+
Aa
-
like
comment

Trung tướng Phạm Phú Thái đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên ‘cỗ quan tài’ mang tên Đồng Tâm

12/01/2020 19:01

Vụ chống đối người thi hành công vụ mà thực chất là bạo loạn xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vừa qua khiến 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Là người đã theo dõi sự việc này trong thời gian, Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đã có những chia sẻ xác đáng.

59ha đất có thật không?

Đến giờ bình tĩnh nhìn lại toàn bộ quá trình, điều tôi lấn cấn nhất là câu chuyện 59ha đất Đồng Sênh. Đại ý, sau vụ bắt giữ cảnh sát cơ động, biết chắc chắn là nếu tấn công giải cứu bằng vũ lực thì sẽ đổ máu lớn (năm 2020 Lê Đình Kình đã bị cô lập, mà công an còn phải trả giá đắt), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã buộc phải kí một văn bản “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử tư pháp Việt Nam, để cứu các chiến sĩ của ông về.

Nhiều người chỉ trích văn bản này nhưng có một ý nhỏ trong đó thì ông Nguyễn Đức Chung đã kiên quyết làm và đã giữ lời hứa, đó là 45 ngày thanh tra toàn diện vụ Đồng Tâm. Thanh tra Hà Nội đã làm rõ và sau đó là Thanh tra Chính phủ cũng đã phúc tra lại. Thậm chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ còn về tận huyện Mỹ Đức, trình chiếu thông tin giải thích cho dân về các bản đồ. Toàn bộ quá trình đó, Lê Đình Kình và những người có liên quan chưa bao giờ dám lên huyện để đối chất.

Như vậy, trước khi triển khai xây dựng tường bao sân bay vào ngày 31/12/2019, chính quyền từ TW đến địa phương đã làm đủ các quy trình cần thiết trong giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục khiếu nại hành chính.

Năm 1991 đã bị lấn nhiều so với năm 1970 và 1980. Nhà nước nhân nhượng công nhận chỗ đã lấn đó. Nhưng từ đó một số kẻ đã lấn tiếp, làm vườn, làm xóm trên khu hồ đầm của bộ đội đã làm khô, lại đào bay cả đường băng, chiếm cả hầm chứa trong núi thông sang đường 21 Hồ Chí Minh (khoanh đỏ).

Cho nên, điều băn khoăn lớn nhất của tôi cũng như lý lẽ lớn nhất của những người ủng hộ Lê Đình Kình, đó là câu chuyện 59ha đất Đồng Sênh. Theo Lê Đình Kình thì đất Đồng Sênh có 106ha, trong đó có 47ha là sân bay Miếu Môn và 59ha là đất xen kẹt giữa sân bay và trường bắn Miếu Môn của quân đội. Lê Đình Kình cho rằng 59ha đất đó không phải là đất quốc phòng. Trên 47ha đất sân bay thì có 14 hộ dân (không có hộ gia đình ông Kình) nhưng trên 59ha đất xen kẹt thì có quyền lợi của Lê Đình Kình và nhiều người dân thôn Hoành.

Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thuê Xí nghiệp Tài nguyên Môi trường 1 đo đạc, chồng ghép bản đồ, xác định diện tích sân bay Miếu Môn là 64ha và toàn bộ là đất quốc phòng, chứ không có diện tích 59ha nào như Lê Đình Kình nêu.

Mặt khác, Thanh tra Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng đã đi thực địa và khẳng định các cột mốc cắm từ thập niên 1980 còn rất tốt. Ngoài mốc năm 1980, còn có mốc Quân chủng Phòng không – Không quân cắm vào năm 2016 để chuyển giao đất từ Lữ đoàn công binh PK-KQ sang cho Viettel để xây dựng công trình quốc phòng bí mật.

Nhưng như đã nói, Lê Đình Kình không lên đối chất nên chuyện 59ha vẫn gây nghi ngờ giữa hai phía vì không ai tin ai.

Những kí ức của Tướng Thái

Đúng lúc nổ ra sự việc Đồng Tâm thì Trung tướng Phạm Phú Thái – một trong những phi công chiến đấu MiG-21 xuất sắc nhất của Không quân đã lên tiếng.

Ban đầu, tôi thấy những thông tin ông ấy đưa ra gần như chỉ mang tính chất hồi ức cá nhân của một cựu chiến binh. Nhưng sau đọc kỹ lại thì tôi thấy quả không hổ danh là Phó Tư lệnh PK-KQ, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng.

Ngoài kinh nghiệm đánh nhau với không quân Mỹ thì trong thâm niên công tác của mình, Tướng Thái có dư những kinh nghiệm giải quyết các vụ việc lấn chiếm đất trường bắn, đất sân bay và cách ông đặt vấn đề thực sự là đúng trọng tâm, có ý nghĩa quyết định giải tỏa nghi ngờ.

Thứ nhất, Trung tướng Phạm Phú Thái đưa ra một sự kiện, đó là sân bay bí mật Miếu Môn đã được xây dựng từ năm 1968, và ông là người đầu tiên hạ cánh thử nghiệm xuống sân bay đó. Sự kiện này không thể bác bỏ, vì nó được chứng bởi tất cả các phi công chiến đấu của không quân đã đi qua kháng chiến. Gần như tất cả bọn họ đều đã từng cất, hạ cánh ở sân bay này, khi Nội Bài, Hòa Lạc, Gia Lâm bị ném bom.

Hai người hạ cánh đầu tiên xuống Miếu Môn là Nguyễn Văn Cốc và Phạm Phú Thái. Cả hai ông về sau đều làm đến Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, hàm Trung tướng. Tướng Cốc đã bị tai biến, ốm nặng, nếu không có lẽ ông cũng sẽ cho chúng ta nhiều tư liệu rất quý.

Thứ hai, Trung tướng Phạm Phú Thái mô tả sơ bộ bằng sổ tay về đường băng (2400x30m), hầm giấu máy bay, tọa độ, phương vị, địa hình, thậm chí còn đưa vào một dòng ngộ nghĩnh: “Đồi cây cao, cẩn thận con ơi!”.

Nhiều người nói Tướng Thái mơ hồ nhưng tôi thấy ông là người chừng mực. Đơn giản là khi ông không có đủ thông tin thì ông không kết luận. Nhưng những thông tin ông cung cấp là những gợi ý bằng vàng ròng, là những đòn chí mạng phục vụ đấu tranh pháp lý trong vụ việc Đồng Tâm – Miếu Môn.

Với tư cách cựu thanh tra, ông chỉ đặt vấn đề, phần còn lại các cấp dưới của ông đang còn tại ngũ sẽ làm rõ chi tiết. Cũng như khi ông làm tư lệnh thì cái đáng giá nhất của vị tướng là các quyết định chính xác cho trận đánh.

Những dữ liệu từ ảnh vệ tinh

Trước khi Thanh tra Bộ Quốc phòng hay Thanh tra chính phủ tiếp tục công việc thì từ cách đặt vấn đề của Tướng Thái, nhiều người bắt đầu lục lại ảnh vệ tinh, cả ảnh của Google Earth, ảnh vệ tinh của Mỹ từ thời 197x, 198x.

Như Tướng Thái mô tả: Ban đầu sân bay có đường băng ngắn 2400m. Xung quanh không có dân, chỉ có người Mường. Chính bộ đội công binh đã đào kênh tháo nước, san lấp,… để thành đất bằng cho “dân Đồng Tâm” lấn chiếm trồng trọt.

Dễ hiểu vì sao khu vực này thưa dân, và vào năm 1969 chỉ toàn người Mường. Trước đây, thời Minh nó nằm ngay bên con đường thiên lý Bắc Nam đi phía tây sông Đáy. Nhưng dù vậy lại vẫn thưa dân, bởi vì khi sông Đáy còn đủ nước thì vùng này luôn ngập lụt, chỉ có thưa thớt xóm làng trên đồn thoai thoải mà đồi thoai thoải ở đây cũng hiếm. Sau này làm các đập Phùng, Văn Cốc, ngăn nước vào sông Đáy, thì mới giảm đất ngập .

Hình vẽ Trung tướng Phạm Phú Thái ghi chép để chuẩn bị hạ cánh thử có tọa độ sân bay và số liệu dài rộng của đường băng (bên trái) và ảnh chụp từ Google map.

Theo hình ảnh của Google Earth thì sân bay Miếu Môn ngày nay nằm cách đường Hồ Chí Minh chừng 1km. Con đường này đi sát một dãy núi nhỏ dốc ngăn giữa sân bay và đường,che mắt người đi đường. Và ở đây có các hầm chứa xuyên núi, đảm bảo hậu cần cho sân bay từ đường bộ.

So với năm 1969 chỉ có đường băng ngắn 2400x30m thì ngày nay phần san lấp của sân bay trên ảnh vệ tinh là 3.500 x 350m. Có ít nhất một đường băng và một đường lăn chạy song song, nhưng còn nhiều đường nữa, cho thấy Miếu Môn đã được (hay ít nhất là đã từng) quy hoạch thành một sân bay quốc tế lớn, cho phép các máy bay chở khách thân rộng hạ cánh.

Ngoài dải đất trên, có thể thấy một bãi đất chữ nhật, giống như ở các sân bay quân sự lớn. Bãi này có thể cất-hạ cánh trực thăng, và đỗ máy bay cánh cố định.

Đầu phía nam của đường lăn nằm chìm trong một nhóm các gò đất đá thấp, đây là khu hầm chứa máy bay tiêm kích sẵn sàng chiến đấu. Ở trạng thái báo động cao nhất, phi công sẽ mặc nguyên đồ bay để ngồi trong máy bay đậu trong hầm, có lệnh là xe kéo ra đường băng xuất kích. Có thể thấy các đường lăn chéo vào nhóm gò này. Đầu này của đường lăn và nhóm gò đã thành vườn ao và xóm. Nói cách khác, “dân” đã lấp mẹ nó đường lăn cho máy bay tiêm kích quân sự.

Một dấu ấn của Miếu Môn (cũng như mọi sân bay quân sự ở VN) là các hầm giấu máy bay ở phía nam sân bay. Các hầm này đều đào xuyên núi ra đường Hồ Chí Minh (đúng như tướng Thái mô tả). Sát khu nhà Viettel còn có một hầm chứa kiểu trực chiến, tức là thông hai đầu cho động cơ luồng, và vẫn được duy tu thường xuyên nên rất sạch sẽ.

Như chúng ta thấy: Phần khoanh đỏ là cửa hầm cho máy bay chiến đấu (đã bị chiếm), phần khoanh vàng chính là đường băng đã bị đào lên nham nhở để lập xóm làng.

Kết luận

Thứ nhất, sân bay Miếu Môn đã có từ năm 1968, các nhân chứng khẳng định có đường băng 2400m và có hầm giấu máy bay.

Thứ hai, năm 1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ra quyết định mở rộng, sửa sang lại sân bay. Tuy chỉ là sân bay nhỏ, nhưng về sau Miếu Môn đã từng được mở rộng, san lấp đường băng … để có đường băng lớn 3600m, qui hoạch như một sân bay lớn. Lúc đó chúng ta đánh nhau với TQ, không quân ta phát triển mạnh, nên đã có kế hoạch mở rộng sân bay dự bị. Nhưng cuối cùng TQ sợ khiếp vía không quân ta, nên không có không chiến lớn. Sân bay bỏ hoang, được một đơn vị bộ đội trông coi. Nhưng đơn vị này ít người, và dân lấn chiếm đất.

Thứ ba, bước sang thập niên 1990, thì bắt đầu có việc lấn chiếm quy mô lớn đất sân bay. “Nhân dân Đồng Tâm” anh hùng đào bay luôn cả cái đường lăn cho máy bay tiêm kích. Đường băng biến thành xóm làng. Bộ đội san lấp đất làm đường băng, nhưng dân thì thấy đất ngon quá là chiếm.

Thứ tư, bộ đội vẫn nhún nhường, chỉ đòi lại phần đường băng và kho tàng, hầm chứa máy bay. Nhưng kể từ 1992, “nhân dân Đồng Tâm” anh hùng đã chiếm đất lập làng ngay trên khu đầm mà bộ đội san lấp, tức là chiếm ngay cửa hầm chứa máy bay. Thậm chí, “nhân dân Đồng Tâm” anh hùng đào bay mẹ cái đường lăn cho máy bay tiêm kích, làm nhà đè lên.

Cuối cùng, không có khu đất 59ha nào cả, toàn bộ khu đất là 64ha, thuộc diện đất quốc phòng. Cái bản đồ bôi xanh bôi đỏ, khu A khu B thực ra là một: Đường băng sân bay chạy dài là màu đỏ, còn màu xanh là khu hầm giấu máy bay, khu hậu cần phục vụ sân bay có kết nối với đường Hồ Chí Minh.

Vĩ thanh

Nguyên nhân sâu xa của những xung đột dẫn đến 3 chiến sĩ công an phải hy sinh, đó là những diện tích đất đai của trường bắn, của sân bay, của những khu vực quốc phòng trọng điểm đã bị lấn chiếm. Những diện tích này rộng lớn, bằng phẳng, bộ đội ít không có điều kiện tuần tra bảo vệ, nên “nhân dân anh hùng” cứ thỏa thuê lấn chiếm. Điển hình là chiếm đất lập làng ngay trên cửa hầm máy bay, đào bay cả cái đường lăn cho máy bay chiến đấu tiêm kích.

Sau 1991, suốt từ Bắc chí Nam, các đơn vị quân đội đã phải đấu tranh rất quyết liệt để giành lại đất quốc phòng. Đồng Tâm chỉ là một trong các điểm nóng. Nói như vậy, để chúng ta hiểu: Ai là dân, và ai là giặc. Không có “dân” nào hủy hoại sân bay quân sự, không có “dân” nào lấp đường băng sân bay, cũng không có “dân” nào đổ xăng châm lửa thiêu sống công an cả.

Nói một cách đau xót: Quân đội nhân dân đã mất trắng một sân bay quan trọng, nhờ vào công lao “giữ đất” mấy chục năm của một số ” người dân Đồng Tâm”. Trung đoàn không quân 921 Sao Đỏ – anh cả của không quân nhân dân đã phải rời Nội Bài lên tận Yên Bái xa xôi, một phần cũng là vì Miếu Môn đã bị làm cho tan tành.

Cái oái oăm là một số dân Đồng Tâm mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước, là do họ mất niềm tin vào các cán bộ cấp cơ sở. Mà các cán bộ cơ sở thì không ai khác là con cháu nhà Lê Đình Kình. Phần lớn các ông “quan cách mạng” dòng họ Lê Đình đã ăn cơm cân mặc áo số sau năm 2017, vì những sai phạm bán trời không văn tự.

Còn lại Lê Đình Kình và câu chuyện 59ha, với những tấm bản đồ bôi xanh đỏ. Thực ra, đó nguyên vẹn là một cái sân bay quân sự đã bị một số “người dân Đồng Tâm” xẻ thịt.

Lê Minh Lương

Bài mới
Đọc nhiều