+
Aa
-
like
comment

Truyền thông Mỹ nhận định Việt Nam là nước ứng phó Covid-19 hiệu quả nhất thế giới.

Bảo Trâm - 27/04/2020 16:08

Tuần qua, tờ The Nation Mỹ đã đăng tải bài viết khen ngợi công cuộc chống dịch cực kỳ hiệu quả của Việt Nam, được xem như quốc gia đi đầu trong công cuộc chống dịch. Đặc biệt, tác giả của bài viết, anh George Black còn cho rằng thế giới nên học theo phương pháp chống dịch của Việt Nam để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

Sau đây, Cánh cò xin được lược dịch bài viết của tác giả George Black:

Kể từ đầu đại dịch Covid-19, có 2 nước châu Á và một vùng lãnh thổ được đánh giá là phản ứng hiệu quả trước dịch Covid-19. Đó là Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan (Trung Quốc). Những nơi này được báo chí Mỹ đề cao nhiều.

Thế nhưng trên báo chí Mỹ có một nước không được đề cập nhiều bằng, đó là Việt Nam, dù thành tích chống Covid-19 ở đây rất ấn tượng. Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020 nhưng từ đó tới sáng 24/4, số ca mắc mới chỉ tăng lên con số 268 và chưa có ai tử vong tại đây. Trong khi đó, dân số của Việt Nam là 95 triệu người, cao hơn cả dân số của Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan cộng lại.

Bài học cảnh giác từ quá khứ và cách xử lý tỉnh táo

Một trong các ca nhiễm virus SARS đầu tiên năm 2003 là ở Việt Nam nhưng nước này đã phản ứng nhanh và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh đó. Châu Á khi đó đã bị tổn thương bởi đại dịch SARS và việc đeo khẩu trang trở thành một hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia trong khu vực này. George Black (tác giả bài viết) khi tới nhận phòng tại một khách sạn ở Đài Bắc (Đài Loan) đã chứng kiến cảnh tất cả các nhân viên lễ tân đứng sau bàn lễ tân đều đeo khẩu trang.

Đối với dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam từ trước đã được dự báo là sẽ cảnh giác hơn nhiều so với các nước khác là vì Việt Nam giáp biên giới trên bộ với Trung Quốc (nơi Covid-19 khởi phát – ND), và có lượng lớn người qua lại biên giới Việt-Trung phục vụ công việc hoặc đi du lịch.

Cách tiếp cận của Việt Nam không dựa trên việc xét nghiệm ồ ạt (theo tác giả George, xét nghiệm ồ ạt là cách phản ứng hoảng loạn của Mỹ và hầu hết các nước phương Tây). Vấn đề không phải vì Việt Nam thiếu nguồn lực để làm điều đó. Thực tế đây là chiến lược “đánh phủ đầu” nhằm giảm thiểu số ca bị lây nhiễm. Điều quan trọng ở đây là tỷ lệ giữa số xét nghiệm và ca được xác nhận. Tỷ lệ đó của Việt Nam là cao gần gấp 5 lần bất cứ nước nào khác.

Việc xét nghiệm đi kèm với truy vết gắt gao những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, cách ly sớm, và việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như 2 ứng dụng điện thoại để người dân có thể khai báo y tế và triệu chứng bệnh tật của mình.

Cùng với đó là sự vào cuộc đồng loạt của quân đội, công an, hệ thống y tế, các nhân viên nhà nước; hoạt động tuyên truyền rầm rộ, sáng tạo, sử dụng cả truyền hình, mạng xã hội và các áp phích cổ vũ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

“Trận chiến” từ cửa khẩu và giữa lòng Hà Nội

Vào ngày 11/1, khi có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát ở biên giới và sân bay. Bốn ngày sau đó, khi mới chỉ có 27 ca mắc ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), các quan chức Việt Nam đã gặp gỡ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ. Khi ấy WHO đã ca ngợi Việt Nam vì đã đánh giá nhanh chóng rủi ro và đưa ra những hướng dẫn tự bảo vệ.

Các ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện trên 3 chiếc máy bay từ Vũ Hán trở về vào tháng 1/2020. Hai mươi mốt người tiếp xúc với họ đã được truy tìm và cách ly.

Đến ngày 31/1, chính phủ Việt Nam thành lập một Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Trong khi đó, một ủy ban tương tự ở Mỹ (do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đứng đầu) thì mãi tới ngày 28/2 mới được thành lập.

Vào giữa tháng 3, Việt Nam mới chỉ có 61 ca mắc bệnh được xác nhận. Bệnh nhân số 61 là một người theo đạo Hồi trở về từ Malaysia sau khi dự một lễ hội tôn giáo ở đây. Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng tạm đóng cửa nhà thờ Hồi giáo mà bệnh nhân này đã tới trước đó, đồng thời tiến hành cách ly xã hội ở tỉnh Ninh Thuận quê nhà của bệnh nhân này.

Khi đó, bất cứ ai từng tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh nào đó thì được đưa đi cách ly ngay, còn những người tiếp xúc thứ cấp thì được lệnh phải tự cách ly. Hành khách đến các sân bay quốc tế của Việt Nam được cách ly trong 14 ngày trong các khu vực do quân đội quản lý.

Vào ngày 21/3, tất cả các chuyến bay quốc tế tới Việt Nam đều bị hủy và các chuyến bay nội địa và chuyến tàu nội địa sau đó cũng được hủy nốt.

Không những vậy, bất cứ ai rời Hà Nội (nơi phát hiện được nhiều ca mắc Covid-19 nhất) đều bị cách ly khi đi vào bất cứ tỉnh nào khác.

