+
Aa
-
like
comment

Trường ĐH Kiên Giang cần có nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức

29/07/2019 21:56

Chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm và làm việc với Trường ĐH Kiên Giang.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kiên Giang. Ảnh: K. Đức

Trường ĐH Kiên Giang là một trong ba trường đại học công lập thuộc Bộ GD&ĐT ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trường được thành lập ngày 21/5/2014 trên cơ sở Phân hiệu của Trường ĐH Nha Trang tại Kiên Giang.

Sau 5 năm phát triển, đến nay Trường ĐH Kiên Giang đã hình thành được cơ cấu tổ chức với 11 phòng, 11 khoa, 1 viện, 1 ban, 3 trung tâm và hơn 330 cán bộ, giảng viên, người lao động. Lực lượng khoa học có 2 phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 22 nghiên cứu sinh và 207 thạc sĩ.

Năm học 2019 – 2020, trường tuyển 14 ngành, tiếp nhận 1.159 thí sinh đăng ký bằng phương thức xét học bạ và có 659 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 bằng hình thức xét điểm thi THPT quốc gia.

Theo PGS.TS Thái Thành Lượm – Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, trường đã bổ sung số lượng thành viên theo cơ cấu Hội đồng trường để phù hợp với quy định. Đồng thời, nhà trường rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ tiến sĩ, trong đó có việc đào tạo nước ngoài…

Sinh viên Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trường ĐH Kiên Giang trong giờ thí nghiệm. Ảnh: ĐHKG

Làm việc với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự tăng trưởng nhanh chóng của một trường đại học ở địa phương chỉ sau 5 năm thành lập.

Đánh giá về đội ngũ khoa học đang được kiện toàn, Bộ trưởng yêu cầu nhà trường cần quan tâm đến trình độ của giảng viên, khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ so với mặt bằng hiện tại. Nhà trường cần bổ sung vào quy hoạch nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức, nhằm thu hút doanh nghiệp bằng các dịch vụ kèm theo chứ không nên đơn độc phục vụ công tác đào tạo.

Về ngành nghề, Trường ĐH Kiên Giang nên bám sát thế mạnh của địa phương, cụ thể là nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng tại chỗ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bộ trưởng lưu ý nhà trường kiện toàn Hội đồng trường theo hướng tăng cường tính thực quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường…

(Theo Giáo Dục Thời Đại)

Bài mới
Đọc nhiều