+
Aa
-
like
comment

TS. Lê Đăng Doanh: “Tôi nhìn thấy một vị Thủ tướng năng nổ, thân thiện và sâu sát”

02/04/2021 09:45

Trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp cận thực tế. Thực sự đây là một vị Thủ tướng năng nổ, thân thiện và sâu sát.

TS. Lê Đăng Doanh: "Tôi nhìn thấy một Chính phủ rất có thiện chí" - Ảnh 1.
Nhiệm kỳ Chính phủ (2016-2021) được đánh giá là một nhiệm kỳ thành công trên nhiều phương diện.

Những dấu ấn không thể phủ nhận

Thưa ông, nhiệm kỳ Chính phủ (2016-2021) kết thúc được đánh giá đã để lại những dấu ấn đậm nét đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ông có đánh giá gì về nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng?

– Nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua đã cho thấy khả năng “chèo lái” con thuyền đất nước vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn bất ngờ của người “thuyền trưởng”.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định mục tiêu “xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Dưới sự điều hành của Thủ tướng, thành công theo tôi ấn tượng nhất là việc Chính phủ trong suốt 5 năm qua luôn nỗ lực để đẩy mạnh công cuộc hội nhập của Việt Nam vào kinh tế khu vực và thế giới. Đó chính là cách kiến tạo những cơ hội cho nền kinh tế.

Đó là việc chúng ta đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường trọng điểm toàn cầu, trong đó có nhiều Hiệp định quan trọng như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Đây là bước tiến quan trọng để góp phần vào công cuộc đa dạng hóa thị trường, thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy việc sửa đổi nhiều văn bản pháp luật theo hướng tinh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng đã kịp thời rút ra được những bài học, như bài học từ cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Với cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam giữ một vị trí hết sức tế nhị, chúng ta được lợi từ việc Mỹ đánh thuế vào hàng Trung Quốc, tăng xuất khẩu sang Mỹ nhưng chúng ta chỉ giữ ở mức độ nhất định để tránh Mỹ điều tra việc thao túng tiền tệ nếu chúng ta xuất nhiều quá.

Trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng cũng đã chủ trì rất nhiều cuộc họp với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh cải cách, cắt được nhiều giấy phép con, bỏ được nhiều thủ tục hành chính rườm rà; có bước tiến trong phát triển Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số hóa… là những nỗ lực đáng ghi nhận của Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ qua.

Tuy vậy, tôi thấy rằng kinh tế số hóa Việt Nam vẫn chậm, hiện nay vẫn thụt lùi so với nhiều nước trong ASEAN. Có thể nói bước tiến của chúng ta về Chính phủ điện tử chưa đồng đều và chưa tạo được cú hích đáng kể trong tiến bộ xã hội và trong nền kinh tế. Ví dụ như việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối chuỗi giá trị như thế nào, nông dân kết nối ra làm sao hiện vẫn chưa thực sự có những kết quả đánh giá cụ thể. Nếu chúng ta kết nối được chắc chắn các nhà nhập khẩu nước ngoài, như Nhật Bản sẽ tăng mua các nông sản của chúng ta vì họ dễ dàng kiểm soát được từ khâu đầu đến khâu cuối.

TS. Lê Đăng Doanh: "Tôi nhìn thấy một Chính phủ rất có thiện chí" - Ảnh 3.
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Năm cuối của nhiệm kỳ, Chính phủ đã phải đối mặt với thử thách bất ngờ đó là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Các nền kinh tế thế giới đều “chao đảo”, nhiều nước tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng lại có mức tăng trưởng âm. Theo ông đâu là dấu ấn của Thủ tướng trong những thành công này?

– Dưới sự điều hành của Thủ tướng, Chính phủ nhiệm kỳ qua đã đạt được mục tiêu “kép” vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Có báo nước ngoài hỏi tôi rằng: Vì sao Việt Nam lại có được thành công như thế? Tôi trả lời rằng, chúng tôi có được thắng lợi như thế chính là nhờ sự đồng thuận của người dân, sự tham gia của cả cộng đồng và cuộc chiến chống dịch. Chúng tôi đã có được những điều khác so với nhiều nước trên thế giới, như nước Pháp, Đức người dân phản đối việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… trong khi chúng tôi đã có được sự đồng thuận rất lớn.

Mặt khác, thành công trong các xử lý, kiểm soát đại dịch cũng cho thấy sự linh hoạt của Chính phủ. Khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020, chúng ta phong tỏa ở diện rộng, quy mô lớn trên toàn quốc, sau đó chuyển sang phong tỏa từng cụm nhỏ ở tỉnh, quận rồi phường, xã, thôn xóm, rồi từ chỗ phong tỏa cả chung cư chuyển sang phong tỏa tầng. Rõ ràng, chúng ta đã có sự đánh giá rất nghiêm túc từ đó rút ra bài học và điều chỉnh trong công tác điều hành. Tất nhiên, cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và chúng ta chưa biết bao giờ kết thúc nên cần phải hết sức cảnh giác, cần có sự phân tích rất nghiêm túc điểm mạnh, điểm yếu để chúng ta không phải đối mặt với những diễn biến xấu trong tương lai. Cần đặc biệt tránh sự lạc quan thiếu căn cứ, dễ dãi.

Một điều đáng ghi nhận là, mặc dù tác động của dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm nhưng trong tình hình rất khó khăn Chính phủ vẫn giãn, giảm thuế, có gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù gói hỗ trợ đầu tiên có quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Có doanh nghiệp gặp tôi họ bảo: “Có lẽ em phải phá sản mấy tháng thì mới làm xong hồ sơ xin hỗ trợ”.

Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và có điều chỉnh và rút kinh nghiệm. Lắng nghe, kịp thời sửa đổi những cái chưa hợp lý, chưa đúng theo dư luận xã hội, theo mong muốn của số đông người dân, doanh nghiệp… chính là một trong những dấu ấn của Chính phủ nhiệm kỳ này. Tôi nhìn thấy một Chính phủ rất có thiện chí.

TS. Lê Đăng Doanh: "Tôi nhìn thấy một vị Thủ tướng năng nổ, thân thiện và sâu sát" - Ảnh 4.
Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đối thoại với nông dân (ảnh DV)

Tuy nhiên, Chính phủ rất năng động nhưng bộ máy giám sát, phản biện, thiết chế về mặt kỹ thuật cần phải xem xét lại và rút kinh nghiệm. Trước khi Chính phủ ban hành một chính sách cần phải có một nhóm tư vấn nghiên cứu, đánh giá dư luận xã hội để xem người dân, doanh nghiệp sẽ ứng xử như thế nào, có khó khăn, hành vi ra sao? Theo tôi, cách tốt nhất ở Việt Nam là tạo được một điển hình và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm xem mô hình đó có đột phá cái gì, cần thay đổi cái gì. Đây là cách làm Việt Nam có từ thời chiến tranh. Nếu chỉ ngồi bàn lý thuyết thì rất khó.

Một bộ máy vận hành tốt luôn cần có một người đứng đầu có tầm. Vậy theo ông, người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ qua đã hoàn thành vai trò người đứng đầu ra sao?

– Tôi nhìn thấy ở người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ qua đã có một cách tiếp cận mới. Có một thống kê cho thấy, nhiệm kỳ qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 540 chuyến thăm, khảo sát xuống các địa phương trong cả nước. Thực sự đây là một vị Thủ tướng năng nổ, chịu khó và sâu sát.

Thủ tướng có một cường độ làm việc rất cao. Ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp cận thực tế, giải quyết một cách thiết thực những vấn đề cuộc sống đề ra.

Đặc biệt, Thủ tướng đã rất lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, từ công luận, báo chí. Đó là một trong những điểm tốt ở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rằng, bên cạnh việc người lãnh đạo năng nổ thì cần tăng cường hơn nữa việc phát huy vai trò của tầng lớp nghiên cứu, cần có các cuộc đối thoại sâu sắc, thực chất, thẳng thắn vào những vấn đề mấu chốt về phát triển kinh tế – xã hội.

Tôi nhớ, thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã có những buổi nói chuyện tranh luận thẳng thắn với tổ tư vấn để tìm ra được nhiều giải pháp cho những vấn đề lớn. Hay ông đã từng tổ chức hội thảo và mời Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đến dự. Lý Quang Diệu có một triết lý rất hay: Nếu ai trên thế giới chê bai Singapore thì mời ngay người đó đến để dạy mình. Và thực tế ông đã vận dụng có hiệu quả triết lý này.

Cần những chính sách tốt để tạo ra động lực

Bên cạnh những dấu ấn đạt được thì cũng cần nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Vậy theo ông đâu là những vấn đề Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua chưa thể hoàn thành?

– Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ĐBSCL, như tái cơ cấu nông nghiệp từ ba vụ lúa thành một vụ tôm, một vụ tôm có giá cao gấp 6,7 lần vụ lúa nên đã mang lại thu nhập khá hơn cho người dân. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ nhiệm kỳ qua vẫn còn lúng túng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đối với vấn đề rừng nhập mặn, khô hạn ở miền Trung. Việc cần phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế như thế nào, chúng ta rất cần có một giải pháp cụ thể, căn cơ đối với từng vùng miền chứ không chỉ nói chung chung.

TS. Lê Đăng Doanh: "Tôi nhìn thấy một vị Thủ tướng năng nổ, thân thiện và sâu sát" - Ảnh 4.
Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có nhiều lần đối thoại với nông dân để tìm ra các giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thứ hai, cách mạng CN 4.0 đòi hòi chúng ta phải đổi mới hơn nữa về mặt tư duy, thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo, đặc biệt là đề cao việc trọng dụng nhân tài từ trong và ngoài nước. Có thể sẵn sàng mời người nước ngoài giỏi vào làm giám đốc cho doanh nghiệp nhà nước, mời họ tham gia vào viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn nhân ở nước ta chưa thực sự được đào tạo bài bản, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu.

Cùng với đó vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm hiện vẫn hết sức nhức nhối đối với người dân, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn kêu ca về những thủ tục hành chính, những phí bôi trơn “bất thành văn”.

Bên cạnh đó, việc công khai minh bạch chúng ta vẫn chưa làm được. Tôi nhớ Trang thông tin Bộ Tài chính của Thụy Điển có đến 2.000 bản công khai toàn bộ chi tiêu của Chính phủ, trong khi ở Việt Nam, Trang thông tin của Bộ Tài chính chỉ có tổng thu, tổng chi của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chứ không công khai chi cụ thể.

TS. Lê Đăng Doanh: "Tôi nhìn thấy một Chính phủ rất có thiện chí" - Ảnh 4.

Vậy trong nhiệm kỳ này, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, ngoài việc kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đã đạt được của nhiệm kỳ trước, theo ông cần chú trọng đến những vấn đề quan trọng nào để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra?

– Những điều tôi nói ở trên đều là những thành tựu nổi bật hơn so với nhiệm kỳ trước, giúp nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ là nhiệm kỳ thành công, năng động và có nhiều kết quả nổi bật nhất. Vì thế, tôi mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo sẽ có sự kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đã đạt được này.

Trong 5 năm qua, cả nước đang phải đối mặt với biến đối khí hậu, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn… Nên đây là vấn đề Chính phủ nhiệm kỳ tới cần phải tìm phương thức giải quyết hiệu quả. Hơn nữa, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta hiện có nhân lực trẻ nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp. Kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế – xã hội hiện đang tụt hậu khá nhiều so với khu vực, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics nói chung còn cao…

Hơn nữa, Việt Nam mới chỉ có 9 doanh nghiệp/1.000 dân, còn thua xa so với nhiều quốc gia khác, nên Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là về vốn, đất đai. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục cải cách bộ máy quản lý, chuyển đổi số, giảm bớt các thủ tục phiền hà hơn nữa. Vì thế, Chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo cần những giải pháp mang tính lâu dài, đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Việc đẩy nhanh đô thị hóa cần phải có sự kết hợp hết sức nghiêm túc với vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiếu khí thải nhà kính. Dự án xây dựng khu đô thị bên bờ sông Hồng cũng cần phải được nghiên cứu kỹ nếu không cẩn trọng sẽ có những tác động không nhỏ đến môi trường sống của Thủ đô.

Đối với nông nghiệp, phải tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chuyển nhanh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại trên quy mô lớn. Để làm được điều này phải vận dụng tốt những thành tựu của công nghệ hiện đại, cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách mới phù hợp. Đặc biệt, cần có cơ chế để thúc đẩy, thu hút tư nhân tham gia đầu tư nông nghiệp.

Phải bớt hô hào đi mà tập trung vào nghiên cứu chính sách để từ chính sách tạo ra động lực. Nếu có động lực tôi tin chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

Tôi mong người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực từ người tiền nhiệm để tiếp tục “chèo lái” con thuyền đất nước vượt qua những thử thách còn ở phía trước.

Minh Lê

Bài mới
Đọc nhiều