+
Aa
-
like
comment

Trường nghề dạy văn hóa bậc THPT, tại sao không?

Hạnh Phúc - 01/09/2022 08:43

Năm học 2022 – 2023 đánh dấu những khởi đầu đầy hi vọng về một nền giáo dục mới với mô hình dạy nghề kết hợp dạy kiến thức phổ thông được hoàn thiện. Những khó khăn vướng mắc về quy trình và quy chế của mô hình này đang dần được tháo gỡ bắt đầu từ sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ.

Tạo điều kiện cho trường nghề bố trí nhân sự của họ để dạy văn hóa bậc trung học phổ thông là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Trong những ngày toàn dân tích cực chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, lãnh đạo Chính phủ liên tục có các buổi làm việc về vấn đề cho học sinh theo học nghề vừa hoàn thành chương trình THPT. Hiện mỗi năm cả nước có khoảng 350.000 học viên tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp thì khoảng 80% muốn vừa học nghề vừa tiếp tục học văn hóa. Cả nước có khoảng 400 trường cao đẳng, trung cấp hoàn toàn có đủ khả năng giảng dạy chương trình THPT theo hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX). Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, các trường nghề có dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Thực tế cho thấy, sự chủ động linh hoạt trong dạy nghề và dạy kiến thức phổ thông là rất cần thiết. Hiện việc học trung cấp nghề 2 năm nhưng để hoàn thành chương trình THPT phải mất trọn 3 năm (Theo quy định của Luật giáo dục), gây nhiều khó khăn trong thống nhất thời lượng chương trình học của học viên. Mặt khác, việc trường nghề phải liên kết với Trung tâm GDTX địa phương dạy kiến thức phổ thông là rất khó. Khó ở cơ chế quản lý việc thực hiện dạy – học, khó ở cả khâu nhân sự.

Vậy nên, việc tạo điều kiện cho trường nghề bố trí nhân sự của chính họ để dạy văn hóa bậc trung học phổ thông như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài vướng mắc về thời lượng chương trình về lâu dài sẽ cách cân đối phù hợp nhất, điều này nằm trong khả năng của Bộ GD – ĐT trong tiến trình đổi mới. Giáo viên thuộc biên chế trường nghề tự mình dạy học viên mình sẽ tạo ra tâm lý chăm chút, dốc lòng và trách nhiệm tuyệt đối. Thầy trò liên kết trong nhiều nhiệm vụ dạy và học dễ gắn bó và chia sẻ, tạo ra những hiệu ứng giáo dục tích cực. Giao cho giáo viên trường nghề chủ động dạy học viên của mình sẽ thắt chặt cơ chế quản lý, đôn đốc, quy trách nhiệm và như thế kết quả dạy và học sẽ cơ bản tốt hơn rất nhiều…

Con số 300.000 hồ sơ không nộp vào đại học trong đợt tuyển sinh năm nay là một ví dụ cụ thể cho việc mở rộng các hình thức học tập khác phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của học sinh. Vào đại học không phải là con đường duy nhất trong công cuộc khai trí – lập thân – lập nghiệp và kiến tạo hạnh phúc của người trẻ hôm nay. Và như thế, việc học trường nghề kết hợp với hoàn thành nội dung THPT cũng là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh đất nước trong tiến trình phát triển.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều