TS Nguyễn Đức Kiên: “Chưa năm nào tổ tư vấn “cãi nhau” nhiều như 2020″
TS Nguyễn Đức Kiên: “Chưa năm nào tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng “cãi nhau” nhiều như năm 2020″
“Cao điểm, một đợt trong vòng 10 ngày mà chúng tôi tổ chức 27 cuộc làm việc. Có ngày làm 3 cuộc. Trong thời điểm đó, chúng tôi làm việc cũng không câu nệ gì, miễn mọi thủ tục báo cáo, thưa gửi”, TS Nguyễn Đức Kiên cho biết.
2020 – Một năm quá đặc biệt
Theo Quyết định 1120 về việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tổ có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: Tổ tư vấn là nơi tập hợp của các trí thức với nhiều quan hiểm học thuật, cách tiếp cận khác nhau. Mỗi vấn đề đều được chúng tôi “mổ xẻ”, tranh luận. Nhưng tất cả đều có mục tiêu chung là đều hướng tới các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền, tạo môi trường cạnh tranh, lành mạnh đối với doanh nghiệp…
– Kinh tế trải qua một năm nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, song GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Là tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tổ chức có vai trò quan trọng trong việc tham mưu chính sách cho Thủ tướng, ông có thể chia sẻ những điểm đặc biệt, mang dấu ấn trong công tác tư vấn năm nay?
TS. Nguyễn Đức Kiên: 2020 là một năm rất đặc biệt nên là hoạt động của Tổ tư vấn năm nay cũng rất đặc biệt. Chúng tôi nói vui là: chưa một năm nào mà Tổ “cãi nhau” nhiều như năm nay. Thực tế nhiều vấn đề, chúng tôi đã tranh luận, thảo luận rất nhiều.
Còn nhớ hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2020, Tổ đã họp, hội ý, trao đổi, tranh luận với nhau và cuối cùng đưa ra nhận định: Nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam gặp vấn đề khi bị “đứt gãy” cả cung lẫn cầu. Khi nhận định này được đưa ra, nhiều người cảm thấy “bất ngờ”, “khó tin”. Vì sao? Vì trong thời điểm đó xuất khẩu vẫn còn tốt, nhập khẩu vẫn ổn. Cũng có thể nói đây là một trong những nhận định có tính dự báo rất cao.
Tôi còn nhớ, chúng tôi đã phải trao đổi rất nhiều, ý kiến này được sự nhất trí của đa số thành viên trong Tổ. Ngay trong báo cáo gửi Thủ tướng, để đảm bảo tính dân chủ, chúng tôi vẫn ghi lại đây là “đa số ý kiến của Tổ”.
Rất nhiều vấn đề, thực sự khó tránh được những tranh luận, bởi Tổ tư vấn là tập hợp của nhiều trí thức khác nhau, các thành viên Tổ đều là những chuyên gia uy tín. Một điểm nữa, tốc độ dự báo tăng trưởng kinh tế phải thay đổi liên tục.
Chúng tôi thống nhất với nhau mỗi quý một lần đưa ra dự báo, tương tự như các tổ chức quốc tế. Mọi năm dự báo kinh tế của chúng ta là cứ tháng 10-11 năm nay đưa ra dự báo hết năm sau.
Đó là dự báo ở trong trạng thái giả thiết đầu vào là như thế nhưng năm vừa qua, sự thay đổi rất lớn. Rõ ràng khi đầu vào thay đổi thì kết quả sẽ thay đổi. Nguyên việc trao đổi với nhau về con số dự báo của Tổ với kế hoạch tăng trưởng GDP được phê chuẩn cũng “tốn” nhiều tranh luận. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được tiếng nói chung, thống nhất được với nhau.
Việc đưa ra những dự báo sát là rất quan trọng trong vai trò tham mưu của Tổ. Bởi khi nền kinh tế bị “đứt gãy” thì những hành xử, quyết sách đưa ra khác năm 1997 – khi chúng ta bị mất cung, hay năm 2008 – khi chúng ta bị mất cầu. Năm 2008 chúng ta bị mất cầu thì tung gói kích cầu, hạ lãi suất. Còn năm nay mà chúng ta tung gói kích cầu thì cũng không ăn thua.
HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CHUNG
– Như ông chia sẻ, 2020 là năm nhiều biến động, đặc biệt chưa năm nào Tổ tranh luận nhiều như thế. Vậy làm thế nào để có thể dung hòa các quan điểm của các thành viên trong Tổ, thưa ông?
Đã khoa học thì phải công bằng, dân chủ, công khai. Trong khoa học, số đông chưa chắc đúng. Trong Tổ thực tế có rất nhiều trường phái kinh tế khác nhau, họ đều là những chuyên gia uy tín. Mỗi người có quan điểm, lập trường riêng.
Nhưng tất cả đều có mục tiêu chung là hướng tới các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cũng chưa năm nào anh em làm việc online nhiều như năm 2020 vừa qua. Mỗi thành viên đưa ra các phương án, sau đó nhóm thường trực tổ sẽ tổng hợp kết quả, làm việc với các đơn vị, cơ quan có liên quan.
Chẳng hạn, nếu liên quan đến doanh nghiệp, chúng tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp. Những cuộc làm việc này giúp những dự báo của chúng tôi sát thực tế, đi sâu vào các vấn đề hơn.
Khi làm việc với doanh nghiệp dệt may chẳng hạn, họ sẽ thảo luận, phản ánh lại. Những gì trước đó chúng tôi đưa ra nếu chưa phù hợp, sẽ tìm hiểu, thảo luận, điều chỉnh với đúng diễn biến ngành. Công tác dự báo, tham mưu, tư vấn phải dựa trên những số liệu, thông tin, diễn biến thực tế, không thể chung chung được.
Sau đó chúng tôi cũng thực hiện các cuộc làm việc với các Bộ, ngành, đưa ra các vấn đề, tình hình thế này, các ông có thay đổi được gì để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp không. Ở góc độ quản lý nhà nước các ông có bị khó khăn gì không?
– Vậy vấn đề gì gây tranh luận nhiều nhất giữa các thành viên trong Tổ, thưa ông?
Đó là vấn đề chọn động lực cho năm 2020. Người thì bảo kinh tế tư nhân, người bảo FDI, đến cuối cùng thống nhất là đầu tư công…
Ngay từ tháng 1/2020, chúng tôi đã kiến nghị thúc đẩy đầu tư công để tạo đột phá 2020. Đây là động lực quan trọng tạo tốc độ tăng trưởng.
NĂM TẤT BẬT VÌ COVID-19
– Với những diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19, thời điểm đầu năm 2020, áp lực tăng trưởng kinh tế khá nặng nề, khi đó Tổ tư vấn có thấy áp lực?
Không chỉ Tổ tư vấn, 2020 là năm tất bật, áp lực với cả nước, ai cũng nhận thấy những khó khăn, lo lắng thời điểm dịch bệnh bùng phát. Chúng tôi thảo luận, tranh luận liên tục, đưa các vấn đề ra “mổ xẻ”.
Ngày 20/1, Thủ tướng họp với Tổ tư vấn để giao nhiệm vụ của 2020, lúc đó bức tranh còn sáng lắm. Sau đó chỉ đến 27/1, 1 tuần sau thôi, thì những báo cáo đầu tiên của Covid-19 xuất hiện. Sau khi phát hiện ra thì Thủ tướng triệu tập một cuộc họp ngay hôm 28 Tết. Lúc ấy cũng chưa hiểu Covid-19 như thế nào.
Còn nhớ, chiều mùng 2 Tết, Thủ tướng họp thường trực Chính phủ. Thủ tướng đã nghe báo cáo từ các cơ quan, tổ chức y tế rồi ra quyết sách. Có thể thấy, quyết sách của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch là rất mạnh mẽ, triệt để. Hầu hết trong diễn biến phòng chống dịch đều đi trước, hiệu quả.
10 NGÀY 27 CUỘC LÀM VIỆC
– Điều gì khiến ông cảm thấy đáng nhớ trong công việc của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong năm 2020?
Cao điểm, một đợt trong vòng 10 ngày mà chúng tôi tổ chức 27 cuộc làm việc. Có ngày làm 3 cuộc. Trong thời điểm đó, chúng tôi làm việc cũng không câu nệ gì, miễn mọi thủ tục báo cáo, thưa gửi, đứng lên trình bày ngay. Làm xong thì chuyển đến đơn vị khác.
Rồi mời các chuyên gia từ các Bộ, ngành, cơ quan khác phản biện. Sau khi nhận phản biện từ nhiều phía, hoàn thiện lại, chúng tôi mới đủ “can đảm” để viết ra, trình Thủ tướng Chính phủ là hiện nay nền kinh tế “đứt” cung – cầu, GDP chỉ 4%, không thể hơn được.
Lúc chúng tôi đưa ra 4% kịch bản xấu, gần như là một điều khó tin. Bởi tháng 1 vẫn còn bình thường, tháng 2 xuống chút mà tháng 3 đưa ra kịch bản như vậy.
Nhưng lúc đó, chúng tôi khá chắc chắn bởi nhìn tổng hợp đơn đặt hàng ngành dệt may, da giày thấy “trống” hẳn, mà ngành này mỗi năm đóng góp vài chục tỷ USD. Đơn hàng không có thì mất rất nhiều. Chưa kể, dầu thời điểm đó lao dốc, có lúc còn âm…
– Trong Tổ có nhiều thành viên ở nước ngoài, cùng với đó là những hạn chế khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc thảo luận, họp hành chủ yếu là trực tuyến, điều này có gây bất tiện gì cho việc sinh hoạt của Tổ, thưa ông?
Chúng tôi chủ yếu làm trực tuyến, không có gì bất tiện cả. Thời đại công nghệ, việc kết nối với nhau là rất dễ dàng, nhanh chóng. Ngay cả việc thảo luận giữa Thủ tướng với các thành viên cũng rất linh hoạt, một cuộc điện thoại là có thể trao đổi được.
Khi cần phối hợp giữa Tổ với các bộ ngành khác thì Thủ tướng viết công văn gửi Bộ trưởng, văn phòng… Có hôm 11h đêm rồi, Thủ tướng còn gọi cho từng thành viên để bàn bạc, giao việc.
NĂM 2021 – KỊCH BẢN KINH TẾ RA SAO?
– Xin ông cho biết Tổ tư vấn dự báo kịch bản tăng trưởng ra sao cho năm 2021?
Chúng tôi dự báo kinh tế 2021 vẫn nằm trong 2 kịch bản cơ bản. Đó là một là vẫn còn dịch Covid-19 và hai là dịch được kiểm soát hoàn toàn. Chúng tôi nghiêng về dự báo xu thế vẫn còn dịch. Xu thế có dịch dự báo đến nửa đầu năm 2021.
Sở dĩ chúng tôi đưa nhận định như thế vì khả năng vacxin đạt được miễn dịch cộng đồng rất tích cực thì cũng phải đến tháng 6, tháng 7 mới đạt được 50%.
Một cái căng thẳng nữa là hiện nay chủng mới lại xuất hiện. Covid-19 chủng mới ở Anh có tốc độ lây lan gấp nhiều lần so với chủng cũ. Hiện nay chúng ta đang ngồi đây nhưng nhiều nước dịch rất căng thẳng.
Thêm nữa, cũng phải chờ khoảng 100 ngày sau khi Mỹ có Tổng thống mới chúng ta mới nắm được đường đi chính sách của họ như thế nào.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn. Cuối năm trạng thái cân bằng mới, lúc đó hồi phục, phát triển hơn. Nhìn chung mức tăng trưởng 6,5% là khó khăn…
Nguyễn Khánh/DT