+
Aa
-
like
comment

Truyền thông quốc tế khen ngợi trí tuệ, khát vọng cống hiến, tình hữu nghị và giá trị nhân văn của Việt Nam thông qua VinFuture

Bảo Trâm - 23/01/2022 05:52

Tối 20/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Trao giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture (VinFuture Prize) lần thứ nhất, sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông và báo giới khắp thế giới. Qua đó nhận định VinFuture đã thể hiện được trí tuệ, khát vọng cống hiến, tình hữu nghị và giá trị nhân văn sâu sắc của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup – người cùng phu nhân sáng lập ra Quỹ VinFuture (Ảnh: QĐND)

Trang CNBC đưa tin, lễ trao giải VinFuture đã hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người sẽ đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của giới khoa học, thu hút sự chú ý của thế giới đến với Việt Nam. Sự kiện góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.

VinFuture Prize đang vượt xa sự mong đợi khi tôn vinh những nghiên cứu xuất sắc tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, theo một sự kiện giao lưu với các thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Pre- Hội đồng trình chiếu trong khuôn khổ Tuần lễ trao giải VinFuture tại Hà Nội vào ngày 18-21 / 1, trang SZTE – chuyên trang tin tức của Hungary nhận định.

Theo đó, sự kiện này có sự tham gia của hai nhà khoa học đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, thu hút sự chú ý của hàng nghìn nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân trên khắp thế giới.

Tại sự kiện, họ đã chia sẻ niềm đam mê và thảo luận về những thành tựu và hy sinh đã đạt được trong suốt hành trình khoa học của mình. Họ cũng khơi dậy niềm yêu thích nghiên cứu và mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với các dự án quốc tế trên thế giới.

Cùng ý kiến với CNBC, trang Taiwan News đưa ra nhận định rằng: “Giải thưởng VinFuture sẽ đánh dấu Việt Nam trở thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu, góp phần tạo nền tảng cho ngành khoa học và công nghệ trong nước hội nhập với thế giới. Hơn nữa, cũng giúp thế giới thấy rõ giá trị nhân văn sâu sắc và Việt Nam luôn muốn hướng đến”.

“Hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống dịch Covid-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch Covid-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học – những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vaccine”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng chính cho Đề án của GS Katalin Kariko và GS Drew Weissman cùng GS Pieter R. Cullis nghiên cứu về vaccine mRNA công nghệ đột phá để bảo vệ cuộc sống con người.

“Hôm nay, chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người”, trang IntelAsia đã trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi trao giải.

Đặc biệt, trang IntelAsia cho rằng, từ xưa đến này Việt Nam luôn có truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng phát triển, luôn ca ngợi vẻ đẹp nhân văn và giá trị cao cả của khoa học là tạo ra đột phá, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, Việt Nam luôn trân trọng, trân quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại. Và VinFuture được ví như một phần trong sứ mệnh thể hiện những giá trị nhân vân lâu đời của Việt Nam.

Được biết, ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện nghiên cứu nổi tiếng, 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu. Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize…

VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và EU chiếm một tỷ trọng lớn, 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture, trang JKF News cho biết.

Theo trang JKF News, thông qua VinFuture, Việt Nam đã tạo ra những điều đặc biệt, những khác biệt nhân văn trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.

Trước đó, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ CNBC cũng đã có bản tin phỏng vấn GS. Sir Richard Friend, Trường đại học Cambridge (Anh) nói về VinFuture – một giải thưởng có quy mô toàn cầu xuất phát từ Việt Nam.

“Đây là một lời khẳng định mạnh mẽ nỗ lực của Việt Nam nhằm đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”, GS. Richard Friend nói trên CNBC.

“Việc nhân rộng những thay đổi tích cực để tạo ảnh hưởng trên toàn cầu là một yếu tố rất quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững”, kênh truyền hình trích lời phỏng vấn GS. Richard Friend.

Giáo sư Sir Richard Friend – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Ngoài ra, trang The Independent của Anh cũng đăng bài viết của GS. Richard Friend thể hiện góc nhìn của nhà khoa học nổi tiếng về khoa học công nghệ – “chìa khóa” mang lại tương lai bền vững cho con người. GS. Friend nhận định, để thực sự nắm giữ chìa khóa này, kinh phí nghiên cứu chỉ là một yếu tố. Quan trọng hơn là làm sao khuyến khích được sự đột phá, tạo nền tảng cho những sáng kiến ít được biết đến và VinFuture chính là một ví dụ điển hình.

Theo GS. Friend, sức tác động từ những giải thưởng như VinFuture nằm ở khả năng giải quyết hai vấn đề lớn là “trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”.

“Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong khoa học và công nghệ, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai”, ông viết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ trao giải thưởng VinFuture. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ở góc độ khác, Tạp chí Education Technology (Anh) đăng tải bài viết của GS. Jennifer Tour Chayes (Giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính, Thông tin, Toán học và Thống kê tại Đại học California Berkeley, Mỹ) nói về sự khác biệt VinFuture khi dành riêng Giải Đặc biệt cho những nhà khoa học nữ.

Đây là điều vô cùng ý nghĩa bởi bà chỉ ra vấn đề đáng lưu tâm là sự thiếu vắng hoàn toàn nữ giới trong số những người đoạt giải Nobel khoa học gần đây. Và, thực tế, dù rất nhiều nhà khoa học kì cựu nhất thế giới là nữ nhưng nhiều phân ngành khoa học trong nhóm STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán) vẫn chủ yếu là nam giới.

“Điều đầu tiên và quan trọng nhất, thiếu đi nữ giới cũng là thiếu đi một nửa nhân tài trên thế giới này. Sự thiếu đa dạng ấy cũng hạn chế những góc nhìn, quan điểm mà phụ nữ có thể mang lại. Khi hạn chế lực lượng nhân tài, chúng ta đang tự hạn chế khả năng giải quyết các thách thức”, bà chỉ ra.

Trong buổi trao giải tối 20/1, Ban Tổ chức đã công bố các Giải thưởng. Theo đó, Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu USD thuộc về công trình của 3 nhà khoa học về vaccine theo công nghệ mRNA gồm 3 giáo sư: Katalin Kariko và Weissman (Hoa Kỳ) và Pieter Cullis (Canada) về vaccine mRNA: nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. 150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19 công nghệ mRNA.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới thuộc về Giáo sư Omar M.Yaghi (Hoa Kỳ) tiên phong trong khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs).

Giải đặc biệt cho nhà khoa học nữ thuộc về giáo sư Zhenal Bao, (Hoa Kỳ) với nghiên cứu tiên phong về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng này trong y tế.

Giải đặc biệt cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về vợ chồng Giáo sư Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim (Nam Phi) với công trình gel có chứa dược chất Tenefovir có khả năng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV…

“Những giải thưởng đã được trao cho những nhà khoa học vô cùng xứng đáng. Điều này đã lan tỏa được sự ấm áp khiến hàng triệu trái tim trên khắp thế giới vô cùng xúc động”, trang RiauOne của Indonesia nhận định.

Bảo Trâm (Theo CNBC, Independent, Taiwan News…)

Bài mới
Đọc nhiều