+
Aa
-
like
comment

TT Putin ký sắc lệnh đặc biệt khi công ty phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga

01/03/2022 09:04

Ngày 1-3 các công ty phương Tây rút khỏi Nga dự kiến gia tăng, khi giới đầu tư và các doanh nghiệp trên khắp các lĩnh vực theo bước những gã khổng lồ năng lượng BP và Shell.

Các ngân hàng, hãng hàng không, nhà sản xuất ô-tô hàng đầu… đã cắt giảm lô hàng, chấm dứt quan hệ đối tác và gọi hành động đưa quân vào Ukraine của Nga là không thể chấp nhận. Thêm nhiều công ty cho biết họ đang cân nhắc động thái tương tự, theo Reuters.

“Tôi tin hàng loạt công ty sẽ đưa ra những thông báo tương tự trong vài ngày tới” – Chủ tịch Sonia Kowal của Công ty Zevin Asset Management (Mỹ) khẳng định hôm 28-2.

Phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm đóng không phận với máy bay Nga, loại một số ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng của Nga trong việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ 630 tỉ USD.

Công ty phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga, ông Putin ký sắc lệnh đặc biệt - Ảnh 2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-2 ký sắc lệnh ban hành các biện pháp kinh tế đặc biệt để đáp trả phương Tây và bảo vệ lợi ích quốc gia Nga.

Các công ty năng lượng hàng đầu gồm Shell (trụ sở London), BP (trụ sở London) và Equinor (Na Uy) đều đã thông báo rút khỏi Nga, gây áp lực lên các công ty phương Tây khác có cổ phần trong các dự án dầu khí của Nga, như ExxonMobil (Mỹ) và TotalEnergies (Pháp).

Nhiều công ty vẫn đang xem xét phương án – trong đó có Maersk (Đan Mạch), công ty tuyên bố hôm 28-2 rằng họ đang theo dõi lệnh trừng phạt chống lại Nga và chuẩn bị tuân thủ chúng.

Các nhà sản xuất ôtô và xe tải đã cắt xuất khẩu sang Nga, bao gồm Volvo (Thụy Điển) và GM (Mỹ). Dù vậy, 2 công ty này chỉ bán khoảng 12.000 xe/năm tại Nga.

Ford Motor (Mỹ), công ty có 50% cổ phần trong 3 nhà máy ở Nga, không bình luận về kế hoạch của họ, chỉ nói rằng họ đang hướng đến việc quản lý tác động và giữ an toàn cho người lao động.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-2 ký sắc lệnh ban hành các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm đáp trả những hành động mà Điện Kremlin mô tả là “thiếu thân thiện” của Mỹ và đồng minh, cũng như nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia Nga.

Theo sắc lệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán 80% ngoại tệ có được từ ngày 1-1 và gửi chúng vào tài khoản của họ tại các ngân hàng được cấp phép trong vòng 3 ngày làm việc.

Công dân Nga bị cấm chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài, đồng thời cấm gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt từ ngày 1-3.

Công ty phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga, ông Putin ký sắc lệnh đặc biệt - Ảnh 1.
Logo của Công ty Shell tại khu đô thị Milton Keynes – Anh hôm 5-1. Ảnh: Reuters

Điện Kremlin nhấn mạnh sắc lệnh này không phải là biện pháp đáp trả duy nhất của Nga đối với các đợt trừng phạt của phương Tây.

Cùng ngày, Nga thông báo đóng cửa không phận với các hãng hàng không của 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có toàn bộ 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài 27 nước EU, các quốc gia vùng lãnh thổ trong diện trừng phạt còn có Albania, Canada, Na Uy, Iceland, Anh, các vùng lãnh thổ hải ngoại là Anguilla, Gibraltar, Jersey, quần đảo Virgin thuộc Anh.

Quyết định trên của Nga nhằm đáp trả việc EU cấm không phận với các máy bay Nga. Giới chức EU hôm 27/2 cho biết, khối này sẽ cấm mọi máy bay do một cá nhân hoặc pháp nhân của Nga sở hữu hoặc điều khiển, cũng như máy bay đăng ký tại Nga, sử dụng không phận. Anh cũng có lệnh cấm tương tự. Mỹ chưa áp cấm không phận đối với máy bay của Nga, song cho biết đang cân nhắc một hành động như vậy.

Lệnh cấm sử dụng không phận này sẽ gây thiệt hại lớn cho các hãng hàng không của hai bên, đặc biệt là Nga bởi nó buộc các hãng bay phải hủy chuyến hoặc tìm lộ trình mới dài hơn và khiến giá vé tăng.

Truyền thông Nga đưa tin, ngày 28/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phải hủy chuyến đi tới Geneva để tham dự hội nghị về giải trừ quân bị do máy bay không thể đi qua không phận mà EU đã đóng cửa với các hãng hàng không Nga. Do lo ngại nhiều công dân có thể mắc kẹt ở châu Âu, Nga đã lên kế hoạch sơ tán công dân từ các nước này.

Cuộc chiến trừng phạt “ăn miếng, trả miếng” giữa Nga và phương Tây diễn ra trong bối cảnh Mỹ và đồng minh lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Moscow hôm 24/2 thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt, tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine không lâu sau khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.

EU trừng phạt giới tinh hoa Nga

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko là 2 trong số 26 cá nhân bị EU trừng phạt liên quan đến cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, EU thông báo ngày 28-2.

Trong số những cá nhân Nga bị trừng phạt còn có Chủ tịch Hội đồng quản trị Igor Sechin của Công ty dầu khí quốc doanh Rosneft và Giám đốc điều hành Nikolay Tokarev của gã khổng lồ năng lượng Transneft.

Danh sách trừng phạt bao gồm các nhà tài phiệt và doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và tài chính; các thành viên chính phủ, quân nhân cấp cao, cũng như các cá nhân góp phần truyền bá chiến dịch tuyên truyền chống Ukraine, tuyên bố của EU nêu rõ.

Cao Tiến 

Bài mới
Đọc nhiều