+
Aa
-
like
comment

Trước khi “bỏ cọc” lô đất Thủ Thiêm, nhóm Tân Hoàng Minh vay hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu

13/01/2022 11:07

Nhóm Tân Hoàng Minh vẫn huy động 9.420 tỷ đồng trong tháng 12/2021 dù trái phiếu bất động sản bị siết chặt.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 80 đợt phát hành riêng lẻ trong nước với tổng giá trị huy động 65.757 tỷ đồng.

Trong đó ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành có khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,4% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Tan Hoang Minh, trai phieu doanh nghiep, huy dong von trai phieu anh 1
Nhóm Tân Hoàng Minh vẫn huy động 9.420 tỷ đồng trong tháng 12/2021 dù trái phiếu bất động sản bị siết chặt. Ảnh: Hồng Quang.

Đẩy mạnh vay trái phiếu

Với riêng ngành bất động sản, điều đáng chú ý là phần lớn nguồn vốn huy động được đến từ nhóm có liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị 9.420 tỷ đồng.

Trong đó, doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất là Công ty CP Đầu Tư Sun Valley với giá trị 3.560 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 4 năm. Công ty được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện đạt 650 tỷ đồng.

Xếp sau là Công ty CP Bách Hưng Vương với giá trị huy động 2.980 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành riêng lẻ theo kỳ hạn 1 năm. Công ty được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện là 536 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Wealth Power cũng phát hành thành công 2.880 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 12 tháng. Công ty này được thành lập năm 2017 và hiện có vốn điều lệ 530 tỷ đồng.

Theo VMBA, đây là những công ty đều có mối liên hệ mật thiết với tập đoàn bất động sản trúng thầu khu đất Thủ Thiêm (hiện đã bỏ cọc) với mức giá kỷ lục – tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Hơn nữa báo cáo phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 đơn vị trên đều khá “kiệm lời” khi không cung cấp các thông tin cơ bản của đợt phát hành trái phiếu như lãi suất, mục đích huy động, trái chủ, các đơn vị tham gia thu xếp, tài sản đảm bảo…

Không chỉ đẩy mạnh trong tháng 12, trước đó nhóm Tân Hoàng Minh cũng đã đẩy mạnh huy động vốn bằng trái phiếu với tổng giá trị 4.900 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông huy động thành công tổng cộng 450 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.

Hay như Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11, lô trái phiếu 450 tỷ đồng (tháng 8) và 800 tỷ đồng (tháng 7). Tổng giá trị vay từ đơn vị này lên đến 1.750 tỷ đồng với lãi suất dao động 11,5-11,75%/năm.

Và công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng với lãi suất 11,5-12%/năm.

Siết trái phiếu bất động sản

Việc tấp cập huy động vốn bằng trái phiếu của Tân Hoàng Minh diễn ra ngay sau vụ đấu giá đất kỷ lục hơn 2,4 tỷ đồng/m2 tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng giá trị mà tập đoàn này cần thanh toán lên đến 24.500 tỷ đồng và giới đầu tư quan tâm nhiều đến kế hoạch tìm nguồn vốn để nộp.

Như vậy, trong khoảng thời gian tháng 7-12/2021, Tân Hoàng Minh đã có thể thu hút về 14.320 tỷ đồng chỉ riêng từ kênh trái phiếu, tương đương khoảng 58% số tiền cần nộp. Đây là con số chưa kể đến các kênh khác như vốn tự có, vốn vay ngân hàng…

Tuy nhiên mới đây, ông lớn bất động sản này tiếp tục gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố xin tự nguyện bỏ cọc và chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản tại khu Thủ Thiêm. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ cọc gần 600 tỷ đồng và “chấp nhận chịu mọi chế tài” về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Việc bỏ cọc sau khi các đại biểu Quốc hội lo lắng về những bất thường đấu giá đất ở Thủ Thiêm và Bộ trưởng Tài chính cũng nhận định đây là giá cao bất thường, điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường.

Tân Hoàng Minh cho biết sau đấu giá đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng tiếp thu ý kiến từ thị trường và nhận thấy kết quả sẽ dẫn đến xáo trộn thị trường nên muốn đơn phương bỏ cọc.

Ngoài ra, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản yêu cầu một số ngân hàng rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Một số ngân hàng lớn như Vietcombank và SHB chính thức lên tiếng về việc không cấp tín dụng cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đấu giá đất Thủ Thiêm.

Thực tế, các ngân hàng đang khá dè dặt với việc cấp tín dụng cũng như tham gia mua trái phiếu của doanh nghiệp khi các chính sách của nhà nước hướng về việc thắt chặt sau khi trái phiếu bất động sản tăng nóng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN siết chặt hoạt động mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng trong tháng 11. Điểm nhấn quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích: để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.

Ngày 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính được yêu cầu thanh kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng công bố điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Kết quả cho thấy các ngân hàng sẽ còn tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.

Động thái siết tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản đã thể hiện rõ trong kết quả gần đây. Tháng 12, nhóm bất động sản chỉ còn huy động hơn 9.500 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ (chủ yếu từ nhóm Tân Hoàng Minh), thụt lùi so với nhóm ngân hàng.

Tính lũy kế cả năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng cộng 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.340 tỷ đồng và phát hành quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong đó nhóm ngân hàng thương mại đã vươn lên đứng đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng đạt 223.010 tỷ đồng, trong đó có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.

Trong khi bất động sản xếp rơi về vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13% một năm (trừ một số trường hợp khoảng 5-6%/năm).

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều