+
Aa
-
like
comment

Truyền thông quốc tế: Việt Nam vẫn thu hút “đại bàng” bất chấp khó khăn

Bảo Trâm - 13/12/2021 05:15

Trang CNN, Nikkei Asia Review cùng hàng loạt những trang báo kinh tế uy tín trên thế giới đều có bài viết nói về  việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra.

Mở đầu bài viết bằng thông tin tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Lego đã chính thức rót vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD, phân kỳ đầu tư trong 15 năm, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VN – Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương.

Theo CNN, dự án trên là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Đáng lưu ý, quá trình thực hiện dự án diễn ra khá nhanh.

Trích lời ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhận xét sự quyết liệt, nhanh nhạy trong công tác đối ngoại, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài của các lãnh đạo trong thời gian ngắn vừa qua đã có tác động tích cực trong bối cảnh mới.

Hơn nữa, theo CNN, Covid-19 tại Việt Nam cũng đang dần được kiểm soát, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng sản xuất đã trở lại hoạt động cho thấy không khí “hồi sinh” rất rõ.

Riêng Nikkei Asia Review lại đưa ra nhận định rằng, mặc dù Việt Nam chịu phải một lực tác động lớn từ Covid-19, khiến một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.

Trong 11 tháng năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp vốn đăng ký mới cho 1.577 dự án, với trị giá đạt hơn 14 tỷ USD. Vốn đăng ký điều chỉnh có 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm hơn 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, mặc dù bùng phát dịch Covid-19 nhưng các dự án hạ tầng công nghệ ở một số thành phố trong cả nước, nhất là thành phố Đà Nẵng vẫn được đẩy nhanh để xây “tổ” đón đại bàng, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực thành phố thông minh.

Trong những ngày cuối năm này, Công viên phần mềm số 2 ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp các đội nhóm công nhân đua tiến độ. Nhờ năng lực các nhà thầu đồng đều, đến nay tòa nhà văn phòng 8 tầng ICT1 đã rút ngắn tiến độ 8 tháng, đảm bảo đến ngày 31/12 sẽ bàn giao cho đơn vị thuê lắp đặt văn phòng, vận hành vào tháng 2 năm sau, trang Nikkei Asia Review viết.

Trang Nikkei cũng trích ý kiến từ bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, cho biết các thành viên của AmCham Việt Nam đang trên đà trở lại với công việc kinh doanh và họ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam.

Khảo sát của AmCham Việt Nam cho thấy, hầu hết doanh nghiệp thành viên của họ đã trở lại hoạt động bình thường. Đối với những công ty chưa đạt công suất bình thường, 25% dự kiến sẽ đạt được 100% vào cuối năm, hơn 60% dự kiến sẽ trở lại bình thường vào quý I/2022 và hơn 90% vào quý II/2022. Gần 80% đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung – dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn tăng, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với Việt Nam.

Không dừng lại, các tổ chức kinh tế thế giới cũng đưa ra thừa nhận rằng kể cả trong đại dịch, Việt Nam vẫn là nước có mức tăng trưởng cao. Khảo sát cho thấy, các nhà đầu tư nói tìm thấy khả năng sinh lời cao khi vào đây. Thành quả này nhờ vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã và đang cải thiện nhiều, độ mở của nền kinh tế rộng hơn, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia ký kết nhiều nhất trong khu vực…

“Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam năm 2021 trên đà giành lại vị thế”, trang CNN nhận định.

Bảo Trâm (Theo CNN, Nikkei Asia Review, World Bank)

Bài mới
Đọc nhiều