Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh: ‘Mục tiêu năm 2021 tuy có tham vọng nhưng khả thi’
Tân Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bài học thành công của năm 2020 là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể đạt được mục tiêu của 2021, “dù có tham vọng nhưng khả thi”.
Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, tân Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, đã có cuộc trao đổi với báo chí về những nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.
Rất cần thêm những gói hỗ trợ doanh nghiệp
* Nhiều dự báo cho rằng bức tranh kinh tế của năm 2021 vẫn chưa thể khả quan hơn năm trước và thậm còn có thể tồi tệ hơn hồi 2007-2008. Vậy, với cương vị mới là Trưởng ban Kinh tế T.Ư, lại đang đứng đầu ngành Công thương – một ngành đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ông nghĩ sao về dự báo này?
– Ông Trần Tuấn Anh: Đúng là năm 2020, thế giới đã chứng kiến những tác động rất sâu rộng theo khía cạnh tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Việt Nam với độ mở lớn, tham gia hội nhập sâu rộng nên cũng bị tác động sâu sắc bởi tình hình dịch bệnh.
Ngoài Covid-19, thế giới cũng phải đối mặt với nhiều những tác động và những nguy cơ suy giảm dòng chảy thương mại cũng như sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Đó là những cuộc chiến tranh, xung đột thương mại mà ẩn chứa đằng sau đó chính là cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa những nền kinh tế và những siêu cường. Chúng ta cũng thấy chưa bao giờ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy gắn chặt chẽ với nhau để tạo nên những biểu hiện và cả những sự phát triển nhiều cấp độ của bảo hộ mậu dịch.
Chính vì vậy, có thể coi năm 2020 là năm thử thách rất lớn của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Là một năm đầy rẫy sự biến động, thậm chí còn chứa đựng rất nhiều yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ trong tương lai.
Tuy nhiên, trước những bất ổn, khó khăn như vậy, chúng ta đã nỗ lực rất liên tục và mạnh mẽ, qua đó đã cho thấy Việt Nam trở thành một tấm gương điển hình cho sự quyết liệt, nhạy bén trong việc đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và cả sự sẻ chia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế.
Với mục tiêu kép mà Chính phủ và Thủ tướng đưa ra trong tất cả các chiến lược về phòng, chống dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế, đều thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng trong việc đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân và ổn định đời sống của nhân dân, của doanh nghiệp, và vẫn phải tiếp tục phát triển bền vững gắn với hội nhập sâu rộng của đất nước.
Những bài học kinh nghiệm dựa trên thực tế, những giải pháp, biện pháp mà chúng ta đã thực hiện trong năm 2020 là rất quý giá và rất có ý nghĩa. Thậm chí đó cũng chính là những nền tảng và những tiền đề để có thể hướng tới những mục tiêu tuy có tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi cho năm 2021.
Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, năm 2021, cùng với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta có thể đạt được những mục tiêu rất có ý nghĩa.
* Vậy, ngành công thuơng sẽ ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm nào để góp sức hiện thực hoá mục tiêu trên, nhất là trong tăng trưởng kinh tế khi được Thủ tướng ví như “người giữ cổ xe tam mã”?
– Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn thì những mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã nêu và Chính phủ đã cụ thể hóa trong những yêu cầu, Chỉ thị, Nghị quyết rất cụ thể là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn tính mạng người dân cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Nếu như chúng ta chỉ cần mất cảnh giác, lơ là trong các khâu phòng, chống bệnh thì công tác kiểm soát dịch bệnh sẽ kém hiệu quả, thậm chí có nguy cơ rất lớn cho đất nước, cho nền nền kinh tế, cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Có lẽ, điều đầu tiên mà chúng ta phải thống nhất là yêu cầu một cách nghiêm ngặt nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Và các hoạt động để phát triển, khôi phục, đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường cũng phải dựa trên nền tảng đảm bảo kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đó là một nguyên tắc sống còn của chúng ta trong năm 2021 và những năm tới.
Thứ hai là khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Với tiến trình cải cách và tiếp tục hội nhập sẽ là những yêu cầu bắt buộc trong khung khổ của các FTA cũng như hội nhập, đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của hệ thống Chính trị và của đất nước để tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế pháp luật cũng như tiếp tục giải phóng các nguồn lực xã hội, hướng tới năng lực cạnh tranh ngày càng cao hơn và bền vững hơn của tất cả các cấp độ, nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các sản phẩm dịch vụ và cả sự cạnh tranh của chúng ta.
