu thông liên tỉnh sẽ được áp dụng đối với các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về TP.HCM và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM.

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Người dân TP.HCM khi lưu thông nội ô sẽ quét mã QR và không được tự ý đi lại giữa các tỉnh /// BÍCH NGÂN
Người dân TP.HCM khi lưu thông nội ô sẽ quét mã QR và không được tự ý đi lại giữa các tỉnh

Lý do, theo UBND TP.HCM, tính đến ngày 29.9, công tác phòng chống dịch của TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2; một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế – xã hội tại Q.7, H.Cần Giờ, H.Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của TP.HCM chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của TP.HCM phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả Vùng.

Bên cạnh đó, Chỉ thị yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông nội ô phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Đồng thời, thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang – Khoảng cách – Khai báo y tế – Khử khuẩn – Không tụ tập đông người).

Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,…) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.

Trường hợp người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

Trâm Anh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều