Đại Lãnh đi 3 ngày 3 đêm thì dừng. Một sáng tờ mờ, Len Đao biển lặng, trời trong vắt.
“Thả neo ở Len Đao” – anh Tám Trưởng (Nguyễn Văn Trưởng, chỉ huy tàu-PV) ra lệnh. Anh em từ từ ra khỏi phong, đổ lên boong.
Cách 10 hải lý về phía Cô Lin, ngoại trừ xác chiếc HQ 505 nằm ủi trên bãi đá, mọi thứ vắng lặng như chưa từng có bất kỳ cuộc chiến nào đã xảy ra!
Nhìn thấy dòng chữ “tàu cứu hộ Việt Nam”, những người lính tàu HQ 505 mừng rỡ, hò hét không ngừng. Những khuôn mặt rạng ngời trên thân mình trần đã bị nắng đốt đen như đất sét.
“Vẫn còn nhiều người sống…” – anh Tám Trưởng thông báo, cả Đại Lãnh đều mừng thầm.
3 ngày trước, 15/3, sau thông tin bộ đội chúng ta bị lính Trung Quốc thảm sát tại Gạc Ma, không khí Sài Gòn nóng như chảo lửa. Người dân đổ ra đường, kêu gọi phong trào góp gạo, nhu yếu phẩm gửi ra đảo xa.
Cuối buổi chiều thì Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ chúng tôi nhận lệnh trực tiếp ra Gạc Ma, tìm kiếm dấu vết tàu chìm và hài cốt công binh.
Hôm ấy, tôi chỉ kịp rẽ qua nhà, chào tạm biệt vợ rồi nhanh chóng tập kết ra bến cảng Vũng Tàu cùng nhóm đặc công nước từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) lên tàu. Trên boong, chúng tôi mang theo những bao nilong với mong mỏi đưa được tất cả đồng đội đã mất về đất liền.
Neo Đại Lãnh vừa thả xuống Len Đao, tiếng động cơ đã vang lên rền rĩ. Cái bình yên ban sáng của cụm đảo Sinh Tồn gần như bị xé toạc. Anh Tám Trưởng vội vã chạy lên mũi tàu, xem tình hình.
“Tàu Trung Quốc đang đến…” – anh thông báo. Mọi người đều bắt đầu có chút lo lắng.
“Giờ tính sao đây anh Tám?” – tôi hỏi.
“Phải quay lại toàn bộ cảnh này nhé”, anh Tám lệnh.
2 chiếc chiến hạm tên lửa của Trung Quốc phóng như bay trên sóng. Chẳng mấy chốc, một chiếc đã chặn ngang mũi tàu chúng tôi, chiếc dí đít. Trên boong tàu Trung Quốc, lính lũ lượt đổ lên tập kết thành hàng dài. Vài phút sau thì tất cả họng pháo hạ xuống nhắm thẳng vào Đại Lãnh.
“Bằng mọi giá phải ghi được tư liệu này” – anh Tám thét lớn khi tàu địch đã áp sát 200 mét, thấy rõ mồn một.
“Chúng sẽ bắn mất…” – cậu quay phim đáp, tay máy bắt đầu hơi run.
Trong thời khắc quyết định ấy, tôi lao tới cướp máy: “Không thì để tao…”. “Trong phòng cũng chết, trên boong cũng chết, tụi nó đã muốn bắn là chết… Để tao!”. Nói xong, tôi trực tiếp cầm máy quay chĩa vào 1 lỗ hổng, nhắm thẳng vào họng pháo đã hạ của kẻ địch.
Thú thật, trước khi đến Len Đao, anh em chúng tôi đều dự tính đến tình huống xấu nhất. Khi ấy Đại Lãnh chỉ là một tàu cứu hộ, đạn pháo không, vũ khí không, tổng quân số 45 người nhưng hơn một nửa là thuyền viên, thợ lặn, chưa từng tham chiến.
Tất cả, đều nghĩ, hôm ấy, có thể mình sẽ chết.
Không một người trở về
Đại Lãnh đi một bước, Trung Quốc bám theo một bước. Suốt một ngày không khí trên tàu căng như dây đàn. Đến khi anh Tám Trưởng thả neo xuống đảo thì địch lần lượt rút về Gạc Ma, anh em mới thấy “dễ thở” hơn.
Sang hôm sau, tình huống không thể chần chừ thêm nữa, chúng tôi quyết định thả xuồng cứu sinh đi tìm kiếm xác tàu HQ 605.
Chúng tôi xoay xuồng kiểm tra tại điểm chỉ một vòng. 15 phút sau, Thuỷ hô to: “Váng dầu nổi ở đây rồi!”. Tôi, Thuỷ, Tôn dùng kính bịt vào mặt, nhìn xuống nước để khẳng định thêm lần nữa.
“Tàu dưới kia rồi. Độ sâu chừng 30 mét…” – Tôn nói thêm.
“Tốt” – tôi vừa đáp, vừa phát tín hiệu cho Đại Lãnh nhổ neo. Trung Quốc lại bắt đầu áp sát.
Tôi, Thuỷ, Tôn vội vã mặc đồ bảo hộ, nối đoạn dây nilong gồm dây tín hiệu, camera, nguồn điện, bộ đàm, ống thở rồi từ từ lặn vào biển. Ở độ sâu 31 mét, chiếc HQ 605 hiện ra rõ mồn một.
Tôn chịu trách nhiệm giữ dây lặn, Thuỷ bơi quanh thân tàu rà vết pháo, tôi mang theo camera Sony nối với đường tín hiệu truyền lên màn hình trên boong. Những bức ảnh chụp chiếc HQ 605 chìm nghiêng 90 độ, trên mạn phải tàu có hai lỗ đạn pháo to bằng cả thân người.
Chúng tôi men theo cửa chính lần vào trong cabin. Lúc này, vật dụng đã chặn tất cả lối đi. Tôi cố rọi đèn, Thuỷ khua tay gạt đồ tạo thành những luống nhỏ vừa đủ cho cả 3 luồn vào trong các khoang.
Đến quá trưa, Thuỷ giơ tay ra tín hiệu “Không”. Công việc tìm kiếm kết thúc, chúng tôi bơi về Đại Lãnh.
“Tìm thấy được ai không?” – anh Tám Trưởng hỏi ngay.
“Không!”
“Không có trong phòng à?”
“Lúc chiến đấu, anh em đều đổ lên boong để chống địch. Họ mất thì thi thể chắc bị nước cuốn rồi” – tôi đáp.
Nghe xong, không khí trên tàu lặng hẳn.
Hồ sơ hôm đó chúng tôi buộc lòng ghi: Không tìm thấy hài cốt. Những bao nilong mang từ đất liền ra đảo thành những bao trống, không người trở về.
“Không chỉ đi tìm hài cốt, chúng ta ở đây thay đồng đội đã mất tiếp tục giữ đảo…”
Đến tận bây giờ, khi ngồi nhớ lại tất cả chuyện đã qua, tôi vẫn một lòng nể phục bộ đội Việt Nam. Nhất là Đại tá Vũ Huy Lễ!
Ngày 14/3/1988, HQ 505 bị pháo dội, nước đã tràn đầy khoang. Vào thời khắc sống còn ấy, anh Lễ đã dùng toàn bộ tốc lực cuối cùng, chạy bằng được tàu về Cô Lin. Ngay buổi chiều, hơn 20 công binh, thương binh còn sót lại sau trận đánh, chèo xuống thoát khỏi Gạc Ma. Thấy nước lớn, anh tiếp tục hạ lệnh thả xuồng máy, cứu sống tất cả.
Xác con HQ505 khi ấy đã trở thành công sự, dấu mốc đánh dấu chủ quyền Việt Nam tại đảo Cô Lin.
Sau cuộc thảm sát Gạc Ma, nhiều lần hải quân đề nghị chở sĩ quan, chiến sĩ trên HQ 505 về, nhưng anh em đều xung phong ở lại giữ tàu, giữ đảo. Đến lượt Đại Lãnh chúng tôi nêu phương án hàn lỗ pháo, kéo cả tàu lẫn người về đất liền, anh Lễ vẫn khăng khăng: “Phải ở lại để giữ đất, giữ đảo”.
Thời gian dài bám biển, anh em HQ 505 không còn quần áo mặc, họ quần đùi áo cộc phơi cả ngày dưới cái nắng cháy da cháy thịt. Đêm thì chém cá chuồn, câu cá ngừ, bắt ốc cải thiện bữa ăn. Thế nhưng, không một ai rời vị trí làm nhiệm vụ.
Qua ngày thứ 5 thì nhiệm vụ tìm kiếm đã xong. Riêng tàu HQ 604 bị chìm tại Gạc Ma, tàu Trung Quốc bám rất kỹ nên chúng tôi hoàn toàn không thể tiếp cận được. Anh Tám Trưởng chỉ đạo đợi thêm nhưng thời gian kéo dài mà không làm thêm được gì khiến đội thợ lặn bắt đầu sốt ruột.
