TS Vũ Thành Tự Anh nói về 4 yếu tố để TP.HCM mở cửa thành công từ 1-10
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (ĐH Fulbright Việt Nam), đã đưa ra bốn vấn đề quyết định tính thành công của việc TP.HCM mở cửa trở lại, bắt đầu giai đoạn thích ứng an toàn với SARS-CoV-2.
Về khả năng TP.HCM có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 1-10, theo TS Vũ Thành Tự Anh nhận định về các cấp độ dịch của Chính phủ và Bộ Y tế, có thể thấy có nhiều cấp độ quản lý khác nhau, từ trung ương đến chính quyền TP, xuống cấp quận/huyện, phường/xã, thậm chí đến khu phố, tổ dân phố. Các tiêu chí đưa ra để đánh giá cấp độ dịch bệnh qua đó tính toán các phương án mở các nhóm ngành theo mức độ ưu tiên và rủi ro rất chi tiết. Trên cơ sở đó, TP.HCM có thể tính toán các phương án để từng bước mở cửa trở lại an toàn từ 1-10.
Ví dụ về vaccine. Với tốc độ tiêm chủng của TP và với 660.000 liều vaccine Pfizer và AstraZeneca mà Bộ Y tế mới đây phân bổ cho TP, thì đến hết tháng 9, TP cơ bản có thể hoàn thành tiêm đủ hai mũi cho trên 50% người dân từ 50 tuổi trở lên. Nhiều người lo lắng TP đang ở cấp độ 4 vì chưa đáp ứng tiêu chí 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ hai mũi nhưng nếu phân bổ vaccine có trọng tâm cho nhóm ưu tiên thì đến 1-10, tôi tin rằng TP đã có thể mở cửa trở lại ít nhất 50% cho cả khu vực, lĩnh vực và đối tượng theo các tiêu chí của Chính phủ và Bộ Y tế.
Khi chúng ta nhìn vào bản đồ cấp độ dịch bệnh chia theo quận/huyện hay phường/xã thì sẽ thấy hiện tượng “da báo”, tức là nơi xanh, vàng, cam, đỏ xen kẽ nhau. Làm sao có thể mở cửa trong bối cảnh đó? Đây là câu hỏi rất quan trọng.
Việc mở cửa của TP cần bắt đầu từ đâu và diễn ra tới đây như thế nào, trước hết TP phải xác định các hoạt động ưu tiên. Một là các hoạt động liên quan y tế (khám chữa bệnh, cấp cứu), thương mại (chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị…), công sở, tiện ích công (giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, rác thải…). Hai là sự di chuyển của người dân, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa (ví dụ hoạt động lưu thông nội đô, liên tỉnh; shipper). Ba là hoạt động sản xuất công nghiệp, với đặc thù là có tính khu trú, có khuôn viên nên việc quản lý dịch theo các tiêu chí của Bộ Y tế cũng dễ dàng hơn; đơn cử như đa số công nhân, người lao động đều dưới 50 tuổi; và hiện phần lớn đã được tiêm hai mũi vaccine. Đây là những hoạt động mà ngay cả khi TP đang trong tình trạng dịch bệnh cấp độ 4 (cao nhất) thì vẫn cần phải duy trì hoạt động tương ứng tỉ lệ tiêm vaccine.