Theo đó, điều kiện đầu tiên không thể thiếu được chính là những nội dung hướng tới việc tiếp tục thực hiện các hoạt động cải cách của chúng ta mức độ sâu rộng hơn nữa. Đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố đồng bộ và toàn diện để đảm bảo cho một môi trường đầu tư kinh doanh và thể chế nói chung sẽ tiếp tục hoàn thiện và phù hợp, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác hiệu quả các nguồn lực, qua đó có những động lực mới cho phát triển.
Hơn nữa, phải tập hợp và tổng kết cho được những bài học kinh nghiệm để quá trình cải cách của hội nhập và cải cách trong thời gian vừa qua và tiến tới giải pháp cụ thể để chúng ta làm cho tốt và đạt hiệu quả trong năm 2021 những năm tới.
Thứ ba, trong năm 2021, yếu tố rất quan trọng là phải tiếp tục quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những giải pháp về mặt tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn nữa cho doanh nghiệp thì chúng ta phải tính đến các cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những tác động mà dịch Covid-19 19 đang gây ra.
Những giải pháp hỗ trợ rất có hiệu quả của Chính phủ về việc giãn, hoãn thuế, hoãn thuế hay là hỗ trợ tiền điện, các gói hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, cho người lao động là những kinh nghiệm rất quý và trên thực tế đã giúp cho chúng ta phát huy được hiệu quả trong năm 2020.
Cơ hội từ FTA sẽ là động năng mới cho nền kinh tế
* Vậy, trong năm 2021, chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề gì để thực thi có hiệu quả các FTA thế hệ mới, thưa ông?
– Riêng đối với vấn đề hội nhập, rõ ràng chúng ta thấy, qua quá trình tổng kết còn một số vấn đề cần phải tập trung giải quyết triệt để:
Một là, nhận thức, hiểu biết thông qua công tác phổ biến pháp luật và cập nhật các thông tin liên quan đến các hội nhập của chúng ta thời gian vừa qua còn làm chưa tốt. Chính đó là một cản trở hạn chế trong việc thực thi hội nhập, khai thác những cơ hội của các khung khổ hội nhập này. Cho nên thông tin và đặc biệt là những thông tin chuyên sâu, cụ thể để gắn vào với những chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp từ những khung khổ hội nhập này cần được cụ thể hóa, cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời.
Hai là, bản thân doanh nghiệp do hạn chế về quy mô, nguồn lực nên cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ cho chiến lược hội nhập, đặc biệt là từ những thực tiễn của các khung khổ hội nhập chúng ta đã và đang có.
Vấn đề thứ ba là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong khâu trong tổ chức hoàn thiện hệ thống nội luật, các cơ sở pháp lý của chúng ta từ những cam kết hội nhập của chúng ta nhiều khi còn chậm trễ và không được đồng bộ nên đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể khác trong hội nhập chúng ta không khai thác và thậm chí trong nhiều trường hợp là còn bị chịu những thiệt hại do cạnh tranh trong hội nhập.
Chúng ta phải xác định cho rõ hội nhập và các FTA chỉ là một công cụ, điều kiện để chúng ta thực thi phát triển được hiệu quả theo hướng bền vững. Cái quan trọng là nội lực của chúng ta phải phát triển và phải dựa trên những nền tảng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp chúng ta phải được cải thiện.
Vì vậy, cả ngành nông nghiệp, các ngành công nghiệp, các ngành kinh tế khác của chúng ta cần phải được sớm xem xét tái cơ cấu lại để đảm bảo quy mô của ngành sản xuất đó, năng lực, đặc biệt là năng lực dựa trên công nghệ, trên năng suất lao động và dựa trên trình độ phải được giải quyết được.
Dù vậy, chính những FTA này sẽ là cơ hội để chúng ta khai thác và biến nó thành những động năng phát triển mới cho đất nước và cho nền kinh tế.
Chỉ có cách làm và sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhất quán của tất cả các bộ, ngành từ trong xây dựng luật pháp, hoàn thiện thể chế cho đến thực thi các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là trong các chương trình hành động để thực thi các FTA mới giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Chí Hiếu/ TNO