+
Aa
-
like
comment

Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Tách luật để làm rõ “ai chịu trách nhiệm” về các vấn đề giao thông “nóng”

10/02/2022 12:24

Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ làm rõ “ai là người chịu trách nhiệm trước những bất cập về an toàn giao thông đang tồn tại hiện nay”.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: PV

Phân định rạch ròi chức năng quản lý nhà nước của từng bộ

Sáng nay (10.2), Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, TS Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an, Viện trưởng Viện Chiến lược Công an chủ trì hội thảo.

Trung tướng Đỗ Lê Chi phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Đỗ Lê Chi đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Đặc biệt, cần phân định rạch ròi chức năng quản lý nhà nước của từng, bộ, ngành liên quan tới giao thông vận tải (GTVT). Từ đó làm sáng rõ những ưu điểm, hiệu quả của thực tế, khách quan trong bối cảnh tình hình mới khi tách Luật GTĐB thành 2 luật nêu trên.

Đại tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Tham luận tại hội thảo, đại tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phân tích, sau hơn 13 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo đại tá Bình, ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn. Trong đó, ATGT (an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật. Tên gọi Luật GTĐB là chuyên ngành nhưng nội dung phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

Đại tá Bình nêu số liệu, từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người; chiếm hơn 95% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số các vụ tai nạn.

Đại tá Bình cho rằng, hoạt động GTĐB liên quan, tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…

Từ những phân tích trên, đại tá Bình cho rằng, việc phân tách Luật GTĐB 2008 thành 2 Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung. Ông khẳng định, việc tách 2 dự án luật không có “nhóm lợi ích” nào khác ngoài lợi ích của người dân. Việc này không có trùng chéo, chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ của các bộ quản lý.

Không cần phải bàn cãi việc tách luật

Tham luận tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh (QPAN) của Quốc hội cho biết, 2 luật nêu trên được Bộ Công an trình Chính phủ. Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội. Tại kì họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu đã cho ý kiến.

“Thời điểm trên, căn cứ lý luận và thực tiễn của dự thảo Luật còn thiếu thuyết phục nên Quốc hội yêu cầu trả về cho Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và tính toán việc tách Luật GTĐB năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Gần một năm sau đó, ngày 30.1.2022, Chính phủ có Nghị quyết đồng ý tách luật và giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ GTVT trực tiếp tham gia hoàn thiện dự thảo Luật này”, Trung tướng Đức thông tin.

Toàn cảnh hội thảo.

Trong phát biểu tham luận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhiều lấn nhấn mạnh về việc “ai là người chịu trách nhiệm” trước những bất cập về an toàn giao thông đang tồn tại hiện nay.

“Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng trong xây dựng cao tốc, bớt xén quá trình xây dựng đường gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng vậy.

Việc tồn tại các điểm đen giao thông, vậy tại sao có điểm đen, ai chịu trách nhiệm giải quyết. Đặc biệt, việc lái xe gây tai nạn liên tục, có trạng thái tâm thần, vẫn được cấp bằng, đổi bằng… thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng nhiều năm. Câu hỏi ai chịu trách nhiệm đang là băn khoăn của các ĐBQH”, Trung tướng Đức nêu.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc tách luật đến nay “không cần bàn cãi nữa” nhưng điều quan trọng là việc thực hiện tách luật phải chặt chẽ. Khi tách phải chuẩn nhất, không bị trùng lẫn. Tuy nhiên, theo ông Đức, đây cũng là “việc rất khó”.

Phân định rõ trách nhiệm

Tán thành với việc tách Luật GTĐB thành 2 luật là cần thiết, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích với 3 điểm chính. Đó là: Cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và tính cấp thiết của vấn đề này – từ góc nhìn báo chí truyền thông.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, việc tách thành hai luật chuyên ngành riêng sẽ phân khúc chuẩn xác hơn và dễ dàng hơn trong việc xác định Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính cho cả ba lĩnh vực. Đó là: An toàn giao thông (tương ứng với Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ); Kết cấu hạ tầng giao thông; Và Vận tải đường bộ (tương ứng với Luật Đường bộ).

Từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, tính cấp thiết của việc tách 2 luật được thể hiện trong việc ứng dụng phương pháp tiếp cận quyền con người trong việc xây dựng Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Đồng thời, việc này cũng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về điều kiện pháp lý cho việc số hoá và xây dựng dữ liệu lớn trong phân cấp, quản lý đối với các chủ thể chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực thuộc Giao thông đường bộ.

Minh Tuấn

Bài mới
Đọc nhiều