Truyền thông Nga: “Việt Nam, điểm tựa vững chắc và ổn định của Nga tại Viễn Đông”
Đó chính là nhận định được trang TASS của Nga đăng tải sau chuyến công du của Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến Việt Nam 5 – 6/7 vừa qua. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nga trong thế giới đa cực hiện tại, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của Việt Nam tại ASEAN.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Nga tại Việt Nam, mới đây, hàng loạt trang báo quốc tế đã có bài viết đánh giá về kết quả của chuyến đi và mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai đất nước.
Trong đó, trang TASS của Nga đã có bài viết nhận định chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nga đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đặc biệt thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga và thúc đẩy đóng góp của hai nước vào hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân các nước, trong đó có Liên bang Nga dành cho Việt Nam trong quá khứ cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, mong muốn làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần thực chất, chân thành, tin cậy.
Trang TASS cũng đặc biệt nhắc lại rằng năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh quan hệ đang phát triển năng động. Đối thoại chính trị thường xuyên đang được duy trì, khối lượng thương mại và đầu tư lẫn nhau ngày càng tăng, trao đổi đang được thúc đẩy trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa.
Hãng tin RIA Novosti cũng nhấn mạnh chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov được tổ chức trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Việt Nam và Nga đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Năm 2021, nhân dịp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga đến năm 2030, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược Việt – Nga, tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước.
Theo hãng tin Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lần lượt đạt 4,85 tỷ USD và 7,1 tỷ USD vào các năm 2020 và 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nhà Việt Nam học kỳ cựu Grigory Lokshin cho rằng, Việt Nam là điểm tựa ổn định của Nga đối với khu vực Đông Nam Á.
Trong cuộc phỏng vấn với trang Độc lập, chuyên gia Lokshin khẳng định: “Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nga, giống như một điểm tựa cho mối quan hệ ổn định của toàn nước Nga nói chung và khu vực Viễn Đông nói riêng với Đông Nam Á”.
Theo nhà nghiên cứu Nga, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và phát triển dự án dầu khí chung trong lĩnh vực năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ song phương và luôn là đề tài chính trong các cuộc tiếp xúc công việc của chính giới hai nước. Theo ông, các công ty Nga sản xuất dầu và khí đốt ở ngoài khơi Việt Nam cung cấp một phần đáng kể nhu cầu năng lượng của đất nước.
Ngoài ra, trang Độc lập cũng đưa ra nhận định, chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho thấy Nga đang định hướng lại các nguồn lực chính trị và ngoại giao với các nước đang phát triển. Trong đó, Nga lên kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống như Việt Nam và Mông Cổ, chặng dừng chân đầu tiên của nhà ngoại giao Nga trong chuyến công du phương Đông.
Theo trang Độc lập, Nga luôn đánh giá cao lập trường, vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và mong sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về lâu dài, dù tình hình trên thế giới có nhiều biến động và Nga đang phải gánh chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề, Nga vẫn luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực và mong muốn củng cố hơn nữa hợp tác với Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, đồng thời duy trì đà hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống mà cả hai bên có thế mạnh.
Lan Hoa