Trước khi khóc cho “Tuấn khỉ” hãy khóc cho gia đình 5 nạn nhân
Liên quan việc “Tuấn khỉ” – kẻ giết 5 người, cướp gần 1 tỷ ở sới bạc vừa bị lực lượng chức năng tiêu diệt. Một số người không quen biết gì đối tượng này lại rất giàu “lòng trắc ẩn”, biên status trên facebook xót thương, khóc lóc thảm thiết cho “Tuấn khỉ”, mà quên khóc cho 5 nạn nhân mà kẻ này ra tay sát hại.
Giết chết 5 mạng người, chỉ vì “máu cờ bạc”, tội ác của “Tuấn khỉ” trời không dung, lòng người không dung và pháp luật càng không dung. Lực lượng chức năng huy động hàng trăm chiến sĩ, đưa ra chiến lược, áp vòng vây, siết chặt các cửa ngõ để truy bắt “Tuấn khỉ”, tiêu diệt đối tượng này, để không còn ai bị đối tượng này đe dọa nữa.
Việc “Tuấn khỉ” bị tiêu diệt cho thấy rõ tôn chỉ thượng tôn pháp luật của ngành Công an: Không vùng cấm, không nhân nhượng, không bao che sai phạm. Bất cứ ai tước đoạt tính mạng người vô tội, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân đều trở thành mục tiêu phải tiêu diệt của lực lượng vũ trang.
Đặc biệt, khi “Tuấn khỉ” bị tiêu diệt, người dân lân cận khu vực “Tuấn khỉ” lẫn trốn, đặc biệt là người dân Củ Chi vui mừng nhất, nhẹ nhõm nhất vì từ hôm nay có thể yên tâm ngủ yên, không còn nơm nớp lo sợ.
Một người nở lòng xuống tay sát hại 5 mạng nguời, rồi chạy trốn mà vẫn được một số người bênh vực rằng “không có bản chất côn đồ” thì liệu có hợp lý không? Đáng lý ra, những hành vi man rợ, vô đạo đức, vì “máu cờ bạc” mà đánh mất nhân tính con người như “Tuấn khỉ” phải được lên án mạnh mẽ, để cái ác không lây lan. Sai là sai, trong trường hợp “Tuấn khỉ” không có một lý do nào bao biện, cảm thông hay xót thương cả.
Ở đời, người làm việc ác và người cổ súy, tiếp tay cho cái ác, bao biện cho cái ác cùng đáng bị lên án như nhau. Không thể nào lấy lý do hoàn cảnh gia đình chật vật trong mưu sinh “cha phụ xế, mẹ bán nước sâm, vợ đẩy xe bán bánh tráng trộn”, để biện hộ “Tuấn khỉ cuồng sát khi thua bạc 300 triệu chắc cũng không khó hiểu lắm”. Chẳng lẽ, hoàn cảnh không giàu có, thì có quyền được sa ngã, được thông cảm khi giết người sao?
Trước khi khóc, thương tiếc cho “Tuấn khỉ”, hãy nhìn đám tang của các nạn nhân mà “Tuấn khỉ” lạnh lùng sát hại đi. Hãy nhìn vào cảnh vợ khóc chồng, con khóc cha, rồi cha mẹ đầu bạc tiễn đầu xanh, nước mắt chảy dài, rồi hãy nói về ai đáng thương. Thậm chí, khi “Tuấn khỉ” chết rồi, cũng không thể nào trả hết tội với gia đình các nhân mà đối tượng đã xuống tay. Nỗi đau mất người thân, ám ảnh hình ảnh người thân bị chết oan ức, người còn lại sống đau khổ lắm, chỉ có người trong hoàn cảnh mới cảm nhận rõ thôi.
Hải Yến