+
Aa
-
like
comment

Truyền thông quốc tế nói gì về tăng trưởng GDP quý II/2024 đạt 6,93% của Việt Nam?

Bích Ngân - 03/07/2024 11:54

Cuối tuần trước, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu kinh tế – xã hội quý II và nửa đầu năm 2024, cho thấy một bức tranh tươi sáng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II ước tính đã tăng lên 6,93% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng trưởng 5,87% trong quý I, theo Reuters.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cũng cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2024, phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn trong năm trước. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng này.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hãng tin Reuters nhận định rằng “Việt Nam, một nước xuất khẩu điện thoại thông minh, đồ điện tử và hàng may mặc quan trọng, đang tìm cách củng cố hoạt động kinh doanh sau khi không đạt kỳ vọng năm ngoái do nhu cầu toàn cầu yếu”. Tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam tiếp tục có xu hướng tích cực, với mỗi quý đều tốt hơn quý trước.

Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 190 tỷ USD. Sự gia tăng này cho thấy Việt Nam đã khôi phục mạnh mẽ khả năng sản xuất và cung ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch.

Dù đạt được những kết quả ấn tượng, Tổng cục Thống kê vẫn nhận định rằng nền kinh tế và xã hội của nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh rủi ro và bất ổn bên ngoài, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% vào năm 2024 là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các lực lượng.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh chính sách sẽ tiếp tục ưu tiên tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra. Việt Nam sẽ kiên trì chính sách tiền tệ linh hoạt, với mục tiêu tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, giảm phí và thúc đẩy đầu tư công.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt gần 6% trong năm nay, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài kiên cường và các chính sách thích ứng. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng rủi ro suy giảm là rất cao. Nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài, nó có thể dẫn đến ảnh hưởng lớn hơn đến lạm phát trong nước.

Áp lực lạm phát đang gia tăng, với chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 6 tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước, gần với mức trần mục tiêu lạm phát của chính phủ là 4,5% trong năm nay. Giá tiêu dùng trung bình trong nửa đầu năm nay tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê. Cơ quan này cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ biến động giá cả và điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và giáo dục theo tình hình thực tế để giảm thiểu tác động đến lạm phát.

The h ãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay là 6,42%, mức tăng trưởng nửa đầu năm cao thứ hai trong năm năm qua. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51% và dịch vụ tăng 6,64%.

Ba khu vực này lần lượt đóng góp 5,96%, 44,28% và 49,76% vào mức tăng trưởng chung. Tờ The Star của Malaysia dẫn báo cáo do Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam là 5,85% trong năm nay và lạm phát là 4,5%. Báo cáo chỉ ra rằng nếu các chính sách kinh tế được điều chỉnh, chẳng hạn như giảm lãi suất và xuất khẩu vẫn mạnh mẽ và chi tiêu đầu tư công tăng lên, thì tăng trưởng GDP cả năm dự kiến sẽ đạt 6,01%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành Lâm nghiệp tăng 5,34%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành Thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành Khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm.

Ngành Xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ, xuất khẩu tăng cao theo xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Kinh tế Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu 2024 cải thiện nhờ tình hình xuất khẩu tốt hơn.

Cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm đã nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tích cực. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong cả giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Đáng chú ý, việc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách kinh tế và nỗ lực của toàn xã hội. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,01% nếu các điều chỉnh chính sách kinh tế được thực hiện đúng đắn và kịp thời, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường xuất khẩu và đầu tư công.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều