Trung tâm hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) là đơn vị tuyến cuối điều trị Covid-19 tại TP.HCM, có nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân tiên lượng nặng và nguy kịch.
Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM) được Bộ Y tế trưng dụng khu B và C của một nhà xưởng cũ làm Trung tâm Hồi sức cấp cứu do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều hành với quy mô 500 giường. Trung tâm này bắt đầu hoạt động vào tối 11/8. Đây là tuyến cuối tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch. Chưa đầy 24 giờ đưa vào hoạt động, trung tâm hồi sức cấp cứu này đã tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân có biểu hiện nặng. Trong đó, 12 bệnh nhân tiên lượng rất nặng. Hiện trung tâm được chia thành 3 khu hồi sức tích cực. Trong đó, khu 1 là nơi tiếp nhận, phân luồng bệnh và giữ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nặng. Khu 2 và 3 sẽ là nơi điều trị các bệnh nhân rất nặng và nguy kịch. Lực lượng y tế chia thành 3 ca túc trực đêm ngày ở các khu hồi sức tích cực, theo dõi tình hình và diễn biến của các bệnh nhân để kịp thời cứu chữa. Các bệnh nhân tại đây đa số trong khoảng 50-60 tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp. Khu vực điều trị và phòng điều hành cách biệt hoàn toàn, bác sĩ phải dùng bộ đàm liên lạc và trao đổi thông tin của các ca bệnh với y bác sĩ phía bên trong khu điều trị. Bác sĩ Ngô Đức Hùng, trung tâm cấp cứu A9 Bạch Mai, gần như luôn có mặt trong buồng cấp cứu. Ông là một trong những y bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. “Sau chuyến chi viện Bắc Giang, tôi về nhà được 3 tuần thì lại tiếp tục tham gia cuộc chiến chống dịch lớn cùng TP.HCM. Chúng tôi luôn sẵn sàng vì đồng bào ở các mọi miền đất nước”, bác sĩ Hùng chia sẻ. Tại đây, mạng sống của các bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy móc và nỗ lực chăm sóc không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ. Trong ảnh, nhân viên điều dưỡng liên tục kiểm tra và điều chỉnh bơm tiêm điện để duy trì nồng độ thuốc trong cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân T.A.H (73 tuổi) có bệnh nền tiểu đường đang ở mức chỉ số đường huyết không ổn định. “Ông được xét nghiệm đường máu mao mạch 3 tiếng/lần. Việc cứu chữa các bệnh nhân nặng này không chỉ điều trị Covid-19 mà còn phải điều trị các bệnh nền khác”, điều dưỡng Phương, người trực tiếp theo dõi bệnh nhân, thông tin. Nhân viên y tế ngoài thực hiện các công tác chuyên môn còn kiêm luôn nhiệm vụ cho bệnh nhân ăn, thay tã và vệ sinh thân thể của người bệnh. Trong ảnh là một điều dưỡng đặt sonde (ống thông) dạ dày cho bệnh nhân đang hôn mê để bơm sữa dinh dưỡng vào cơ thể. Bên cạnh là ống nội khí quản, đưa vào phổi để máy thở bơm khí vào, hỗ trợ hô hấp. Đây là hình thức cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho các ca bệnh nặng. Bệnh nhân được bơm khoảng 125 ml dung dịch sữa dinh dưỡng chuyên dụng được xem như một bữa ăn hoàn chỉnh. Anh Nguyễn Khắc Bình (quận Bình Tân) làm công việc lái xe ở một công ty quận 1. Anh Bình cho biết bị nhiễm SARS-CoV-2 được hơn một tuần nhưng không rõ nguồn lây. “Do bị suy hô hấp nên tôi được đưa vào trung tâm từ đêm qua, tại đây các bác sĩ chăm sóc tận tình và hỗ trợ tôi ăn uống khi mệt mỏi”, anh Bình chia sẻ. Trung tâm hồi sức cấp cứu thuộc phân tầng điều trị cuối cùng, các thiết bị tốt nhất từ máy ECMO đến các máy thở chức năng cao, hệ thống thở oxy lưu lượng cao phục vụ điều trị lọc máu đã được triển khai ở đây. Trong đợt chi viện TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai đưa hàng trăm nhân viên y tế có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương vào làm việc. Hiện tại, mỗi kíp trực gần 20 bác sĩ và 50 điều dưỡng được chia thành 3 ca trực để cứu chữa cho bệnh nhân. Trong thời gian tới, số lượng bác sĩ và điều dưỡng trực ở mỗi kíp cũng sẽ tăng lên khi bệnh nhân chuyển vào đông hơn. Chí Hùng