+
Aa
-
like
comment

“Trường hợp đặc biệt”: Đất nước cần những người lãnh đạo bản lĩnh, tài năng, uy tín

28/12/2020 07:04

“Trường hợp đặc biệt” theo tôi hiểu thì Trung ương rất coi trọng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh vững vàng và chắc chắn phải thật sự là tấm gương đạo đức.

Chưa đầy một tháng nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ chính thức bắt đầu. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Trước thềm Đại hội, công tác chuẩn bị nhân sự được đánh giá là bài bản, chặt chẽ và tốt hơn so với nhiều Đại hội trước, nhất là Đại hội XII. Trả lời phỏng vấn VOV, PGS-TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư quan tâm tới tới việc lựa chọn “trường hợp đặc biệt” để giới thiệu vào Trung ương và Bộ Chính trị khóa tới, đồng thời ủng hộ việc công khai, minh bạch danh sách quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương để Mặt trận giám sát.

“Trường hợp đặc biệt”: Đủ bản lĩnh, tài năng, uy tín

“Theo tôi được biết, từ hội nghị 13 đến hội nghị 14, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên Trung ương chính thức, Ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, căn cứ vào các ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Quy hoạch này là kết quả của việc nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khoá gần đây, tập trung nghiên cứu tổng kết một số vấn đề về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cách làm và rút ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng qui hoạch, phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu”.

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đào Duy Quát cho biết như vậy, đồng thời nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ chính trị và Tiểu ban nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới. Theo đó, Trung ương sẽ xem xét, giới thiệu các “trường hợp đặc biệt” là các đồng chí Ủy viên Trung ương (trên 60 tuổi) tái cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị khóa XII (trên 65 tuổi) tham gia vào một số vị trí lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.

Hội nghị Trung ương 14, khóa XII
Hội nghị Trung ương 14, khóa XII

Theo PGS-TS Đào Duy Quát, trong nhiệm kỳ tới, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt có vai trò cực kỳ quan trọng cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương nắm bắt thời cơ, vận hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tăng cường lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ XHCN, kết hợp sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước; chú trọng đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

Trong nhiệm kỳ XII, ông Đào Quy Quát khẳng định, Bộ chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến to lớn trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện. Tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng cao rõ rệt, cơ đồ, tương lai của đất nước tươi sáng.

“Bởi vậy, bản lĩnh, tài năng, uy tín và sự dầy dặn kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo của một số đồng chí chủ chốt khóa XII rất cần cho ban lãnh đạo khóa XIII”- ông Đào Duy Quát khẳng định, đồng thời cho biết: Hội nghị Trung ương 15 sắp tới, Trung ương sẽ xem xét rất kỹ lưỡng các phương án nhân sự “trường hợp đặc biệt” với ý thức vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, quyết định bỏ phiếu số lượng và nhân sự các “trương hợp đặc biệt”.

Ông Quát dẫn chứng: Ở các thể chế chính trị khác nhau trên thế giới, việc có các nhà lãnh đạo cao tuổi cũng là chuyện hết sức bình thường. Họ cũng rất cần những con người có khả năng đặc biệt trong việc xử lý những vấn đề chiến lược.

“Về quy trình thì cũng không khác các nhiệm kỳ trước nhưng lần này, “trường hợp đặc biệt” theo tôi hiểu thì Trung ương rất coi trọng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh vững vàng và chắc chắn phải thật sự là tấm gương đạo đức. Điều này được rút ra qua thực tiễn của cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua. Khóa XII, chúng ta đã phải kỷ luật đến 3 Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là điều không đơn giản chút nào. Đấy hoàn toàn là do khuyết điểm từ những khóa trước. Cái mà nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng quan tâm chính là vì sao lại xảy ra những sự việc như vậy. Giá như không để “lọt” những cán bộ mắc khuyết điểm vào bộ máy thì vẫn hơn”.

PGS-TS Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.

Công khai danh sách quy hoạch vào TƯ: Mặt trận đại diện cho dân để giám sát

Hiện nay, quy trình lựa chọn cán bộ khá chặt chẽ nhưng theo ông Đào Duy Quát, muốn không để “lọt” cán bộ thì cách tốt nhất là công khai, minh bạch dân chủ và dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Công khai tiêu chuẩn, quy trình và công khai danh sách quy hoạch vào Trung ương. Nếu được công khai thì MTTQ các cấp có thể góp ý, giám sát và phản biện, giúp cho cơ quan lãnh đạo có sự đánh giá toàn diện và chuẩn xác hơn. Qua xử lý các sai phạm của hơn 110 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong nhiệm kỳ khóa XII cho thấy, phần lớn những sai phạm này đều xảy ra ở khóa X, XI. Thực tiễn này cho chúng ta nhận thức một vấn đề: quy trình, các bước lựa chọn nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, đi tới đại hội XII vẫn còn những sơ hở để cho không ít cán bộ, đảng viên có sai phạm nghiêm trọng “lọt lưới”.

“Công khai, minh bạch là giải pháp toàn diện nhất, triệt để nhất để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, làm cho đường lối của Đảng hoàn thiện hơn, đúng đắn hơn. Trong công tác cán bộ cũng vậy, càng cần phải công khai bởi đây là khâu then chốt của then chốt. Mặt trận là tổ chức thay mặt cho nhân dân, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân. Nếu được bổ sung thêm quy chế phản biện, giám sát công tác cán bộ thì quá tốt. Giám sát khâu nào? Có thể chỉ là khâu giới thiệu thôi thì tôi nghĩ rằng, cơ quan cao nhất của Đảng sẽ có sự chuẩn bị nhân sự tốt nhất trước khi trình ra Trung ương”-  nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cho biết.

Điều lệ Đảng, trong phần “Đảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng” có ghi: “Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.” Trong cương lĩnh “Bổ sung, phát triển năm 2011”, từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có bài học: sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa dời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng.

Thấu triệt những quan điểm tư tưởng trên, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta vừa đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, vừa đổi mới Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, vừa tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong nghị quyết TW 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng đề cao việc phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội. Trong giải pháp này, nghị quyết TW 4 chỉ rõ: các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh quyết định số 217 – QĐ/TW và quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện nghiêm túc có hiệu quả phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhìn nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong khóa XII, PGS-TS Đào Duy Quát cho rằng: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là bước tiến rất lớn, là ngọn đèn pha để thực hiện đồng bộ 4 giải pháp làm cho Đảng có bước trưởng thành, vững mạnh hơn. Càng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí thì càng làm cho đất nước phát triển. Chúng ta đấu tranh để loại trừ những nhân tố tiêu cực, làm cho cơ thể Đảng, cơ thể đất nước khỏe mạnh hơn, được nhân dân tin yêu và ủng hộ. Như cuộc chiến chống Covid vừa qua là một minh chứng hùng hồn cho thấy sức mạnh của lòng dân. Chúng ta đoàn kết chống dịch, rồi lại đoàn kết để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, trở thành điểm sáng trên thế giới.

Giáng Hương/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều