Trung ương 15: Xem xét trường hợp đặc biệt, không nhất thiết phải sửa Điều lệ Đảng
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Hội nghị Trung ương 15 sẽ xem xét các trường hợp đặc biệt để đưa vào danh sách bầu BCH Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.
Sáng nay (16/1), Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII khai mạc, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc tại hội nghị lần này là Trung ương xem xét các trường hợp đặc biệt để đưa vào danh sách giới thiệu bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Trao đổi với PV về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 15 là lần cuối cùng BCH Trung ương bàn về nhân sự khóa XIII.
Theo đó, Hội nghị Trung ương 15 sẽ xem xét các trường hợp đặc biệt. Cụ thể là xem xét có trường hợp nào quá 55 tuổi lần đầu tiên giới thiệu vào BCH Trung ương và những trường hợp đang Ủy viên Trung ương nhưng quá 60 tuổi được giới thiệu vào BCH Trung ương; trường hợp đang là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng quá 65 tuổi được giới thiệu vào Bộ Chính trị khóa mới.
“Ví dụ như khóa XI khi thảo luận để chuẩn bị nhân sự khóa XII, Trung ương giới thiệu 4 người quá 60 tuổi. Đó là các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh. Ra Đại hội XII, Trung ương đã nhất trí đưa vào danh sách bầu cử và kết quả bầu cử có 3 người trúng cử gồm các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam.
Còn Ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt trong hai khóa XI, XII. Còn Đại hội XIII có những ai thuộc trường hợp đặc biệt thì Hội nghị Trung ương 15 sẽ bàn”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho hay.
Tiêu chí xem xét trường hợp đặc biệt
Vậy các trường hợp đặc biệt được xem xét dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?
Kết luận 75 của Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương khóa XII về phương hướng nhân sự khóa XIII có đề cập đến các trường hợp đặc biệt theo hai tiêu chí.
Một là những trường hợp có phẩm chất, năng lực, uy tín nổi trội. Tiêu chí thứ hai là yêu cầu đòi hỏi của vị trí nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bộ Chính trị sẽ cân nhắc xem xét tổng thể, thực hiện quy trình rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để chọn trường hợp đặc biệt.
Trong kết luận 75 cũng có một câu: “Số lượng trường hợp đặc biệt không nhiều và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn”.
Quy trình xem xét trường hợp đặc biệt được thực hiện như thế nào?
Việc xem xét trường hợp đặc biệt là bước cuối cùng trong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Trước đó, Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ phiếu giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào BCH Trung ương kể cả cũ và mới. Hội nghị 14 tập trung bàn về giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hội nghị Trung ương 15 mới chốt lại những trường hợp đặc biệt.
Tại hội nghị Trung ương 15, Bộ Chính trị sẽ trình BCH Trung ương khóa XII xem xét các trường hợp đặc biệt như tôi đã nói trên để đưa vào danh sách giới thiệu.
Đến Đại hội XIII, BCH Trung ương sẽ giới thiệu danh sách để Đại hội bỏ phiếu bầu BCH Trung ương khóa mới, trong đó có cả trường hợp đặc biệt đã được đưa vào danh sách. Sau đó, BCH Trung ương khóa mới tiến hành bầu nhân sự vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có cả những trường hợp đặc biệt.
Chưa đặt vấn đề sửa Điều lệ Đảng
Đại hội khóa XIII có đặt vấn đề sửa Điều lệ Đảng, thưa ông?
Việc có sửa Điều lệ Đảng hay không phụ thuộc vào thẩm quyền của Đại hội nhưng đến giờ phút này là không sửa đổi Điều lệ Đảng.
Nhưng nếu có vấn đề mới phát sinh liên quan đến trường hợp đặc biệt liên tục trong ba khóa thì xử lý như thế nào?
Theo tôi thì không sửa Điều lệ Đảng vì khi sửa Điều lệ Đảng là liên quan đến các chức danh khác của toàn hệ thống chính trị. Ví dụ như chức danh từ cấp xã, ông Bí thư xã, Chủ tịch xã làm hai nhiệm kỳ rồi thì sẽ không được làm nữa.
Tương tự, tất cả các chức danh khác trong hệ thống chính trị từ xưa đến nay đều quy định không quá hai nhiệm kỳ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu sửa Điều lệ Đảng liên quan đến nội dung này sẽ động chạm đến toàn bộ hệ thống chính trị.
Còn đối với trường đặc biệt thì một nhiệm kỳ hay ba nhiệm kỳ cũng nằm trong diện xem xét trường hợp đặc biệt theo hai tiêu chí như đã nêu trên và không nhất thiết phải sửa Điều lệ Đảng.
Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa như thế nào đối với Đại hội XIII sắp tới, thưa ông?
Hội nghị Trung ương 15 là để tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự, có ý nghĩa lớn nhưng các hội nghị trước có ý nghĩa lớn hơn. Bởi vì theo Điều lệ Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội là BCH Trung ương.
Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là phải lựa chọn được BCH Trung ương đúng đã rồi BCH Trung ương mới bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chứ một BCH Trung ương mà không tiêu biểu thì không thể bầu ra một Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiêu biểu.
Hôm khai mạc Hội nghị Trung ương 14, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có đề cập đến việc thảo luận hai dự thảo rất quan trọng, đó là dự thảo về quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại Đại hội XIII. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng phải khắc phục khuyết điểm của Đại hội XII.
Đại hội XII, quy chế làm việc chưa chặt chẽ, các đoàn đại biểu không phải tất cả nhưng không phải ít trường hợp đã mời nhau giao lưu, chè chén, vận động… Điều này, Hội nghị trung ương 12 đã thẳng thắn chỉ ra là có hiện tượng tranh thủ vận động phiếu bầu. Đấy là cái không tốt của Đại hội XII.
Vì vậy, Đại hội XIII lần này, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, quy chế làm việc làm sao không để xảy ra tình trạng như đã diễn ra ở Đại hội XII. Quy chế làm việc phải làm sao vừa dân chủ nhưng thật tập trung, không để xảy ra tình trạng vận động, tranh thủ phiếu bầu, mời nhau ăn uống, chè chén, biếu xén, thậm chí có cả doanh nghiệp đi cùng để biếu xén.
Hội nghị Trung ương 13 giới thiệu và chốt được danh sách BCH Trung ương, là kết quả của các hội nghị trước. Hội nghị Trung ương 14 là giới thiệu và chốt danh sách nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Còn Hội nghị Trung ương 15 là tiếp tục giải quyết những phần việc còn lại mà các hội nghị trước chưa giải quyết xong. Chưa giải quyết ở đây là thực hiện theo lộ trình, các trường hợp đặc biệt xem xét cuối cùng chứ không phải vì các hội nghị trước chưa giải quyết được.
Thu Hằng/VNN