Truyền thông Đức: Thế giới có thể học tập Việt Nam cách chống COVID-19
Cách Việt Nam đối phó với COVID-19 mang đến những bài học quan trọng và đóng góp phần lớn vào thành quả này là sự đoàn kết xã hội, theo DPA.
Báo Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) ngày 13/4 có bài viết ca ngợi hoạt động chống dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Theo tờ báo này, dù có biên giới với Trung Quốc, Việt Nam – nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội – đã tránh được những thiệt hại lớn hơn và giữ số ca mắc COVID-19 ở mức vài trăm, không có ca chết người nào.
“Với số ca mắc bệnh ở mức vài trăm, phản ứng của Việt Nam với khủng hoảng đã được Tổ chức Y tế Thế giới ca ngợi. Thống kê chính thức cho thấy có khoảng hơn 75.000 người đang cách ly và kiểm dịch. Nước này đến nay đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm, trong đó 260 trường hợp được xác nhận mắc bệnh”, DPA viết.
Phần lớn những gì Việt Nam đạt được theo DPA là nhờ vào sự đoàn kết xã hội. Báo Đức dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi mô tả nỗ lực chống lại virus corona ở Việt Nam giống như một cuộc chiến.
Cũng theo DPA, Nguyen Van Trang, một nhà kinh tế học ở Hà Nội, “cho biết bố mẹ mình chưa bao giờ chứng kiến sự tuân thủ, kỷ luật và đoàn kết ở mức độ nào như vậy kể từ sau chiến tranh”.
Các trường học ở Việt Nam đã đóng cửa từ tháng 1, kiểm dịch quy mô lớn bắt đầu vào 16/3. Từ đó, hàng chục nghìn người nhập cảnh Việt Nam từ những nơi bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng sẽ phải cách ly bắt buộc trong các khu vực do quân đội quản lý. Đến 25/3, các chuyến bay quốc tế đều bị ngừng.
Báo Đức cũng dẫn lời ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam phản ứng sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc khống chế khủng hoảng.
“Việt Nam đã phản ứng với dịch bệnh sớm và chủ động. Hoạt động đánh giá nguy cơ đầu tiên của họ được thực hiện vào đầu tháng 1 – không lâu sau khi Trung Quốc bắt đầu báo cáo các ca bệnh”, ông Park nói.
Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập ủy ban quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dưới sự giám sát của phó thủ tướng, thực hiện kế hoạch phản ứng quốc gia “ngay lập tức”, ông Park nói thêm.
Kinh nghiệm của Việt Nam khi đối phó với dịch bệnh Sars năm 2003 cũng được nhắc tới. “Là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận ca bệnh Sars năm 2003, Việt Nam cũng là nước đầu tiên được WHO xác nhận đã kiềm chế được bệnh dịch.”
Đại diện WHO đánh giá cao quy trình truy tìm và cách ly theo từng lớp (F1, F2,…) của Việt Nam. Ông cho rằng quy trình này vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus.
Dù vậy, những gì diễn ra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ hành động như thế nào, theo ông Park. “Chúng ta không thể dự đoán, nhưng có thể nói kết quả của đại dịch sẽ được quyết định bằng những hành động mà các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ làm”.
PV/VTC