+
Aa
-
like
comment

Truyền thông thế giới ngỡ ngàng vụ lực lương Cảnh sát phát hiện tái chế 320.000 bao cao su ở Bình Dương

Thành Nhân - 25/09/2020 22:28

Trang BBC đưa tin về vụ bắt quả tang hàng chục túi bao cao su đã qua sử dụng đang được một phụ nữ ‘tạo hình lại’ như mới.

Cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Vụ việc cảnh sát Việt Nam đã thu giữ hơn 320.000 bao cao su đã qua sử dụng từ một cơ sở đang “tái chế” chúng đã gây xôn xao cả trên truyền thông phương Tây.

Trang tin này dẫn các tin tức được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy, một phụ nữ Việt Nam được trả 0,17 USD cho mỗi kg bao cao su được tạo hình lại.

Các bao cao su đã qua sử dụng được rửa sạch và người phụ nữ này có việc là làm sạch chúng, phơi khô, tạo hình lại bằng những chiếc dương vật giả làm từ gỗ và sau đó đóng gói như mới trước khi bán ra thị trường, tờ báo Mỹ viết.

Bà Ngọc nhận gia công, tái chế bao cao su cũ với giá 4.000 đồng/kg. Ảnh: Người Lao động

Một đoạn video được công bố khi “đột kích” cơ sở này cho thấy hàng chục túi nilon nặng khoảng 360 kg đặt trong một nhà kho ở phía Nam tỉnh Bình Dương. Người phụ nữ chủ kho đã bị bắt và giới chức vẫn chưa thể kiểm soát được có bao nhiêu bao cao su đã được bán lại trên thị trường.

BBC dẫn lời một quan chức địa phương không nêu tên cho hay bao cao su được coi là rác thải y tế và sẽ xử lý chủ hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo các tin tức cập nhật về vụ việc, sau khi bị bắt quả tang tái chế hơn 300 nghìn bao cao su đã qua sử dụng, chủ cơ sở đã rời khỏi nơi tập kết nên việc xác định nguồn gốc số bao cao su này đang bị “kẹt”.

Các dụng cụ để tái chế bao cao su. Ảnh: Dân Trí

Ngày 25/9, lãnh đạo Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra và bắt quả tang bà Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi, quê Nghệ An) đang thực hiện công đoạn tái chế hàng trăm nghìn bao cao su (khoảng 360kg) đã qua sử dụng tại một khu nhà trọ nằm trên đường ĐX12 (phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên), đơn vị đã mời bà Ngọc lên làm việc để làm rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, bà Ngọc đã rời khỏi phòng trọ.

Hiện tại, lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương điều tra truy ngồn gốc số hàng này để có hình thức xử lý.

Theo Cục Quản lý thị trường Bình Dương, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về việc có một cơ sở tái chế bao cao su trên địa bàn, lực lượng đã tiến hành kiểm tra xác minh. Sau đó nhận thấy cơ sở này hoạt động đúng như người dân phản ánh.

Ngày 19/9, Cục quản lý thị trường đã phối hợp cùng với công an địa phương ập vào khu nhà trọ tại địa chỉ trên để kiểm tra thì phát hiện 324 nghìn bao cao su tương đương 360kg đã qua sử dụng đang được tái chế. Tại thời điểm kiểm tra, bà Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ, nguồn gốc của toàn bộ số bao cu su đã qua sử dụng trên.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Ngọc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phía công ty không có đơn hàng nên bà bị công ty cho nghỉ việc. Sau đó có người giới thiệu bà Ngọc nhận gia công, tái chế bao cao su đã qua sử dụng từ một người đàn ông không rõ tên và địa chỉ.

Đầu tháng, người đàn ông này đến giao cho bà Ngọc bao cao su đã qua sử dụng. Bà Ngọc có nhiệm vụ súc rửa, phơi khô, phân loại và vuốt lại, tạo hình như mới. Sau đó, người này sẽ đến nhận về. Tiền công được tính theo số kg đã tái chế với giá thỏa thuận giữa 2 bên là 4.000 đồng/kg.

Hiện toàn bộ số bao cao su đã qua sử dụng đã bị niêm phong, tạm giữ trong kho của Cục Quản lý thị trường.

Thành Nhân/Theo BBC

Bài mới
Đọc nhiều