TS Giáp Văn Dương: Lỗi trong Tiếng Việt 1 có thể lặp lại ở SGK khác
Dù có cái nhìn lạc quan về các bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay, TS Giáp Văn Dương cho rằng quá trình biên soạn, thẩm định, chọn sách giáo khoa hiện nay còn có nhiều lỗi.
Sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, bộc lộ nhiều vấn đề về ngữ liệu, sau một thời gian đưa vào sử dụng. Nhiều người bức xúc vì một bộ sách được biên soạn bởi đội ngũ nhiều kinh nghiệm, 100% thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đạt, nhưng chất lượng lại đang là dấu hỏi lớn.
Trao đổi với Zing, TS Giáp Văn Dương, tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Times School, cho rằng nếu không giải quyết triệt để, các lỗi mắc phải của bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm nay sẽ có nguy cơ lặp lại với sách lớp 2 và lớp 6.
Không chỉ bộ Cánh diều có “sạn”
– Những ngày qua, dư luận xôn xao, tranh cãi về những ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều. Ông có thấy đây là vấn đề lớn đối với sách giáo khoa?
– Việc có nhiều bộ SGK như năm nay để các cơ sở giáo dục lựa chọn là bước tiến lớn trong giáo dục. Chúng ta cần phải bảo vệ thành tựu này. Không vì có “sạn” mà tính chuyện lùi lại, trở về với một bộ sách như trước đây.
Với sách giáo khoa lớp 1 năm nay, đúng là trong một số bộ sách, không chỉ Cánh diều, vẫn còn một số “hạt sạn” về ngữ liệu. Sau khi có được góp ý từ giới chuyên môn và phản hồi của các giáo viên, tôi nghĩ các “hạt sạn” này sẽ được loại bỏ. Nhưng, đó là cho các năm sau, chứ năm nay không sửa kịp.
Điều tôi quan tâm là các nguyên tắc dẫn dắt trong quá trình biên soạn sách, như triết lý và giá trị, các nguyên tắc cơ sở, quy trình biên soạn, quy trình thẩm định, tiến độ biên soạn, dường như đang rất có vấn đề và chưa thể khắc phục trong thời gian tới.
Ví dụ cụ thể là về tiến độ biên soạn cho các bộ sách lớp 2 và lớp 6 đã và đang bị trễ. Lẽ ra giờ này, sách đã phải xong và đưa vào dạy thực nghiệm để lấy phản hồi của giáo viên, học sinh.
Học sinh mỗi khối lớp phải học theo lớp lang thứ tự về kiến thức, không thể dạy nhảy cóc để thực nghiệm vì kiến thức nền chưa đủ, cũng không thể dạy lùi vì học sinh đã biết nên phản hồi không chính xác. Vì vậy, việc dạy thực nghiệm tối thiểu phải mất một năm. Nhưng thời gian dường như không đủ để làm việc này với bộ sách lớp 2 và lớp 6 sắp tới.
– Vì sao SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, do đội ngũ nhiều kinh nghiệm biên soạn, trải qua thẩm duyệt, thực nghiệm nhưng vẫn có nhiều vấn đề?
– Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sai sót. Trong đó, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính như: Có sự chủ quan và dễ dãi nhất định trong việc tổ chức biên soạn và thẩm định SGK; trình độ của đội ngũ biên soạn và thẩm định bị giới hạn và chịu quá nhiều ràng buộc máy móc; thời gian biên soạn quá cấp tập nên các tác giả bị ép tiến độ, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của sách; thời gian dạy thử nghiệm rất ít, quy mô không đủ lớn, dẫn đến không có được phản hồi của giáo viên và học sinh; giới chuyên môn ngoài xã hội không được góp ý cho bản thảo nên không phát hiện được sai sót này trước khi sách đưa vào thẩm định.
Thực tế có thể còn nguyên nhân khác nữa mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Việc 100% thành viên hội đồng thẩm định bỏ phiếu đạt cũng làm cho tôi băn khoăn, vì chỉ khi quá dễ dãi, hoặc sản phẩm quá hoàn hảo, thì mới có được kết quả 100% đồng ý như vậy.