Khía cạnh thứ hai mà TP cần quan tâm đó là ngưỡng chịu đựng về mặt tâm lý của người dân do ảnh hưởng của giãn cách, ít nhất là từ ngày 9-7. Sau gần ba tháng, sức chịu đựng của người dân đã chạm ngưỡng. Người dân đang rất kỳ vọng kể từ 1-10, họ có thể sinh hoạt trong một không gian thông thoáng hơn sau nhiều tuần “ai ở đâu ở yên đó” theo quy định giãn cách. Vì vậy, chúng ta có thể dựa vào mức độ rủi ro của từng (nhóm) người, mức độ nguy hiểm và khả năng kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương để nới không gian sinh hoạt của người dân. Ví dụ, có thể cho người dân tập thể dục, đi dạo; trẻ con có thể vui chơi ở các khu công viên hay nơi công cộng ngoài trời. Việc này không chỉ ở vùng xanh (cấp 1), mà ngay cả vùng vàng (cấp 2) hay cam (cấp 3) cũng có thể thực hiện được với sự linh hoạt, chặt chẽ, sáng tạo trong khâu tổ chức, giám sát: Tổ chức đảm bảo giãn cách, điều tiết mật độ người tham gia (ví dụ chia các khung thời gian hoạt động cho từng nhóm cư dân). Theo dự thảo Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, ngay ở cấp 4 thì người dân vẫn có thể hoạt động trong nhà, ngoài trời, thể dục thể thao rèn luyên sức khỏe – tất nhiên trong giới hạn nhất định và phải tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Khía cạnh thứ ba, rất quan trọng đó là xem xét lộ trình mở lại các loại hình dịch vụ, vốn chiếm tỉ trọng cao nhất ở TP. Đơn cử như các hoạt động ẩm thực, nhà hàng, cà phê, xem phim, karaoke… vốn là những hoạt động đặc trưng, ưa chuộng của người dân TP. Chúng ta có thể chia các nhóm này theo hai tiêu chí: (i) Tính thiết yếu, quan trọng với đời sống người dân (khả năng duy trì sinh kế, hoạt động kinh tế, tạo thu nhập cho người dân và ngân sách); (ii) Tính rủi ro về lây lan dịch bệnh.
Ngành dịch vụ nào có tính thiết yếu, quan trọng cao nhưng rủi ro lây nhiễm thấp thì nên cho mở sớm; trái lại không thiết yếu nhưng rủi ro lây nhiễm cao thì phải thận trọng theo cấp độ. Ví dụ, các quán cà phê ngoài trời, các nhà hàng không gian rộng rãi, thoáng mát; hay các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch… nếu đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch thì nên tạo điều kiện cho mở cửa. Họ đảm bảo yêu cầu an toàn (ví dụ vaccine, tổ chức giãn cách, quản lý dịch tễ) đến đâu thì mở đến đó. Cấp độ dịch ở mức độ nào thì mở theo hình thức và quy mô tương ứng. Cùng với đó, người dân khi được tiêm vaccine, tuân thủ 5K cũng đã tạo ra thêm một lớp phòng thủ an toàn nữa. Như vậy, khi các loại hình dịch vụ vận hành sẽ có “nhiều lớp phòng thủ” theo mô hình “phômai Thụy Sĩ”. Hiểu nôm na là chính quyền, nhà cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng bằng biện pháp chủ động bảo vệ mình và người xung quanh có thể “bọc lót” hiệu quả cho nhau. Đấy mới gọi là “sống chung an toàn” với SARS-CoV-2.
Khi nới lỏng giãn cách, sống chung với dịch bệnh thì nhiều khả năng số ca nhiễm mới sẽ gia tăng. Vì vậy, một mặt TP phải đảm bảo an toàn cho nhóm rủi ro cao để hạn chế chuyển nặng, tử vong, kiểm soát dịch dưới ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế; mặt khác tiếp tục kiểm soát hạn chế lây lan, lây nhiễm, nhất là khi phát sinh biến chủng mới. Với những nỗ lực này, TP sẽ giảm xác suất phải đóng – mở hoạt động liên tục khi có ca nhiễm mới hay số ca nhiễm gia tăng.
Khi xác định sống chung an toàn với virus thì phải có kịch bản hành động khi dịch bệnh tăng trở lại và lây lan. Việc này các cá nhân, tổ chức có thể dựa vào thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo từ Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng. Ví dụ khi không có ca nhiễm thì hoạt động thế nào, khi có ít hoặc nhiều ca nhiễm thì ứng phó ra sao. Có kịch bản rõ ràng thì sẽ không bị lúng túng.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp – chế xuất, công sở, khu thương mại, siêu thị… phải chủ động thay đổi quy trình và cách vận hành theo hướng thích ứng an toàn với virus. Ví dụ, chúng ta có thể tổ chức làm việc, lao động, sản xuất theo hình thái “bong bóng” (bubble), tức là những đơn vị vận hành độc lập và có thể thay thế cho nhau. Khi virus xuất hiện ở “bong bóng” nào thì tách riêng, xử lý “bong bóng” đó và thay nhóm khác vào làm việc chứ không phải đóng cửa cả nhà máy.
