+
Aa
-
like
comment

Trung tướng Nguyễn Bình – Tổ quốc trên hết

22/12/2020 09:00

‘Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết ! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục’. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trao nhiệm vụ cho Nguyễn Bình vào làm Tư lệnh Nam bộ dù chưa phải đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Bình /// Ảnh: Tư liệu KMS
Trung tướng Nguyễn Bình

Điều này được người cháu ruột của ông là Nguyễn Thế Trường viết trong sách Trungtướng Nguyễn Bình (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân).

Trung tướng Nguyễn Bình sớm tham gia phong trào yêu nước, gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, bị đày ra Côn Đảo, ông đã cùng nhiều đồng chí của mình chuyển sang hàng ngũ những người Cộng sản. Sau thắng lợi của phong trào Mặt trận Bình dân, trở về quê hương, ông tiếp tục hoạt động và xây dựng lực lượng vũ trang, lấy vùng Đông Triều – chùa Bắc Mã làm đại bản doanh. Vì thế, khu vực này thường được gọi bằng cái tên Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Chiến khu này kéo dài trên một địa bàn rộng lớn từ Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình qua Hải Phòng tới Quảng Ninh…

Chớm hè năm 1945, Nguyễn Bình nhắc với Hoàng Ngọc Lương (sư Lương), một người đồng chí trong bộ chỉ huy của ông, bài thơ Tiễn bạn lên chiến khu của Chu Lang (bút danh của ông Xuân Thủy) trên báo Cứu quốc số xuân Ất Dậu. Bài thơ có câu: “Giờ khởi nghĩa hẹn hò năm Ất Dậu/Trận đầu tiên ai thắng, đấy anh…”. Theo Nguyễn Bình, lời thơ ấy chính là lời “hịch” của Tổng bộ Việt Minh. Giờ khởi nghĩa vào ngày tháng nào chưa rõ, nhưng nhất định chỉ là trong năm Ất Dậu (1945). Thời gian không còn nhiều, mọi việc phải khẩn trương. Việc lập Chiến khu Đông Triều nếu chờ hỏi ý kiến Tổng bộ Việt Minh, e rằng quá muộn. Nguyễn Bình muốn trực tiếp bàn bạc với Nguyễn Kiên Tranh (sư Tuệ), triển khai ngay, sau đó sẽ báo cáo lên xứ ủy.

Mọi việc được tiến hành khẩn trương. Từ chùa Bắc Mã (Đông Triều), Nguyễn Bình đã chỉ huy việc giành chính quyền tại Đông Triều (Quảng Ninh ngày nay), Chí Linh (Hải Dương ngày nay), Thủy Nguyên (Hải Phòng ngày nay)… mau chóng.

Trung tướng Nguyễn Bình (1908 – 1951) quê xã Giai Phạm, H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1945, ông làm Khu trưởng Chiến khu 7, Tư lệnh Nam bộ… Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh.

Tư lệnh đệ tứ chiến khu được cử vào nam

Tháng 9.1945, ông Lê Quang Hòa (sau này là thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội) về Hà Nội, vào gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp nhận giấy giới thiệu làm Đặc phái viên Bộ Quốc phòng ở Đệ tứ chiến khu. Đặt chân tới Hải Phòng, đứng trước cổng ra vào có tấm biển: Bộ Tổng tư lệnh Đệ tứ chiến khu, Lê Quang Hòa cứ lặng lẽ bước lên những bậc xây, thẳng tới phòng làm việc của tư lệnh. Vừa đi, ông vừa nhớ lại lời dặn dò của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trước khi rời Hà Nội: “Làm việc với anh Bình khó đấy. Đã có cán bộ đoàn thể phải bật ra. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, chúng tôi tin ở anh”.

Nguyễn Bình liếc rất nhanh tờ giấy do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký rồi ngẩng lên nhìn Lê Quang Hòa qua hai mắt kính đen to tướng: “Trước đây chưa giành được chính quyền khắp vùng Đông Triều và chưa đưa quân về chiếm Hải Phòng thì chẳng thấy Tổng bộ Việt Minh đâu, cũng chẳng thấy Chính phủ hay Bộ Quốc phòng và Nội vụ đâu. Nay sao lắm tổng bộ và bộ thế này?”. Đặc phái viên Lê Quang Hòa từ tốn trả lời: “Anh nói đúng đấy. Trước khi giành được chính quyền toàn quốc thì làm gì có Chính phủ, làm gì có các bộ. Nhưng thắng lợi của cách mạng nhất thiết không phải của riêng ai, cũng không phải của riêng một vùng nào. Nếu Hải Phòng và Đông Triều khởi nghĩa nhưng toàn quốc không vùng dậy thì đốm lửa nổi lên ấy bị dập tắt ngay lập tức”.

Nói thêm một vài câu, thấy Nguyễn Bình im lặng, Lê Quang Hòa tiếp tục nói về việc thực dân Pháp đã quay lại, tiếng súng kháng chiến của Nam bộ đã nổ. Lúc này phải đạt được sự thống nhất từ Bắc chí Nam, từ trên xuống dưới. “Chính quyền ta ở các địa phương có ủy ban hành chính các cấp và trên T.Ư là Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo…” – nói đến đây, Lê Quang Hòa đột ngột dừng lại để theo dõi phản ứng của Nguyễn Bình. Tư lệnh Đệ tứ chiến khu tỏ ra chăm chú nghe đặc phái viên khi nói tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy Nguyễn Bình mỗi khi nghe tới ba chữ Hồ Chí Minh, thái độ của ông có vẻ kính phục, Lê Quang Hòa bỗng nảy ra ý nghĩ là rất muốn để Nguyễn Bình được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ít ngày sau, có điện từ Phủ Chủ tịch mời Nguyễn Bình lên Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn ông vào Nam để thu phục những tay giang hồ hảo hán như Bảy Viễn, Ba Dương, Mười Trí… Từng tham gia Việt Nam Quốc dân đảng để cứu nước, rồi ly khai Quốc dân đảng, bị kết tội phản đảng, bị móc một mắt mà không chết, Nguyễn Bình vào chỉ huy Mặt trận Nam bộ. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong cho ông quân hàm trung tướng đầu tiên của quân đội.

Kiều Mai Sơn/TN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều