TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cần có cơ chế đi lại cho hàng triệu người đã tiêm vaccine
Trước thực tế Chính phủ đã có chủ trương “thích ứng an toàn” với Covid-19, song quy định về đi lại (hàng không, đường sắt, đường bộ), xét nghiệm, cách ly… ở các địa phương đang khác nhau. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Việt Nam đã tiêm vaccine cho gần 50 triệu người, trong đó 12,8 triệu người tiêm đủ liều, cần có hướng dẫn cơ chế cho nhóm dân số này
Từ góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng mục tiêu “zero Covid” và “thích ứng, sống chung an toàn” với Covid không chỉ là hai quan điểm, mà còn là hai cách tiếp cận về Covid dựa trên hai khuôn khổ tư duy khác nhau.
Để theo đuổi mục tiêu zero Covid, tức loại bỏ virus hoàn toàn khỏi đời sống, không còn F0 cộng đồng, đòi hỏi phải tập trung những nguồn lực vô cùng lớn. Chiến lược này đồng thời chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế, xã hội và dân sinh cũng to lớn không kém để dập dịch. Tư duy này sẽ đúng với hai điều kiện. Thứ nhất, các ca nhiễm không nhiều và được phát hiện sớm, nhờ đó việc khoanh vùng hẹp, thời gian phong tỏa để dập dịch ngắn. Thứ hai, đất nước phải đóng cửa cách biệt với thế giới bên ngoài (vì hiện nay hầu hết các nước khác đều chấp nhận sống chung an toàn với Covid).
Rất tiếc, trong đợt bùng phát thứ tư, với biến chủng Delta, Việt Nam không hội đủ bất kỳ điều kiện nào để thực hiện zero Covid.
Còn sống chung an toàn với Covid là cách tư duy rằng đây là một hiện tượng tự nhiên, muốn hay không muốn nó đang hiện hữu trong đời sống. Vì vậy, phải chấp nhận Covid như một phần của đời sống, dù là phần không mong muốn.
Mục tiêu của chúng ta là tìm mọi cách giảm thiểu tác hại của nó trên các mặt, bao gồm về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Không thể chỉ tập trung giảm thiểu tác hại về sức khỏe.
Nói về sở để thích ứng an toàn, tiến tới mở cửa trở lại, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng khi đã bao phủ được vaccine Covid-19 cho người dân trên diện rộng có nghĩa là số người nhiễm chuyển nặng và tử vong sẽ rất thấp. Theo số liệu của Singapore và một số nước, thì 98% số người đã tiêm chủng đầy đủ nếu bị nhiễm sẽ không phát bệnh. Như vậy, các cơ sở y tế sẽ không phải đối mặt với tình trạng quá tải. Covid đương nhiên dần trở thành một loại bệnh thông thường, như nhiều bệnh truyền nhiễm khác vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện nay.
Dựa trên cơ sở này, các chính sách đề ra cho các địa phương đã bao phủ được vaccine diện rộng phải hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho những người đã tiêm chủng đầy đủ cũng như F0 khỏi bệnh quay trở lại làm việc bình thường, ít nhất trong phạm vi từng tỉnh, thành. Hiện nay TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng… đã cơ bản tiêm xong mũi một vaccine và đang đặt mục tiêu hoàn thành mũi hai trong tháng 10, tháng 11.
Những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, việc hạn chế giao lưu không còn cần thiết. Bởi nếu có F0 trong cộng đồng, địa phương có thể chữa trị bình thường, hệ thống y tế không quá tải.
Với những người đã tiêm chủng hoặc F0 khỏi bệnh, họ đi đến nơi nào cũng vẫn an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, họ có thể vẫn bị nhiễm, mang virus trong người, rồi lây nhiễm cho người khác. Vì vậy, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn cần áp đặt các biện pháp hạn chế giao lưu, để tránh lây lan dịch bệnh. Đến khi có những nghiên cứu, số liệu đầy đủ hơn về mức độ làm lây nhiễm dịch bệnh của người đã tiêm vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, thì những nơi này cũng cần điều chỉnh các biện pháp hạn chế cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thì đến hết ngày 7/10, Việt Nam đã tiêm vaccine cho tổng số gần 50 triệu người, trong đó 36,4 triệu người tiêm mũi một, 12,8 triệu người tiêm đủ liều. Như đã phân tích ở trên, số người tiêm đủ liều cơ bản an toàn trước dịch bệnh; người tiêm một mũi cũng an toàn hơn so với người chưa tiêm.
Vì vậy, cơ quan chuyên môn và các địa phương cần sớm xây dựng cơ chế để nhóm dân số đã an toàn trước dịch bệnh có thể tham gia bất kỳ hoạt động nào, trong phạm vi địa lý nhất định. Kể cả trong trường hợp bị nhiễm bệnh, họ vẫn có thể đi làm bình thường. Lý do là vì họ sẽ tự nhiễm, tự khỏi, một tỷ lệ rất thấp phát bệnh cũng không làm cho hệ thống y tế bị quá tải.
