+
Aa
-
like
comment

Trường chuyên đang tồn tại không mục đích

26/06/2020 06:46

Là cựu học sinh THPT Hà Nội – Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là “kẻ đốt đền” với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận. Anh cũng là người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay.

TS Nguyễn Đức Thành đã chia sẻ thêm với PV về cuộc tranh luận này.

Trước hết, tôi không phê phán chất lượng của trường Ams. Tôi vốn là cựu học sinh chuyên Lý. Quãng thời gian học ở trường Ams những năm 1992-1995 luôn là thời kỳ đẹp đẽ nhất của đời tôi.

Tôi được học ở ngôi trường trong điều kiện vật chất ưu việt thời ấy, có bạn bè tốt và giỏi, thầy cô tuyệt vời như thể thuộc về tầng lớp tinh hoa vậy. Và hẳn bây giờ, trường Ams vẫn là có chất lượng đào tạo tốt hơn một trường công trung bình và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, gia đình.

Nhưng chúng ta cần đánh giá sự tồn tại của mô hình trường Ams trong tổng thể xã hội hiện nay có hợp lý hay không. Ở đây, tôi chỉ làm rõ thêm một phần trong những lập luận của tôi về sự bất cập của mô hình trường Ams và các trường chuyên khác.

‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích
TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh: Thúy Nga)

Chi tiền cho “nhân tài” làm gì?

Là một người làm chính sách kinh tế-xã hội, tôi quan tâm tới việc các trường chuyên sử dụng nguồn lực và tài chính của nhà nước để phục vụ cho mục đích gì?

Nếu như những ngôi trường này được tài trợ bởi tư nhân nơi cha mẹ có điều kiện trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn, điều đó không có gì để bàn.

Hoặc nếu như những trường này là trường công thuần túy, nhận tiền từ ngân sách nhà nước như mọi trường công khác và giảng dạy với chất lượng vượt trội, thì điều đó càng không có gì để bàn, nếu không muốn nói là cần khuyến khích.

Nhưng có một vấn đề, trường Ams hiện nay (cũng như mọi “trường chuyên” khác) đang nhận ngân sách tính trên đầu học sinh cao hơn khoảng 2,5-2,7 lần các trường công khác.

Ở đây, tôi chỉ muốn làm rõ logic của vấn đề, chứ tôi không quan tâm lắm đến số tiền cao hơn 2-3 lần hay 5 lần. Vấn đề chỉ là, nếu đã được tài trợ cao hơn thì phải có một mục đích rõ ràng cho việc đó.

Có mấy mục đích được nêu ra nhằm biện minh cho sự tồn tại của các trường chuyên.

Thứ nhất, có người nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra những người ưu tú đi thi quốc tế nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, mang lại sự vẻ vang cho tổ quốc. Nếu thế thì có cần thiết phải xây dựng tốn kém một hệ thống dàn trải các trường chuyên trên khắp cả nước như vậy hay không?

Thứ hai, có người lại nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra “nhân tài”. Tôi thấy hoài nghi về mục đích này.

Nếu nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng “nhân tài” và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp, thì những “nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân những người đã đóng tiền cho họ ăn học.

Còn nếu không, chúng ta chi tiền cho “nhân tài” làm gì? Bản thân những người có tài đã có thể tự lo liệu cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường rồi, sao phải đầu tư thêm cho họ?

Nhiều người viện dẫn, các nước vẫn đang có những ngôi trường đặc biệt để rèn luyện người có năng lực. Tôi cho rằng, đó là trường đào tạo những người ở độ tuổi lớn hơn tuổi học phổ thông.

Nếu có đào tạo ở độ tuổi phổ thông thì cũng rất hãn hữu và trong những hoàn cảnh đặc biệt. Điểm cốt yếu là những người ấy sau khi được đào tạo xong thì phải phục vụ bộ máy nhà nước.

Điều này giống như trong các trường công an, quân đội hiện nay. Khi nhận sự tài trợ đặc biệt từ nhà nước để phát triển, họ đã chấp nhận một thỏa ước rằng phải phục vụ cho nhà nước, phục vụ cho những người đã đóng thuế để tài trợ cho việc học của họ.

Vậy những học sinh ở Ams hoặc các trường chuyên, học xong họ có chấp nhận như vậy không?

Tôi nghĩ rằng những học sinh muốn vào Ams chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục cao hơn trung bình mà tiền học thì lại thấp. Như vậy, mục đích “đào tạo nhân tài” theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại, cũng chưa bao giờ được thực hiện.

Thứ ba, có người nói mô hình trường Ams hoặc các trường chuyên ở các tỉnh thành là để thử nghiệm một loại trường tiên tiến, chất lượng cao trong giảng dạy. Mục đích của thí điểm là để nhân rộng ra nhằm giúp toàn bộ hệ thống giáo dục cũng có chất lượng cao như thế.

Nếu vậy, trường ấy phải nhận các học sinh đa dạng về thành phần (trí tuệ, thu nhập,…), tức phải có em giỏi, em dốt, em ngoan, em chưa ngoan, em có điều kiện, em không có điều kiện,… Có như thế mới bảo đảm đó là một thí nghiệm trên một môi trường giống như môi trường thực tế và khi thành công mới có thể nhân rộng.

Nếu chúng ta xây dựng một ngôi trường kiểu mẫu mà chỉ dạy các em học sinh ngoan, giỏi trên mức trung bình thì làm sao có thể bảo đảm mô hình ấy sau này áp dụng cho toàn xã hội được.

Như vậy, với những mục đích nêu trên, tôi thấy không cần thiết phải dùng tiền của số đông để tài trợ cho một nhóm nhỏ học sinh ở trường Ams hay trường chuyên, trường điểm.

Cá nhân tôi đã từng được học ở trường Ams. Trường Ams đã không đạt được mục đích nào trong số các mục đích nêu trên khi đào tạo tôi. Thế nhưng, tôi vẫn được hưởng một sự giáo dục rất tốt với chi phí cao do người khác – những người có con không học trường Ams chi trả.

Tôi thấy đó là điều không công bằng và muốn điều ấy chấm dứt. Tôi nghĩ đây là cách tôi trả ơn những người đã tài trợ cho tôi trong những năm tháng đẹp đẽ học ở trường này.

TS. Nguyễn Đức Thành

Bài mới
Đọc nhiều