+
Aa
-
like
comment

TS Nguyễn Minh Hòa: Người dân chờ sự đổi mới từ Chính quyền đô thị TP.HCM

17/11/2020 12:04

Trọng tâm của chính quyền đô thị là xây dựng nền hành chính ‘quý hồ tinh bất quý hồ đa’. Từ phường, quận, tới các sở, ban ngành được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM

Quốc hội đã bấm nút thông qua đề án chính quyền đô thị. Quyết định này là kết quả của một quá trình quyết tâm kiên trì đeo bám của chính quyền TP.HCM theo đuổi mô hình này trong suốt 13 năm (2007 – 2020), mở ra một giai đoạn mới là hiện thực hóa đề án vào trong đời sống của một thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất, đông dân nhất cả nước.

Đề án được thông qua cho phép TP.HCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị ngay mà không phải qua thử nghiệm. Điều này nhằm giúp TP.HCM tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của một đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng, với mục tiêu cụ thể là tinh gọn bộ máy, tiến hành phân quyền sâu rộng xuống tới chính quyền cơ sở, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh chính phủ điện tử, xây dựng nền công vụ gần dân, vì dân.

Điều thuận lợi nhất là bộ máy chính quyền của thành phố đã có đủ thời gian làm quen với đề án, cán bộ, công chức và nhân dân đã chuẩn bị tâm lý, tinh thần và cả tổ chức để đón nhận sự thay đổi lớn lao này.

Dù vậy, mọi thách thức lớn nhất vẫn còn ở phía trước.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Người dân chờ sự đổi mới - Ảnh 1.
TP.HCM sẽ có nhiều thành phố trong thành phố. Trong ảnh: thành phố Thủ Đức tương lai trực thuộc TP.HCM nhìn từ trên cao – Ảnh: TỰ TRUNG

Chính quyền TP.HCM phải mau chóng bắt tay vào sắp xếp lại bộ máy nhân sự sao cho “thấu tình đẹp lý”, bởi việc không còn HĐND cấp quận, phường, sáp nhập nhiều quận, phường, xã lại với nhau sẽ làm cho một số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị dôi dư.

Trọng tâm của chính quyền đô thị là xây dựng nền hành chính “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Từ phường, quận, tới các sở, ban ngành được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Điều đó có nghĩa là mỗi người trong bộ máy công quyền phải là những công chức chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, mẫn cán và thân thiện. Họ không chỉ biết công nghệ thông tin, khá ngoại ngữ và thành thục các kỹ năng quản trị mà còn là người bạn của dân, chỉ như thế mới chuyển được nền công vụ “xin – cho” sang nền công vụ phục vụ.

Phân quyền cho bên dưới là điều cực kỳ hệ trọng, tức là các cán bộ cấp trưởng ở phường, quận, thành phố trực thuộc (thành phố Thủ Đức chẳng hạn) được trao nhiều quyền hơn, được vận hành theo chế độ “một thủ trưởng”. Điều này làm cho cấp dưới được quyền chủ động, sáng tạo trong công việc, giải quyết mọi việc, nhất là sự vụ nhanh gọn, hiệu quả, khắc phục hiện tượng cấp dưới chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên, theo tinh thần “cầm tay chỉ việc”.

Phân quyền bao giờ cũng gắn liền với địa bàn. Tới đây TP.HCM sẽ sáp nhập 3 quận hình thành nên một thành phố mới theo mô hình thành phố trong thành phố, sáp nhập 19 phường. Như thế sẽ có một loạt những vấn đề nảy sinh liên quan đến hành chính, thay đổi tên đường, điều chỉnh giấy tờ tùy thân, và điều chỉnh địa giới hành chính.

Do vậy ngoài việc làm sao giảm thiểu những rắc rối không đáng có cho bà con, công tác quy hoạch không gian cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và sớm ban hành, không để chồng chéo, xung đột quy hoạch dẫn tới nảy sinh những vấn đề môi trường, ngập nước, sụt lún, tắc nghẽn giao thông.

Cái mới phải hơn cái cũ, đó là mong muốn và cũng là yêu cầu của nhân dân đối với chính quyền thành phố. Nhân dân sẵn lòng ủng hộ các chính sách, chủ trương mới và cả hi sinh lợi ích cho cái mới như vui lòng cắt xén nhà cho metro, nhưng cái mới phải hiệu quả, hợp lòng dân.

Người dân chờ đợi sự đổi mới sau quyết định của Quốc hội.

TS NGUYỄN MINH HÒA

Bài mới
Đọc nhiều