Trung ương họp Hội nghị 15, xem xét “nhân sự đặc biệt” tham gia khóa mới
Sáng nay, 16/1/2021, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bắt đầu chương trình nghị sự. Hội nghị lần này sẽ chốt lại vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng XIII.
Theo chương trình dự kiến, Hội nghị Trung ương 15 diễn ra từ ngày 16-18/1/2021.
Tại hội nghị, một trong những nội dung quan trọng là Bộ Chính trị sẽ báo cáo các “trường hợp đặc biệt” để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng.
Theo quy trình công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng, nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới được chuẩn bị trước, sau đó tới nhân sự giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bước sau cùng mới tới các chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và “trường hợp đặc biệt”.
Cụ thể, trong Hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020), Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gồm cả ủy viên chính thức và dự khuyết. Tới Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020), Trung ương đã xem xét những nhân sự được giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 14 hồi cuối tháng 12 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương khi đó đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban chấp hành Trung ương cũng thống nhất giao Bộ Chính trị và Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự để báo cáo Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15.
Trao đổi thông tin với báo giới để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng mới đây, ông Nguyễn Đức Hà – chuyên gia Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương giải thích cụ thể, Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.
Còn “trường hợp đặc biệt” là những người ngoài độ tuổi nêu trên (quá 60 tuổi với Ủy viên Trung ương và quá 65 tuổi với Ủy viên Bộ Chính trị).
Những nhân sự quá tuổi thuộc “trường hợp đặc biệt” phải được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, minh bạch trước khi trình Trung ương tại Hội nghị 15 này thảo luận, bỏ phiếu quyết định việc giới thiệu tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị Ban Bí thư khóa mới tại Đại hội XIII tới đây.
“Trường hợp đặc biệt” được xác định phải là những người có năng lực, kinh nghiệm, sự từng trải, cần thiết giữ vị trí chủ chốt để dẫn dắt, định hướng cho lớp cán bộ đi sau trong giải quyết những tình huống khó khăn. Những nhân sự ở trường hợp đặc biệt như vậy, theo đó, nếu ở lại thường là tiếp tục giữ vị trí chủ chốt mà người này từng đảm nhiệm. Điều kiện quan trọng được xem xét ở những nhân sự này là người đảm bảo có trí tuệ, có bản lĩnh, có sức khỏe và đặc biệt là có uy tín, là tấm gương cho toàn Đảng.
Tính tới thời điểm này, trong Bộ Chính trị có 8 Ủy viên còn tuổi tái cử, 8 Ủy viên Bộ Chính trị không đủ tuổi tái cử theo quy định. Số thành viên còn lại của Ban Bí thư có 7 người.
Phương Thả/DT