Những người mới tiêm được một mũi thì có thể tham gia nhiều hoạt động hơn người chưa tiêm, nhưng vẫn phải giữ gìn cho đến khi tiêm đủ hai mũi. Vấn đề chỉ là những người này phải thực hiện nghiêm 5K để tránh lây nhiễm cho người chưa tiêm.
Về việc tổ chức đi lại liên tỉnh, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng một số địa phương đã bao phủ được vaccine diện rộng, nhưng nhiều nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Nhưng tôi cho rằng, đã xác định tinh thần sống chung an toàn với Covid, nghĩa là nền kinh tế phải được vận hành bình thường.
Nền kinh tế của đất nước là một thể thống nhất, nên việc lưu thông hàng hóa phải diễn ra thông suốt. Tỷ lệ tiêm chủng nhiều hay ít không phải và không thể là lý do để gây ách tắc cho vận chuyển hàng hóa. Trên các đường giao thông, đặc biệt là trên quốc lộ, các phương tiện vận tải phải được di chuyển bình thường, kể cả trong điều kiện có dịch bệnh hay không. Không địa phương nào có quyền ngăn chặn hoặc gây ách tắc sự lưu thông của hàng hóa.
Để đảm bảo an toàn về dịch bệnh, các địa phương có thể áp đặt quy định, phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ được dừng đậu tại những điểm cố định trên các tuyến đường. Các điểm này có điều kiện phòng chống dịch cao và được bố trí hợp lý để các tài xế có thể nghỉ ngơi trước khi tiếp tục di chuyển.
Đối với việc đi lại của người dân, nên áp dụng mô hình thẻ xanh. Những người đã tiêm đủ hai liều vaccine, F0 khỏi bệnh được cấp thẻ xanh. Khi họ di chuyển đến địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, chỉ cần trình thẻ xanh là đủ. Khi họ đi vào địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì ngoài thẻ xanh, có thể cần thêm xác nhận xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, trong thời điểm chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng ở phạm vi cả nước. Khi cả nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, tạo miễn dịch cộng đồng thì các giải pháp trên cần được bãi bỏ, bởi làm phát sinh chi phí, mà ít mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế, xã hội.
Để chuyển trạng thái chống dịch cũng như cơ chế cho những người đã tiêm vaccine thực hiện thống nhất toàn quốc, tránh cách vận dụng khác nhau giữa các tỉnh thì ông Dũng đánh giá gần hai năm chống dịch vừa qua, xảy ra khá nhiều trường hợp địa phương ban hành các quy định riêng, không phù hợp với quy định chung từ Trung ương, như ngăn sông cấm chợ; cản trở lưu thông hàng hóa; không cho người dân trở về quê…
Gần đây, lãnh đạo Chính phủ đã nêu ra quan điểm rất phù hợp với tình hình khi chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn”, nhưng trong khuôn khổ tư duy của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn chưa thay đổi kịp để thích ứng.
Nguyên nhân chủ yếu vì lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát. Vậy nên họ cố gắng giữ cho địa bàn của mình không bị lây lan dịch bệnh cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không đánh giá hết tác động của những biện pháp mà họ đề ra và không quan tâm đầy đủ đến việc cân đối giữa lợi ích của địa phương với lợi ích của quốc gia.
Ngoài ra, trong điều kiện dịch bệnh, có lẽ, cần phải tập quyền cho Trung ương nhiều hơn mức đã áp dụng vừa qua.
Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm được sự chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền. Nhờ đó, các giải pháp được đề ra cũng phù hợp hơn với tình hình thực tế từng nơi. Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền thì phải tương ứng với năng lực. Nếu phân cấp, phân quyền mạnh mà năng lực yếu, thì hệ lụy sẽ rất lớn.
Ngoài ra, nếu phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều sẽ có thể dẫn đến tình trạng “phân mảng và cát cứ”. Điều này làm cho việc chuyển đổi chiến lược sang mô hình thích ứng an toàn với Covid trên cả nước trở nên khó khăn. Lý do vì thích ứng trước hết là thích ứng về mặt kinh tế. Trong khi kinh tế của đất nước là một thể thống nhất, nếu bị phân mảng, cát cứ thì rất khó vận hành.
Tôi cho rằng Chính phủ cần sớm làm rõ khuôn khổ của khái niệm chung sống an toàn với Covid. Trên cơ sở đó, cần ban hành khung cho mô hình bình thường mới bao gồm cả phòng chống dịch, mở cửa kinh tế và khôi phục mọi mặt đời sống xã hội. Các địa phương chỉ được cụ thể hóa trong phạm vi khung chung mà Chính phủ đã ban hành. Mọi biện pháp hay sự “sáng tạo” của các địa phương đều không được phép vượt ra khỏi bộ khung quy định chung đó.
Ngọc Anh