Trường đại học tuyển sinh lớp 1, Luật Giáo dục đang thua lệ Sài Gòn?
Mang danh trường công lập, khai thác cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên công lập nhưng trường này lại thu các loại phí và tuyển sinh như trường tư thục.
Ngày 1/7/2019, PV có bài viết, Trường đại học tuyển sinh lớp 1, “bóng ma đầu tư ngoài ngành” phủ lên giáo dục?, đề cập đến việc Trường Đại học Sài Gòn tuyển sinh lớp 1.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích cơ sở pháp lý của việc thành lập Trường Tiểu học thực hành trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn, cũng như các khoản thu trái luật, ngõ hầu làm rõ thực trạng Luật Giáo dục quy định một đằng, địa phương áp dụng một nẻo.
Nếu cứ để tình trạng Luật Giáo dục bị chính một số địa phương phủ định bằng các lệ do họ đặt ra, vô hình trung tính nghiêm minh của luật pháp bị xâm phạm, chủ trương xã hội hóa giáo dục khó thành, mà còn tạo kẽ hở để một số cá nhân có thể trục lợi, biến của công thành của tư.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định trái luật?
Theo website của Trường Đại học Sài Gòn, Trường Tiểu học Thực hành là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Trường được thành lập theo Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc cho phép thành lập Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn;
Trường được cấp phép hoạt động theo Quyết định số 1465/QĐ-GDĐT-TC ngày 13/6/2019 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về cho phép hoạt động giáo dục.
Nguyện vọng thành lập trường tiểu học thực hành đã được đề đạt với Đồng chí Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân trong buổi thăm và làm việc với Trường Đại học Sài Gòn vào ngày 15/8/2018 và được chấp thuận theo Thông báo kết luận số 815-TB/VPTU ngày 16/10/2018 của Văn phòng Thành ủy. [1]
Nếu các thông tin nói trên là chính xác, thì việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 về việc cho phép thành lập Trường Tiểu học thực hành trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn là không đúng thẩm quyền, trái với quy định tại các văn bản sau:
Khoản 18, Điều 1, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009; Điều 9, Chương 1, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Điều 16, Chương III, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
Điều 6, Chương I, Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong trường hợp Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận nguyện vọng mà Trường Đại học Sài Gòn đề đạt, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị này thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Tiếc rằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lại ký quyết định thành lập trường không đúng thẩm quyền, tạo ra một tiền lệ trái với quy định của pháp luật sau khi Văn phòng Thành ủy đã đồng ý về nguyên tắc.
Từ việc ra quyết định thành lập Trường Tiểu học thực hành trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn trái quy định như phân tích trên đây, sẽ dẫn đến những kẽ hở về quản lý nhà nước trong công tác tuyển sinh và thu chi tài chính.
Kinh doanh dịch vụ giáo dục trá hình bằng nguồn vốn ngân sách?
Theo Luật Giáo dục hiện hành, trường tiểu học nói riêng và nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, trừ bậc mầm non, chỉ có 2 loại:
Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trường tiểu học công lập được điều chỉnh bởi Điều lệ trường tiểu học theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT. Còn trường tiểu học tư thục được điều chỉnh bởi quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011.
Khoản 2, Điều 3, Điều lệ trường tiểu học quy định một trong những nhiệm vụ của trường tiểu học công lập là: Huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi, vận động trẻ em khuyết tật, trẻ em đã bỏ học đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục và chống mù chữ trong cộng đồng.
Tuy nhiên, Trường Tiểu học thực hành trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn được xác định là trường công lập, nhưng lại tuyển sinh không phân tuyến và tự động “lựa chọn nguồn học sinh nhập học có chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện của nhà trường”;
“Thực hiện chuyển dần phương thức tuyển sinh chung sang phương thức tuyển sinh riêng theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục”. [2]
Như vậy phải chăng tính chất và nghĩa vụ công lập của Trường Tiểu học thực hành không còn, mà bị biến tướng thành cơ sở giáo dục tư thục “trá hình”?
Khoản 1, Điều 105, Mục 2, Chương VII, Luật Giáo dục hiện hành quy định rõ:
Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác.
Tuy nhiên, thông báo số 1482/TB-ĐHSG về việc tuyển sinh vào lớp 1 Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn năm học 2019-2020 ngày 28/6/2019 do Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn ký, quy định về “mức thu cụ thể” mà không biết gọi tên là khoản thu gì, như sau:
“Mức thu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế: 1.500.000 đồng / tháng (không kể tiền học bán trú và tiền học lớp 1 chương trình Tiếng Anh tích hợp).”
Phải chăng chính vì Luật Giáo dục hiện hành cấm trường tiểu học công lập thu tiền của học sinh / gia đình người học, nên Trường Đại học Sài Gòn không biết gọi khoản thu 1,5 triệu đồng / học sinh / tháng là khoản gì?
Đấy là chưa kể ngoài “mức thu cụ thể” chưa rõ tên gọi 1,5 triệu đồng / học sinh / tháng, học sinh còn phải đóng tiền bán trú, tiền tiếng Anh tích hợp. Liệu đây có phải là hoạt động kinh doanh dịch vụ giáo dục trá hình, thu lời trên nguồn vốn ngân sách Nhà nước?
Ngay cả trong trường hợp vận dụng Quyết định số 3036/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về mô hình trường tiên tiến (không đúng quy định của Luật Giáo dục), thì thẩm quyền phê duyệt đề án mô hình trường tiên tiến là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 3 [3] chứ không phải Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn [1].
Như vậy có thể thấy rằng, với việc thành lập Trường Tiểu học thực hành trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn không đúng các quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên sẽ dẫn tới việc cơ sở này mang danh trường công lập, khai thác cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên công lập nhưng lại thu các loại phí và tuyển sinh như trường tư thục.
Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi đều quy định rất tường minh, rạch ròi về trường công lập và trường tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng lại đang bị một số địa phương phủ định bằng việc cấp phép thành lập, cho phép hoạt động đối với các cơ sở nửa công, nửa tư, có thể tạo ra những kẽ hở để biến tài sản công thành tài sản tư.
Tài liệu tham khảo:
[1]//sgu.edu.vn/thanh-lap-truong-tieu-hoc-thuc-hanh-dai-hoc-sai-gon/
[2]//sgu.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-vao-lop-1-truong-tieu-hoc-thuc-hanh-dai-hoc-sai-gon-nam-hoc-2019-2020/
[3]//hcm.edu.vn/truong-tien-tien-qd-3036/cac-van-ban-chi-dao-thuc-hien-mo-hinh-truong-tien-tien-hien-dai-va-hoi-nhap-quo-c41677-57487.aspx?fbclid=IwAR3hPSFqr_7Cuv8Uzlcl76FncmhMJF9vlGlpIRCDdybTQP5yeVGQjgn5wlE
(Theo Giáo Dục Việt Nam)