– Trong 5 bộ SGK lớp 1 được sử dụng năm nay, Cánh diều được các địa phương lựa chọn với tỷ lệ áp đảo, nhưng đến nay lại bộc lộ nhiều vấn đề. Ông có cho rằng quy trình chọn sách ở các trường chưa tốt hay có kẽ hở nào không?
– Nguyên tắc là mỗi trường sẽ chọn sách phù hợp triết lý, giá trị, phương pháp và tinh thần giáo dục chủ đạo của trường mình, tức là phù hợp con đường giáo dục mà mình theo đuổi. Nhưng điều này chỉ thể hiện rõ ràng với khối trường ngoài công lập. Còn với trường công lập, các nội dung trên không phải là ưu tiên sống còn, nên thể hiện rất mờ nhạt.
Điều đáng lo ngại là các lỗi mắc phải của bộ SGK lớp 1 năm nay sẽ có nguy cơ lặp lại trong các bộ sách kế tiếp.
TS Giáp Văn Dương
Đó là về nguyên tắc nhưng trên thực tế, việc chọn sách có thể còn chịu các tác động khác ngoài yếu tố giáo dục và các quán tính văn hóa của mình. Chẳng hạn, các trường có thể chỉ đơn thuần chọn bộ SGK nào gần nhất với bộ SGK cũ để giáo viên dễ dạy, chứ không phải bộ có chất lượng tốt nhất.
Cũng cần lưu ý do SGK là sản phẩm của các nhà xuất bản, việc phát hành sách đương nhiên có tác động của yếu tố thị trường. Do doanh số sách có vai trò sống còn với bản thân nhà xuất bản, việc bán sách, đặc biệt là quyết định mua sách của các trường, không chỉ đơn thuần được quyết định bởi chất lượng sách, mà còn do kỹ thuật truyền thông, tiếp thị, làm thị trường của chính nhà xuất bản.
Các kẽ hở (nếu có) trong việc chọn sách, nếu không nằm ở giới hạn về chuyên môn của người chọn sách, thì sẽ nằm trong các yếu tố thị trường này.
Không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa
– Sau hơn một tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa, với nhiều vấn đề nảy sinh, phụ huynh lo lắng cho thế hệ học sinh lớp 1 hiện nay và đặt nghi vấn việc đổi mới chương trình. Ông có lo lắng về điều này?
– Sách còn “sạn” là điều mà nhiều người đã chỉ ra. Các tác giả sẽ tiếp thu và sửa chữa, rồi thẩm định lại theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Bộ SGK nào không vượt qua sẽ không được tiếp tục lưu hành.
Riêng về chương trình, tôi không cho là quá nặng, đặc biệt là khi so sánh với các chương trình của nước ngoài.
Việc lo lắng cho học sinh khối 1 năm nay cũng không nên thái quá, vì trong số 5 bộ SGK đang lưu hành, còn những bộ SGK tốt. Chưa kể về đại thể, tôi đánh giá SGK năm nay tốt hơn SGK trước đây, không chỉ về nội dung, mà còn cả hình thức nữa, không chỉ một năm, cả bậc phổ thông.
Tôi cho rằng học sinh lớp 1 năm nay, trong đó có con tôi, may mắn hơn thế hệ trước đây, vì được học sách tốt và đẹp hơn so với niên khóa trước.
– Ông có lời khuyên cho phụ huynh về việc đồng hành cùng con học tập như thế nào?
– Phụ huynh thấy lo lắng có thể mua thêm một bộ SGK khác so với bộ SGK nhà trường đã sử dụng để cho con tham khảo, và nếu được thì trực tiếp dạy bổ sung cho con ở nhà.
Như thế, các sai sót sẽ được pha loãng và còn tạo cho con thêm tư duy phản biện và góc nhìn đa chiều, khi thấy rằng cùng một nội dung, các bộ SGK sẽ viết khác nhau. Các em sẽ không còn tâm thế lệ thuộc SGK, coi SGK là chân lý giáo dục, là kinh thánh, phải theo.
Xã hội phải được góp ý về SGK – Các nước trên thế giới biên soạn và sử dụng sách giáo khoa như thế nào?
– Tôi có chút ít kinh nghiệm về việc sử dụng SGK ở Anh và Singapore, nơi con tôi học. Về tổng thể, việc sử dụng SGK có nhiều nét giống cách chúng ta làm cho bộ SGK mới này.
Bộ GD&ĐT cũng nên quy định một ngày cụ thể để các nhà xuất bản công bố dự thảo tất cả bộ SGK, giới chuyên môn góp ý hoàn thiện trước khi thẩm định vòng cuối và đưa vào sử dụng.
TS Giáp Văn Dương
Cụ thể, dựa trên chương trình quốc gia, các tác giả và nhà xuất bản tổ chức biên soạn sách. Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định và Bộ Giáo dục cấp phép lưu hành cho các bộ sách. Việc lưu hành có thể có thời hạn xác định, như ở Singapore chẳng hạn. Khi chương trình quốc gia thay đổi, SGK cũng được viết lại.
Dựa trên danh mục SGK đang được phép lưu hành, nhà trường sẽ chọn bộ sách cho giáo viên của mình sử dụng. Nhưng mỗi nước lại sử dụng theo mỗi cách khác nhau.
Ở Anh, giáo viên không dùng một bộ SGK cố định để giảng dạy, mà chủ động khai thác nhiều bộ SGK và sách tham khảo trong thư viện để soạn bài, miễn sao đáp ứng yêu cầu về kết quả đầu ra của chương trình quốc gia. Ngoài ra, giáo viên và học sinh có thể sử dụng thêm các bộ sách khác làm sách tham khảo.
Ở Singapore, nhà trường chọn một bộ chính thức cho học sinh sử dụng, tương đối giống với cách làm của chúng ta với lớp 1 hiện nay.
– SGK lớp 2, lớp 6 cũng đang trong thời gian thẩm định. Ông cho rằng đội ngũ làm SGK và thẩm định cần lưu ý những vấn đề nào để không tái diễn tình trạng như SGK lớp 1 năm nay?
– Tôi chỉ lưu ý về quy trình tổ chức biên soạn, thẩm định cần khoa học và chặt chẽ hơn nữa. Tiến độ biên soạn và thẩm định cũng cần được lưu ý và điều chỉnh sao cho phù hợp, tránh tình trạng các tác giả bị ép tiến độ như với bộ sách vừa rồi, dẫn đến không còn thời gian để dạy thực nghiệm đúng và đủ ở nhiều địa phương khác nhau.
Ngoài ra, các tác giả cũng cần có đủ thời gian để biên soạn sách giáo viên và sách bài tập kèm SGK, nếu không sẽ dẫn đến khó khăn cho giáo viên và học sinh khi phải dạy và học SGK mới.
Bộ GD&ĐT cũng nên quy định một ngày cụ thể để các nhà xuất bản công bố dự thảo tất cả bộ SGK, giới chuyên môn góp ý hoàn thiện trước khi thẩm định vòng cuối và đưa vào sử dụng. Tuy là sản phẩm thương mại của nhà xuất bản, về bản chất, SGK có tính chất của hàng hóa công, nên cộng đồng cần được có ý kiến hoàn thiện trước khi sử dụng.
Điều đáng lo ngại là các lỗi mắc phải của bộ SGK lớp 1 năm nay (như định hướng về triết lý và giá trị làm cơ sở để dẫn dắt việc biên soạn và thẩm định sách, thời gian làm sách quá gấp, không kịp dạy thực nghiệm trên diện rộng để lấy phản hồi của giáo viên và học sinh) sẽ có nguy cơ lặp lại trong các bộ sách kế tiếp.
Đây là “lỗi hệ thống” trong giáo dục, không dễ gì mà sửa chữa được trong vài tháng tới.
Minh Nhật/ZN