Ổ dịch lớn nhất ở Hà Nội lại chính là Bệnh viện Bạch Mai (bệnh viện này nổi tiếng vì đã bị không quân Mỹ ném bom tàn phá vào tháng 12/1972). Khi người ta truy vết được một người đàn ông từng đến bệnh viện vào hôm 12/3, lập tức xã của anh này (nơi có 11.000 người sinh sống) đã nhanh chóng bị phong tỏa hoàn toàn.

Đến này 29/3, bản thân Bệnh viện Bạch Mai cũng bị phong tỏa, lúc này số ca mắc Covid-19 ở đây đã lên tới 45 người. Chỉ 3 ngày sau đó, chính phủ Việt Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội bắt buộc trên toàn quốc, trong 2 tuần bắt đầu từ ngày 1/4. Đây là biện pháp phòng ngừa chứ không phải như biện pháp ở một số bang của Mỹ được áp dụng để giảm thiểu số ca tử vong khi tình hình đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Đến ngày 9/4, tổng cộng hơn 1.000 y bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và 14.000 người tới thăm đã được xét nghiệm Covid-19.

Ghi nhận Việt Nam đặc biệt minh bạch

Tác giả George Black cũng bác bỏ thái độ hoài nghi của những người theo thuyết âm mưu cho rằng Đà Nẵng có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 bằng cách vội liên hệ với trường hợp các thủy thủ mắc bệnh này trên chiến hạm Mỹ Theodore Roosevelt từng ghé thăm Đà Nẵng mới đây. George cho biết, các thủy thủ Mỹ đã ở cùng khách sạn với 2 du khách Anh mà về sau được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng ông cũng nêu thông tin là cả 40 người được biết có tiếp xúc với du khách Anh đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đà Nẵng, ông viết, chỉ có 6 trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận.

Tác giả George Black cũng bác bỏ một số luận điệu cho rằng con số bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã bị hạ thấp để tránh làm tổn thất ngành du lịch nước này. Ông cho rằng lập luận đó là vô lý vì Việt Nam đã chủ động hủy tất cả các chuyến bay rồi nên không việc gì phải che giấu con số bệnh nhân thật sự.

George Black dẫn lời của Todd Pollack, một giáo sư Trường Y Harvard đang phụ trách quan hệ đối tác thúc đẩy y tế ở Việt Nam, phát biểu như sau: “Tôi không thấy lý do nào để nghi ngờ thông tin do chính phủ Việt Nam đưa ra. Phản ứng của Việt Nam là nhanh chóng và quyết đoán. Nếu như dịch bệnh Covid-19 ở đây mà nghiêm trọng hơn những gì chính phủ Việt Nam nói thì chúng tôi đáng lẽ phải thấy các bằng chứng về sự gia tăng các lượt đến phòng cấp cứu và nhập viện, mà chúng tôi thì không phát hiện ra điều như thế ”.

Như vậy cách xử lý của Việt Nam đối với dịch Covid-19 là minh bạch một cách ấn tượng.

Kết quả là Việt Nam từ ngày 16/4 đến sáng 24/4 đã không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 nào mới. Tất nhiên là sau đó vẫn có thể sẽ có thêm ca mới. Vì sớm muộn gì Việt Nam sẽ phải mở lại nền kinh tế, sử dụng các chuỗi cung ứng ở bên ngoài. Lệnh cách ly xã hội sau ngày 15/4 chỉ áp dụng với 12 tỉnh thành có nguy cơ, và từ ngày 22/4 thì kết thúc, ngoại trừ một số nơi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 2 địa phương nữa. Sân bay tất yếu rồi cũng phải mở cửa trở lại.

Sẵn sàng khống chế làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19

Đến đây, một nhà dịch tễ học nào đó sẽ lại tranh cãi rằng số ca nhiễm thấp sẽ khiến cho trong dân cư, chỉ có số ít người là có kháng thể để đối đầu với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên những gì mà Việt Nam đạt được trong 3 tháng đầu tiên vừa qua là để có thêm thời gian quý giá và sử dụng nó một cách hiệu quả. Việt Nam đã xuất tới 450.000 bộ quần áo bảo hộ từ một nhà máy DuPont ở Việt Nam sang Mỹ. Đất nước này cũng đã tặng tới 550.000 chiếc khẩu trang y tế cho 5 nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Việt Nam cũng tặng đồ y tế cho các nước láng giềng là Lào và Campuchia.

Ngành may mặc của Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất lên mức 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày. Trong khi đó tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã hướng các nhà máy sản xuất ô tô và điện thoại của mình sang sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng.

Người đứng đầu một cơ sở nghiên cứu của Đại học Oxford tại Việt Nam ghi nhận rằng một bệnh viện mới với 300 giường bệnh vừa được mở gần thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện này có tới 10 phòng áp lực âm được trang bị các thiết bị lọc không khí đặc biệt, được chuẩn bị cho các ca nhiễm bệnh mới. Vào cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập thêm 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc để nâng cao mức độ “sẵn sàng chiến đấu” của mình.

Đến đây tác giả George Black khẳng định niềm tin của mình rằng Việt Nam có khả năng đánh bại làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tương tự như đã đánh thắng đợt 1. Theo ông, thế giới có thể học nhiều điều từ thành công đặc biệt này của Việt Nam, đặc biệt là các nước phương Tây như Mỹ, Anh… nơi đang có số ca nhiễm đứng đầu thế giới.

Bảo Trâm (Lược dịch theo The Nation Mỹ)

Bài mới
Đọc nhiều