Việc tổ chức lại không gian làm việc, kinh doanh, sản xuất cũng rất quan trọng. Ví dụ, các siêu thị cần kết cấu lại vị trí lối vào, lối ra, cách bày trí hàng hóa để đảm bảo không gian thông thoáng, giảm tiếp xúc gần giữa người mua hàng, tăng cường bán hàng online, giao hàng tận tay người mua, hoặc người mua tự đến lấy tại quầy (pick-up). Trường học cũng cần tính toán lại sơ đồ chỗ ngồi cho học sinh, cân đối lịch học, lịch nghỉ giữa giờ… để đảm bảo giãn cách. Các khu mua sắm, chợ truyền thống cũng tính toán lại vị trí giữa người bán và người mua, giữa những khách hàng với nhau. Các phương tiện giao thông công cộng (như tàu, xe khách, xe buýt) phải bố trí giãn cách chỗ ngồi, có hệ thống thông khí thoáng gió… Có vậy mới góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm.
Cuối cùng, phải tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tôi nghĩ 5K dù rất quan trọng nhưng vẫn không đủ. Các tổ chức, đơn vị phải tổ chức lại quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ để tăng cường năng lực phòng dịch, nhận diện rủi ro, hạn chế lây lan, phát hiện dịch bệnh, truy vết…
Về thiết kế khung chính sách, chúng ta có các cấp độ khác nhau, từ trung ương (Chính phủ, các bộ, ban ngành) đến chính quyền địa phương, mà ở đây tôi muốn nói về TP.HCM. Cụ thể, trung ương sẽ ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đó là khung chính sách chung để triển khai mục tiêu phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của tng ương xuống chính quyền TP.
Tiếp đó, TP sẽ xây dựng chính sách để triển khai hành động xuống cấp cơ sở (cấp quận/huyện, phường/xã) phù hợp với đặc thù và tình hình của TP. Tương tự, cấp cơ sở sẽ triển khai các chính sách đến người dân, doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức… theo hướng dẫn của TP. Làm sao để từ trung ương đến từng đơn vị cơ sở có thể hành động một cách thống nhất với mục tiêu mà Chính phủ và người dân đã đồng thuận.
Trong phạm vi TP, tôi nghĩ chính sách của TP phải đảm bảo cơ chế phân quyền một cách rõ ràng. Từ chủ tịch quận/huyện đến người đứng đầu phường/xã, khu phố, tổ dân phố… phải nắm rõ thẩm quyền và nghĩa vụ của họ để có không gian sáng tạo, linh hoạt trong thực thi chính sách. Song song đó, TP phải đảm bảo cơ chế giám sát chặt chẽ dựa vào việc đánh giá các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPIs) như chỉ tiêu tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên, năng lực chữa trị, quản lý dữ liệu, giám sát dịch tễ, ca tử vong, xét nghiệm… theo hai mục tiêu chung: (i) Bảo vệ tính mạng người dân; (ii) Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sinh hoạt, làm việc, kinh doanh, sản xuất… để phục hồi kinh tế.
Chúng ta phải nói rõ rằng không nên cực đoan theo kiểu cào bằng các KPIs. Lý do là mỗi địa phương sẽ có những điều kiện khác nhau về cấu trúc đô thị, mật độ dân số, tình hình kinh tế, nguồn lực… Có quận/huyện có nhiều nguồn lực hơn và (hoặc) điều kiện chống dịch thuận lợi hơn (ví dụ mật độ dân số thấp) và ngược lại, có nơi sẽ khó khăn hơn.
Ngoài ra, không hiểu sai ý nghĩa KPIs. Ví dụ, chúng ta tổ chức giám sát giao thông là để đảm bảo các KPIs theo mục tiêu hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm; tuyệt đối không được hiểu KPIs là số người bị bắt, bị xử phạt càng nhiều thì càng tốt, dẫn tới tình trạng kiểm tra gắt gao, gây ùn tắc giao thông rồi lại có thể sinh ra lây nhiễm chéo. Tôi nhấn mạnh lại là KPIs phải theo đúng hai mục tiêu chung nói trên và phải phù hợp với đặc thù, điều kiện, nguồn lực của địa phương.
Tuy nhiên, vì sao có những nhóm quận/huyện… tương đồng về điều kiện và nguồn lực chống dịch nhưng KPIs đạt được lại khác nhau? Đó là vì năng lực, phẩm chất và tinh thần dấn thân có tính nội sinh của người lãnh đạo. Thêm vào đó, động lực để thúc đẩy hiệu quả chính sách không chỉ xuất phát từ yếu tố cá nhân của lãnh đạo (theo kiểu bẩm sinh), mà còn nằm ở “thiết kế khuyến khích”.
Ví dụ, tôi thấy vẫn có những đơn vị cấp cơ sở không ưu tiên vaccine cho người cao tuổi, bệnh lý nền; tổ chức xét nghiệm nhưng không đảm bảo giãn cách và quy trình an toàn; chưa cập nhật dữ liệu dịch tễ, vaccine, xét nghiệm; hoặc không tổ chức các nhóm phản ứng nhanh chăm sóc F0 cộng đồng, không đảm bảo ôxy; không chủ động đưa công nghệ vào phòng chống dịch… Trái lại, có những địa phương lại làm rất tốt, đạt được các KPIs này.
Vậy cần phải có một “thiết kế khuyến khích” để ai chưa đạt yêu cầu thì phải có động lực để hoàn thiện; ai làm tốt rồi thì có động lực làm tốt hơn. Nếu không xây dựng được “thiết kế khuyến khích”, tức không có cơ chế thưởng/phạt phù hợp, thì dù là lãnh đạo có năng lực hay không cũng sẽ giảm động cơ để thực thi chính sách hiệu quả. Nếu “thiết kế khuyến khích” tốt thì lãnh đạo có năng lực nổi bật sẽ có động lực để đột phá, dẫn đường cho người khác.
Như vậy, một mặt cần thiết kế cơ chế khuyến khích cho người thực thi; mặt khác cần chính sách rõ ràng để người thực thi có động cơ đúng.
Trong ứng dụng công nghệ, làm sao để tối ưu hóa khi điều kiện của các địa phương ở địa bàn TP là khác nhau?. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng đừng quá quan tâm về yếu tố địa giới hành chính khi muốn áp dụng công nghệ vào việc chống dịch. Ví dụ như quận 7 và huyện Nhà Bè hoàn toàn có thể hợp tác với nhau về trung tâm dữ liệu. Cái hay của công nghệ nằm ở “lợi thế kinh tế nhờ quy mô” (economies of scale) và hiệu ứng mạng lưới (network effect). Khi quận 7 có trung tâm dữ liệu thì có thể quán xuyến thêm dữ liệu, tăng lợi ích cho huyện Nhà Bè mà không cần mở thêm một trung tâm dữ liệu mới. Như vậy, chia sẻ về công nghệ thì chi phí không tăng nhưng lợi ích lại được nhân rộng. Ngược lại, nếu mỗi quận/huyện đều phải mở một trung tâm dữ liệu thì chi phí tăng gấp đôi, trong khi hiệu quả có thể kém hơn.
Ví dụ trên cho chúng ta thấy cần có sự liên thông, chia sẻ giữa các địa phương trong ứng dụng công nghệ để vừa giảm chi phí vừa tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực là TP đang xây dựng một ứng dụng (app) mang tính tích hợp. Tất nhiên chưa hoàn thiện và cần thêm thời gian. App muốn thành công, được người dân tin dùng thì phải đảm bảo tính bảo mật dữ liệu và tiện dụng. Tuy nhiên, khi app này hoàn thiện thì không chỉ có giá trị trong phòng chống dịch mà hoàn toàn có thể trở thành một công cụ để người dân có thể tương tác với chính quyền TP.
Thông qua các app như vậy, TP vừa tiết kiệm thời gian và nhân lực, vừa đảm bảo được tính kịp thời và chính xác; và quan trọng nhất là chúng ta sẽ có dữ liệu. Khi dữ liệu có tính cấu trúc, độ bao phủ và tính hệ thống thì đó là tài nguyên của chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số sau này. Nếu hệ thống này được mở ra thì người dân, doanh nghiệp có thể tiếp tục sáng tạo, phát triển các ứng dụng khác phục vụ cho cuộc sống.
Đỗ Thiện