+
Aa
-
like
comment

‘Truyền cảm hứng để người dân cộng tác, tạo sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch’

22/05/2021 20:17

Làm việc với ngành y tế TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần làm cho người dân hiểu, ủng hộ, huy động sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch COVID-19.

Truyền cảm hứng để người dân cộng tác, tạo sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc – Ảnh: KIM NHIÊN

Chiều 22-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Sở Y tế thành phố Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nhìn nhận thành phố đã có thành công bước đầu, hiện là nơi an toàn đối với đợt bùng phát dịch đang diễn ra.

“Thành tựu làm được thời gian qua rất đáng ghi nhận, là thành phố trung tâm ĐBSCL, có cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế, rất gần Campuchia – nơi xảy ra dịch rất phức tạp, chúng ta vẫn trụ vững. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa là chúng ta không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, say sưa với thắng lợi. Đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành y của chúng ta.

Ngược lại, nếu có tình hình gì xảy ra, đề nghị chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không hoảng hốt, lo sợ, mất bản lĩnh, không khôn khéo, ảnh hưởng tới thành phố”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Truyền cảm hứng để người dân cộng tác, tạo sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch - Ảnh 2.
Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ – báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với Thủ tướng – Ảnh: KIM NHIÊN

Thủ tướng đặc biệt lưu ý hiện nay đã xuất hiện dịch bệnh COVID-19 ở các khu công nghiệp nên thành phố Cần Thơ phải chú ý khu vực này, phải huy động sức mạnh của các doanh nghiệp để cùng nhau phát hiện sớm, cách ly nhanh.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công trong phòng, chống dịch, nhưng phòng bệnh vẫn là chiến lược lâu dài, quyết định, tạo điều kiện cho tấn công.

Ngành y tế khi phát hiện đến đâu, chỗ nào khả năng xuất hiện mầm bệnh thì phải xét nghiệm ngay trên diện rộng, khoanh vùng, đồng thời sử dụng công nghệ để phát hiện thần tốc, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.

Về chiến lược vắc xin, Thủ tướng cho biết hiện nay Bộ Y tế đang tiếp cận nhanh chóng mọi nguồn vắc xin. Bên cạnh đó là phải tự lực tự cường, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm phòng rộng rãi cho toàn dân với tinh thần miễn phí.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần huy động sức mạnh toàn dân, kêu gọi sự đóng góp của nhân dân.

“Vắc xin có vòng đời ngắn, chi phí cao, nhà sản xuất thì ít, nhu cầu thì lớn, giá thành cao. Chúng ta chưa sản xuất được thì phải mua, Nhà nước đảm bảo việc này, nhưng trong điều kiện Nhà nước còn nhiều việc phải làm nên cần kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm, của nhân dân, của các đơn vị, địa phương để cùng nhau thực hiện chiến lược vắc xin”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị cơ quan y tế và các cơ quan truyền thông, các phóng viên góp phần vào công tác tuyên truyền, làm sao cho người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tầm quan trọng công tác chống dịch, phân tích cái làm được, cái chưa làm được một cách khách quan, trung thực, đầy đủ.

“Và cuối cùng truyền cảm hứng cho người dân để họ cộng tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đoàn kết, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức thực hiện của chính quyền, đặc biệt là ngành y của chúng ta.

Phải phân tích, đánh giá, phản ảnh, cái gì chưa được thì vì sao, được thì vì sao, nguyên nhân khách quan thế nào để nhân dân chia sẻ cái chưa làm được, ủng hộ cái làm được nhằm huy động nguồn lực chống COVID-19, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân về thành quả chúng ta làm được, lạc quan cái chúng ta đang làm”, Thủ tướng kêu gọi.

900 giường bệnh dã chiến sẵn sàng đưa vào sử dụng

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, đến nay thành phố đã chuẩn bị cho việc thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn, sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần thiết bao gồm 1 bệnh viện dã chiến số 4 của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và Trường đại học Y dược Cần Thơ phụ trách (quy mô 800 giường) và 1 bệnh viện dã chiến của thành phố do Sở Y tế quản lý (quy mô 100 giường).

Hiện tại thành phố đã hoàn thành việc tiêm chủng lần 1 cho 7.759 đối tượng ưu tiên theo nghị quyết của Chính phủ, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm và sẵn sàng tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm ngừa sau khi tiếp nhận vắc xin đợt 2 của Bộ Y tế (dự kiến 13.000 liều).

CHÍ QUỐC

Bài mới
Đọc nhiều