Trưởng thôn thu tiền cứu trợ theo hương ước: Pháp luật cho phép!
Mình có những nghiên cứu, tìm hiểu thực tế và viết nhiều về luật tục và hương ước trên cơ sở đặt nó trong mối quan hệ với pháp luật. Đâu đó người ta đòi gìn giữ văn hoá, nhưng khi người dân sống với văn hoá cộng đồng của họ, chúng ta ngồi ở xa và gõ phím đòi lẽ công bằng. Sự công bằng có thật không? Luật pháp như nào?
Tất cả là có thật, nhưng nó chỉ là tương đối, phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm. Giống như xưa giết người đền mạng, ăn trộm chặt tay là công bằng. Nay thì không hẳn thế. Một người Hồi giáo có thể xem việc treo cổ người vợ ngoại tình là công bằng, nhưng ở Phương Tây thì đó là tự do cá nhân.
Nhiều tiếng nói đã mạnh mẽ cất lên khi thôn thu lại tiền của những người dân để chờ bình xét. Ông thôn trưởng đã thành tội đồ. Cộng đồng mạng đã thắng lợi. Văn minh đã chiến thắng rừng rú. Công bằng minh bạch đã chiến thắng gian tà. Lòng nhân ái như bồ tát của cộng đồng mạng đã chiến thắng những tổ chức đoàn thể cồng kềnh vô dụng (?)…. Trong số những người mạnh mẽ lên án và hồ hởi vỗ tay thuộc “giới elite”, có cả những luật sư, thẩm phán mà tôi quen. Cơn say sưa phê phán đã khiến người ta quên đi nhiều thứ.
Cái quên Thứ nhất: Đã có ai trong số những người đã nhận tiền và nộp lại cho thôn, khiếu nại, phê phán, uất ức vì phải nộp lại? Nếu không ai phê phán khiếu nại, nếu họ tự nguyện nộp lại để chia và cả làng đã thoả thuận như thế, thì chúng ta đang đấu tranh vì ai và vì cái gì vậy?
Đừng xem những người nộp tiền cho thôn là những người thấp cổ bé miệng cần chúng ta bảo vệ. Ở thôn ấy mà, ông thôn trưởng mà lớ xớ thì coi chừng bị cả làng chửi. Mà có khi ông thôn trưởng cũng là em cháu trong họ. Bị chửi giữa uỷ ban không đau, bị cạch mặt ở nhà thờ họ ngày đám giỗ, thì khác nào bán xới cả quê nhà.
Có vẻ như cộng đồng mạng đã quá tay khi giữ công bằng cho dân và giữ sự liêm chính ngay ngắn cho ông thôn trưởng một cách không cần thiết.
Thứ hai: Thôn có quyền thu lại tiền để bình xét không? Nhiều bạn đã nói về các quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt trong cấu thành sở hữu để nói rằng thôn sai.
Các bạn đã quên rằng thôn không sai nếu đây là sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, là sự tự nguyện của người dân; là không phải xâm phạm vào tấm lòng của Thuỷ Tiên và các nhà hảo tâm. Mà ngược lại, nó làm cho những đồng tiền san sẻ ấy được dùng đúng mục đích và ý nguyện của nhà từ thiện nhất.
Chuyện này không phải do tôi nghĩ ra mà nói. Nó là pháp luật. Pháp luật thừa nhận những quy tắc xử sự riêng của cộng đồng dưới hình thức hương ước.
Còn hương ước là gì? Nó là những quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Mục đích của việc thừa nhận hương ước là phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý xã hội; là bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp.
Có nhiều nguyên tắc trong xây dựng hương ước, trong đó, 5 nguyên tắc căn bản nhất là: Không đi ngược ý chí của giai cấp thống trị (chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước); không trái đạo đức xã hội; Trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận của cộng đồng dân cư; Không vi phạm nhân quyền; Không phạt vạ.
Đừng nghĩ chỉ Việt Nam mới có hương ước, dù tên gọi khác nhau nhưng những thoả thuận không trái luật của cộng đồng dân cư, cả thế giới này chấp nhận. Nội quy chung cư mà bạn đang sống, về bản chất, cũng là hương ước.
Sau bao nhiêu năm nghiên cứu lẫn đấu tranh xây dựng để tìm một đường đi cho hương ước, mãi tới 2018 mới có một văn bản tương đối tốt được ban hành: Quyết định 22 của Thủ tướng. Đó là văn bản 22/2018/QĐ-TTg. Tinh thần như nãy giờ tôi đã viết.
Đá ném vào ông trưởng thôn mà người ném chưa từng gặp, chắc không phải vì ghét ông ấy hay thương dân. Có thể là một bực bõ ẩn ức với chính quyền mà ông trưởng thôn là nơi bạn trú; cũng có thể là ai đó muốn thể hiện. Nhưng bạn biết không, những viên đá ném vào tình làng nghĩa xóm ấy, được ném bởi những bàn tay có thể chưa từng san sẻ, càng chưa từng bỏ vợ dại con thơ lao mình vào nước lũ khi nghe ai đó kêu cứu “làng ơi” vào đêm lũ về.
Nguyễn Đức Hiển
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả