Trước thềm quốc khánh, ông Tập triệu tập các quan chức của 13 bộ, tỉnh thành, tuyên bố “đại kế nghìn năm”
Theo giới quan sát, bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng, Bắc Kinh hiện gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các “đại kế nghìn năm”.
Trước thềm kỷ niệm quốc khánh 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong chuyến thị sát tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức cấp bộ, tỉnh vào ngày 19/9 nhằm thảo luận về vấn đề bảo vệ sinh thái và phát triển chất lượng cao của lưu vực sông Hoàng Hà.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, tham dự cuộc tọa đàm là các quan chức đại diện 13 bộ, tỉnh thành như Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải Vương Kiến Quân, Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Vương Quốc Sinh, Bộ trưởng Bộ tài nguyên tự nhiên Lục Hạo, Bộ trưởng bộ môi trường sinh thái Lý Cán Kiệt v.v..
Ngoài ra, các quan chức cấp cao tháp tùng ông Tập trong chuyến thị sát lần này cũng xuất hiện tại phiên làm việc gồm các ông Ủy viên thường vụ Bộ chính trị – Phó Thủ tướng Hàn Chính, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương ĐCSTQ Đinh Tiết Tường, Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
Tại cuộc họp, ông Tập cho rằng, Trung Quốc cần tăng cường bảo vệ quản lý sinh thái, đảm bảo sự ổn định lâu dài của Hoàng Hà và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của toàn lưu vực với khái niệm “nước xanh núi xanh chính là núi vàng núi bạc”.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết, lưu vực sông Hoàng Hà là một khu vực quan trọng để chiến thắng cuộc chiến chống đói nghèo, bởi năm 2020 là thời hạn chót được ĐCSTQ sẽ đề ra về việc hoàn thành chiến dịch thoát nghèo, thực hiện xã hội khá giả nhỏ toàn diện.
“Bảo vệ Hoàng Hà là đại kế nghìn năm liên quan đến tiến trình phục hưng vĩ đại và phát triền bền vững của dân tộc Trung Hoa. Bên cạnh sự phát triển chung của khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc, phát triển vành đai kinh tế Trường Giang, thiết lập khu Vịnh lớn Macau – Hong Kong – Quảng Đông, phát triển hội nhập của vùng đồng bằng Trường Giang, bảo vệ sinh thái và phát triển chất lượng cao lưu vực Hoàng Hà cũng là chiến lược quốc gia quan trọng”, ông Tập Cận Bình nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh, đối với vấn đề bảo vệ quản lý lưu vực Hoàng Hà, các chính quyền địa phương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và vấn đề nổi cộm nên ông yêu cầu chính quyền địa phương cần duy trì “sự kiên nhẫn lịch sử và sức mạnh chiến lược” để thúc đẩy quá trình bảo vệ sinh thái và phát triển chất lượng cao lưu vực Hoàng Hà.
“Cần phải biến Hoàng Hà thành dòng sông hạnh phúc để tạo phúc cho nhân dân”, ông Tập nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng, Bắc Kinh hiện gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các “đại kế nghìn năm”.
Ví dụ, đối với khu vực kinh tế mới Hùng An – nằm ở vị trí trung tâm, là cửa ngõ kết nối ba địa phương gồm Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc – dự kiến sẽ phát triển thành một đô thị sáng tạo thông minh hiện đại, môi trường trong sạch. Tuy nhiên, sau hai năm khởi động, tiến độ quy hoạch khu vực này đang gây ra sự thất vọng lớn do thiếu hụt những hỗ trợ về tài chính và cơ sở hạ tầng.
Cơ chế hợp tác giữa ba tỉnh thành Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc cũng gây nhiều ý kiến trái chiều trước phát biểu của một quan chức Trung Quốc rằng “hy sinh GDP của Hà Bắc để đổi lấy bầu trời xanh cho Bắc Kinh”.
Phát biểu này bị coi là sự phân biệt đối xử vùng miền, thậm chí một bộ phận ý kiến cho rằng, đây là quan điểm thể hiện sự ỷ lại, có thể được lấy làm lý do để bao biện nếu nền kinh tế Hà Bắc tụt dốc trong tương lai.
Ngọc Hoàng