Truy tìm “thủ phạm” khiến Phú Quốc ngập lụt chưa từng có
Ông Nguyễn Ngọc Chương nói: “Phú Quốc ngập lịch sử là do thiên tai và do con người lấn chiếm sông, suối, kênh rạch… ồ ạt, không thương tiếc. Ngày xưa rạch Ông Trì chèo ghe vào được, còn bây giờ cá bơi vào còn khó thì làm gì thị trấn Dương Đông nước không ngập đến đầu”.
Sau trận lụt kinh hoàng vừa xảy ra ở đảo ngọc Phú Quốc, với người dân trên đảo, đây là việc chưa từng xảy ra trong vòng 30 – 40 năm qua. Trận lũ đã làm ngập trên 8.400 căn nhà, gần 2.000 người dân phải sơ tán; cuộc sống đảo lộn vì người dân Phú Quốc chưa từng có “kinh nghiệm” sống chung với lũ, chống lũ.
Hàng trăm hộ dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”, khắc khoải trông chờ vào các suất cơm nghĩa tình của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm khi họ bị cô lập hoàn toàn giữa vùng lũ.
UBND huyện Phú Quốc xác định nguyên nhân ban đầu là do mưa lớn kéo dài đẩy lượng nước mưa lên đến 1.170mm, trong đó chỉ riêng ngày 9/8 lượng mưa là 335mm, cao hơn trận mưa lịch sử được ghi nhận vào năm 1997 (327mm).
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác là do hệ thống thoát nước thị trấn Dương Đông lạc hậu so với tình hình dân cư và đô thị phát triển quá nóng như thời gian qua; Cộng với hiện tượng nước biển dâng và đáng nói nhất là các kênh rạch, sông suối của Phú Quốc bị lấn chiếm, cản trở dòng chảy gây nên cảnh ngập lụt cục bộ ở các địa bàn thị trấn Dương Dương, xã Dương Tơ, xã Cửa Dương…
“Thủ phạm” gây nên cảnh ngập lụt chưa từng có ở Phú Quốc Tuy nhiên, với người dân Phú Quốc họ cho rằng nguyên nhân ao hồ, sông suối bị san lấp, lấn chiếm là tác nhân chính. Người dân kiến nghị thời gian tới chính quyền kiên quyết xử phạt, cưỡng chế các công trình đã vi phạm và có biến pháp ngăn chặn tình trạng tái chiếm kênh, rạch, sông, suối.
Ông Nguyễn Ngọc Chương – khu phố 10, thị trấn Dương Đông, bức xúc cho biết: “Một phần do thiên tai nhưng cái chính là do con người xây dựng công trình lấn chiếm kênh, rạch, sông suối. Như rạch Ông Trì, rạch Samaco, sông Dương Đông… Ngày xưa, rạch Ông Trì chèo ghe vào được, còn bây giờ con cá bơi vào còn khó thì làm sao thị trấn Dương Đông không ngập”.
Theo ông Chương, thời gian tới chính quyền tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử phạt; cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm kênh rạch, sông suối. Đặc biệt là không tái diễn tình trạng xử phạt xong, tháo dỡ xong sau đó lại tái chiếm.
Sau trận lũ lịch sử, ông Mai Văn Huỳnh – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kiến nghị với UBND tỉnh Kiên Giang cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước cho toàn đảo; Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển huyện Phú Quốc như hiện nay; xây dựng kè chống lấn chiếm rạch Ông Trì, rạch Samaco, sông Dương Đông… và sớm đầu tư Hồ Điều tiết cho khu vực thị trấn Dương Đông.
Thời gian qua, ngành chức năng huyện Phú Quốc đã phát hiện và ra thông báo xử phạt 108 trường hợp vi phạm, trong đó hai địa bàn dẫn đầu danh sách là xã Cửa Dương có 15 trường hợp, thị trấn Dương Đông có đến 90 trường hợp vi phạm lấn chiếm suối, kênh rạch bị xử phạt.
Cận cảnh những con suối, con rạch ở Phú Quốc bị lấn chiếm không thương tiếc:
(Nguyễn Hành/ Dân Trí)