TT Putin ra mệnh lệnh đặc biệt giữa lúc giao tranh căng thẳng với Ukraine
Mới đây, một mệnh lệnh về hạt nhân của Tổng thống Putin đưa ra giữa lúc giao tranh căng thẳng Ukraine khiến tất cả cảm thấy khó hiểu khi nó khác xa với học thuyết răn đe hạt nhân nòng cốt của Nga.
Vì sao phải tăng mức báo động?
Hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho lực lượng hạt nhân Nga đặt trong tình trạng báo động cao khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng.
Các cường quốc phương Tây bao gồm Mỹ và NATO đã phản đối gay gắt sau khi ông Putin phát biểu trên truyền hình rằng “lực lượng răn đe” hạt nhân của nước này đã được đặt “vào phương thức phục vụ chiến đấu đặc biệt”.
Liên Hợp Quốc gọi ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể tưởng tượng nổi”, trong khi chính phủ Ukraine coi động thái của Moscow là một nỗ lực gây nguy hiểm khi phái đoàn của cả hai nước chuẩn bị gặp nhau cho các cuộc đàm phán thăm dò.
Các nhà phân tích đã ngay lập tức tiến hành giải mã thông điệp mới nhất của ông chủ Điện Kremlin.
Cũng giống như NATO, một phần vũ khí hạt nhân của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng và “có thể được phóng trong vòng 10 phút”, Marc Finaud, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, nói với Al-Jazeera.
“Các đầu đạn được gắn trên tên lửa, hoặc bom trên máy bay và tàu ngầm”.
Trong một bài viết cho Bulletin of the Atomic Sciences, các chuyên gia Hans Kristensen và Matt Korda nhận định rằng Nga đang triển khai gần 1.600 đầu đạn hạt nhân.
“Vì các lực lượng chiến lược của Nga luôn trong tình trạng báo động, câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo Nga có triển khai thêm tàu ngầm hay trang bị vũ khí cho các máy bay ném bom hay không”, chuyên gia Kristensen viết trên Twitter sau lời cảnh báo của ông Putin.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng việc Nga chuyển sang lựa chọn hạt nhân là một động thái xuất phát từ việc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine không được như mong đợi.
David Khalfa thuộc Tổ chức Jean Jaures có trụ sở tại Paris nêu quan điểm rằng “Nga rất thất vọng khi đối mặt với sự kháng cự của người Ukraine”.
Không thể giành chiến thắng chóng vánh với các cuộc tiến công bằng thiết giáp giành lãnh thổ, Moscow hiện phải đối mặt với “chiến tranh du kích đô thị, với nguy cơ thương vong cao”.
Về phần mình, Eliot A Cohen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, các nhà lãnh đạo quân sự Nga đã mong đợi một chiến dịch dễ dàng hơn.
“Thực tế là họ không có ưu thế trên không sau 4 ngày, điều đó khá rõ ràng”, Cohen nói.
“Chúng ta có thể thấy các điểm yếu trên chiến trường… Thực tế là họ không thể chiếm giữ một thành phố và giữ vững nó. Chi tiết này có thể nói lên vài điều”.
Tại sao ông Putin thông báo công khai?
Với việc phương Tây viện trợ cho Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga, tuyên bố của ông Putin có thể là một nỗ lực làm lung lạc tinh thần đối thủ.
Nhà lãnh đạo Nga “là người luôn sẵn sàng đánh cược và chấp nhận rủi ro”, Cohen nói. “Ông ấy muốn đánh đòn tâm lý”.
Khalfa đồng ý rằng “khía cạnh tâm lý là rất quan trọng”, khi ông Putin “muốn ngăn cản phương Tây tiến xa hơn bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế”.
Mệnh lệnh về hạt nhân của ông Putin càng khó hiểu hơn khi nó khác xa với học thuyết răn đe hạt nhân nòng cốt của Nga.
Vào năm 2020, Tổng thống Putin đã thông qua “các nguyên tắc cơ bản” với 4 trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đó là khi tên lửa đạn đạo bắn vào lãnh thổ của Nga hoặc đồng minh; khi kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân; một cuộc tấn công vào địa điểm vũ khí hạt nhân của Nga hoặc cuộc tấn công đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Không có tiêu chí nào trong số trên đáp ứng với tình hình hiện tại.
Hơn nữa, Nga đã cùng với bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ký một văn bản khẳng hồi tháng 1, xác định rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người thắng và không bao giờ được tiến hành”.
Chuyên gia Finaud cảnh báo, với tình hình hiện tại, sơ suất và hiểu sai ý đang trở thành nguy cơ cao có thể kích hoạt những đòn đáp trả hạt nhân không mong đợi.
Tùng Anh