Trường mầm non phải giải thể vì ‘sức cùng lực kiệt’
Mới đây, một trường mầm non đã phải viết tâm thư xin giải thể vì không thể trụ được nữa.
Cuối năm 2018, ông Vũ Đặng Quang Tùng đầu tư hơn 4 tỷ đồng thành lập trường mầm non với 20 giáo viên, nhân viên ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Hoạt động được một năm, trường phải nghỉ dạy vì Covid-19 bùng phát. Năm 2021, thời gian trường đóng cửa dài gấp đôi thời gian hoạt động.
Trong khi đó, ông Tùng vẫn phải gồng gánh một khoản lên tới 200 triệu đồng mỗi tháng, gồm chi phí duy trì cơ sở vật chất và hỗ trợ giáo viên. Dù nhận được sự giúp đỡ của đơn vị cho thuê mặt bằng, ông “đã hết cách” và “cảm thấy quá tải”. Giáo viên của trường đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”, làm thêm các công việc khác để cầm cự.
Hôm 10/1, ông Tùng đăng trên trang Facebook cá nhân thông báo tặng trường cho nhà đầu tư nào đó có đủ tâm huyết và vật lực tiếp quản để giữ lại cơ sở này. “Học sinh và giáo viên vẫn đang tha thiết chờ ngày hết dịch để quay lại”, ông viết.
Trong vài ngày tới, nếu không có ai liên hệ, ông buộc phải làm thủ tục giải thể. “Dù rất tâm huyết nhưng tôi phải bỏ cuộc. Nếu các trường mầm non tiếp tục không được hỗ trợ cụ thể bằng chính sách, khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại, tôi sợ không còn mấy trường còn hoạt động”, ông chia sẻ thêm.
Câu chuyện của ông Tùng cũng là khó khăn chung của rất nhiều trường mầm non tư thục. Nhiều chủ trường đã quyết định giải thể, khi làn sóng dịch bệnh thứ tư bùng phát, khiến trẻ mầm non ở nhà suốt 8 tháng.
Mong mỏi được mở cửa, song ông Tùng nhìn nhận, đòi hỏi cơ quan chức năng ấn định mốc thời gian cụ thể cho trẻ học trở lại là rất khó. Dịch bệnh diễn biến theo từng ngày có thể phá vỡ mọi kế hoạch, dự kiến.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, theo ông các bộ ngành cần có chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non chi phí trả lương giáo viên, tiền mặt bằng hoặc đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm… Mức hỗ trợ có thể căn cứ vào quy mô và báo cáo kinh doanh của từng trường. Hoặc chí ít, các trường mong muốn có những tiêu chí để từng bước đón trẻ trở lại theo quy mô từ nhỏ tới lớn; như mở cửa với 50% số lượng trẻ thời gian đầu, học so le lịch và đảm bảo 5K.
“Trường còn 70 trẻ, tôi sẵn sàng cho đi học 35 cháu, xét nghiệm Covid 3-5 ngày một lần. Điều các trường mầm non cần là các chính sách mang tính gỡ rối, hỗ trợ nhưng hiện không có bất kỳ hướng dẫn nào”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, hàng loạt trường mầm non tư thục giải thể dẫn đến hệ quả trường công lập quá tải khi mở cửa trở lại. Lúc đó, việc phải nhận quá đông học sinh một lớp trong khi số lượng giáo viên hạn chế có thể gây bất cập cho dịch vụ chăm sóc, làm lây nhiễm nhiều loại dịch bệnh khác.
Khi Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở cửa trường mầm non, TP HCM quyết định cho trẻ đến trường từ tháng 2. Tuy nhiên, nhiều cơ sở mầm non ở TP HCM không trụ lại được đến ngày mở cửa.
Ông Lê Văn, chủ một trường mầm non với quy mô 80 trẻ, hơn 20 giáo viên, ở TP Thủ Đức đang tính chuyện làm thủ tục giải thể. Cơ sở được thành lập từ đầu năm 2020, vừa hoàn thành tuyển sinh khoá đầu tiên thì dừng hoạt động vì Covid-19. Trong thời gian chống dịch, trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.
Sau khi trẻ được học trở lại từ tháng 6/2020, trường gắng gượng phục hồi, tranh thủ nguồn thu để bù lỗ những tháng trước đó. “Khi đó, chúng tôi chấp nhận năm đầu tiên sẽ không có lãi, dùng hết chi phí để củng cố, xây dựng trường chắc chắn. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến từ đầu năm 2021 thực sự làm chúng tôi không gượng dậy nổi”, ông Văn cho biết.
Suốt 8 tháng qua, ông trả chi phí mặt bằng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi được giảm giá thuê 50%. Giáo viên, nhân viên “phiêu bạt” khắp nơi. Khi thành phố mở dần hoạt động buôn bán, ông Văn sử dụng tạm mặt bằng đang thuê làm nơi nhập nông sản, thực phẩm để thầy cô bày bán, kiếm thêm thu nhập.
Theo ông, họ vẫn có thể gắng gượng trụ đến tháng 2 để mở cửa. Tuy nhiên, ông lo ngại, khối mầm non có thể mở rồi phải đóng bất cứ lúc nào vì dịch khó lường. “Tôi không muốn đặt mình vào thế khó lần thứ hai, nên quyết định rút lui khỏi mảng này, chờ qua Tết sẽ đầu tư lĩnh vực khác”, ông Văn giải thích cho quyết định giải thể trường.
Năm học 2019-2020, cả nước có 15.041 trường mầm non, trong đó 2.900 trường ngoài công lập. Về số lượng nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tổng cả nước hơn 193.700, ngoài công lập chiếm khoảng một phần bốn – 50.500. Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ mẫu giáo – mầm non và khoảng 1 triệu trong số đó theo học tại các cơ sở ngoài công lập.
Một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo – nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập – cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Năm ngoái, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM xin giải thể vì Covid-19 kéo dài. Tháng 10/2021, gần 100 chủ cơ sở mầm non khác phải làm đơn kiến nghị, xin sự hỗ trợ từ các ban ngành và chính quyền.
Nhiều chủ trường mầm non, nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo tư thục độc lập ở TP HCM hiện nay cũng lâm vào hoàn cảnh như ông Văn. Họ thấp thỏm chờ ngày trường được mở cửa nhưng rốt cuộc không thể trụ vững. Kể cả khi được chủ cho thuê mặt bằng chia sẻ khó khăn bằng cách giảm giá, do không có nguồn thu, nhà đầu tư giáo dục mầm non khánh kiệt.
“Tôi không làm nghề giữ trẻ nữa bởi hai năm qua cho thấy, nghề này quá cực, thu nhập là con số 0. Đầu tư cho mảng này trong bối cảnh hiện nay là khá mạo hiểm”, chủ một nhóm trẻ ở TP Thủ Đức nói.
Hoàng Hằng