Thật ra, cho đến hôm anh Lễ từ chối kéo HQ 505 về đất liền, chúng tôi đã ngầm hiểu. Rằng: Đại Lãnh đi chuyến đầu tiên ra Gạc Ma này, ngoài nhiệm vụ tìm hài cốt, chúng tôi còn giữ đảo.
Đến một buổi đêm, anh Tám Trưởng mới nói thật lòng mình: “Chúng ta phải ở lại, tiếp tục những phần việc còn dang dở của anh em. Cố gắng tới ngày có tàu mới ra tôi cho thợ lặn, thuyền viên về đất liền trước…”. Nói ra được, lòng anh Tám nhẹ hẳn.
Gần 1 tháng Đại Lãnh bám biển, Trung Quốc vẫn bám riết. Chúng tôi dần dần đã quen việc ăn nằm bên họng pháo.
Ngày thứ 23, tàu Mỹ Á ra đảo, anh Lê Minh Công (Tổng GĐ Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ) cho đoàn thợ lặn cùng về ngay buổi chiều. Lúc chia tay, anh Tám Trưởng gửi lại toàn bộ băng tư liệu và hình ảnh, dặn tôi: “Phải đem tất cả về đất liền…”
Tất cả tư liệu mà tôi đang giữ được ghi vào khoảnh khắc chúng tôi chạm mặt trực tiếp với địch, có khi là những lúc căng thẳng dưới đáy biển… Tất cả đều có thể phải đánh đổi bằng mạng sống.
Nhưng chúng tôi hạnh phúc! Vì nó là một trong những bằng chứng tố cáo tội ác của Trung Quốc lên quê hương biển đảo chúng ta.
“Từ cõi chết trở về, họ vẫn trở lại nhà giàn, tiếp tục giữ đảo..”
Sau chuyến công tác năm 1988, từ 1990 đến 2006 tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ xây dựng công trình nhà giàn cao cẳng tại Trường Sa, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên… Tôi dường như có một duyên nợ rất lớn với Trường Sa!
Hơn 15 năm, tôi tham gia khảo sát mặt bằng, đo địa chấn, lặn biển để đổ bê tông cố định chân đế. Thời điểm ấy, xây nhà trên đảo nổi còn dễ thở, chứ tại hệ thống đảo chìm thì quả là vấn đề. Anh em phải vừa làm vừa học, thậm chí xây xong cái sau thì cái trước đã đổ, nhiều trường hợp chiến sĩ phải hy sinh.
Đỉnh điểm là cuối tháng 12-1998, cơn bão số 8 (bão Faith) quét qua thềm lục địa phía Nam. Sóng to suốt ngày đã nuốt chửng nhà giàn DK1/6, Phúc Nguyên 2A. Đến hơn 3 giờ sáng thì chân đế 2A gẫy đôi, hất tung 9 cán bộ và chiến sĩ xuống biển.
Tàu hải quân tìm kiếm xuyên đêm bão, đến cuối giờ chiều hôm sau thì rơi vào tuyệt vọng, tất cả đã chuẩn bị cho việc kết thúc công tác.
May mắn lúc mặt trời còn loáng choáng trên mặt biển, mọi người phát hiện một chấm rất nhỏ nổi phía xa. Có người chắc chắn là bè cứu sinh, người thì không. Khi đưa tàu cứu hộ đến tận điểm để kiểm tra, thì đó là 6 chiến sĩ của nhà giàn may mắn bám được một chiếc phao cứu sinh sắp vỡ. Chỉ cần tàu cứu hộ bỏ lỡ, tình huống xấu nhất đã xảy ra.
Từ cõi chết trở về, tất cả đều ôm lấy nhau xúc động!
30 năm gắn bó với đảo chìm đảo nổi tại Trường Sa, phải nói tôi là một người may mắn khi được chứng kiến toàn bộ gian lao, hiểm nguy và cả sự dũng cảm của bộ đội Việt Nam. Cho tới khi Việt Nam xây được loại nhà cấp 1, chúng tôi đã hoàn thiện được công nghệ. Ở Trường Sa có 9 đảo nổi, 12 đảo chìm thì đều đã có nhà bê tông cốt thép. Và nó vẫn đứng vững, đứng lâu dài cho đến tận hôm nay.
Sau thời gian Phúc Nguyên 2A được chúng tôi trùng tu, những chiến sĩ suýt tử nạn trong cơn bão số 8 năm ấy, họ vẫn tiếp tục xung phong quay lại nhà giàn.
Từ cõi chết trở về, họ tiếp tục hành trình giữ bình yên biển đảo. Điều đó chắc chỉ có bộ đội Việt Nam làm được!