Trung Quốc xuất hiện đợt lây lan Covid-19 rộng nhất sau Vũ Hán
Đợt bùng phát từ sân bay ở Nam Kinh hiện lan sang 5 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, là đợt bùng phát nội địa rộng nhất sau Vũ Hán.
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Trung Quốc bắt đầu tại sân bay Lộc Khẩu ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô với ca nhiễm đầu tiên được xác nhận hôm 20/7. Tính đến 29/7, hơn 200 người đã bị lây nhiễm, trong đó có ít nhất 30 người ở 15 thành phố, gồm Bắc Kinh và Thành Đô. Tổng số ca nhiễm và tử vong ở Trung Quốc đại lục hiện là 92.811 và 4.636.
So với các đợt bùng phát trong nước trước đây thường chỉ giới hạn ở một thành phố hoặc vài thành phố lân cận, đợt bùng phát tại Nam Kinh bắt đầu từ một sân bay quốc tế đông đúc và những hành khách xuyên khu vực đi đường dài đã sớm mang virus đến nhiều nơi trong nước. Nó cũng lớn hơn đợt bùng phát hồi tháng 5, chủ yếu ảnh hưởng đến Quảng Đông và là nơi lây lan cộng đồng đầu tiên của biến chủng Delta ở Trung Quốc, với 167 ca nhiễm được ghi nhận
Trương Gia Giới, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, được cho là điểm nóng khác trong chuỗi lây nhiễm. 4 ca nhiễm từng đến sân bay Lộc Khẩu được phát hiện đã xem buổi biểu diễn văn hóa với hơn 2.000 người ở Trương Gia Giới vào ngày 22/7. Bắc Kinh báo cáo hai trường hợp trở về từ Trương Gia Giới hôm 29/7.
Wang Guangfa, chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Số 1 của Đại học Bắc Kinh, nói rằng biến chủng Delta có khả năng lây truyền cao cũng dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của virus trên toàn quốc.
Chuyên gia y tế công cộng tin rằng đợt bùng phát mới nhất vẫn ở giai đoạn đầu và cần phải giám sát nhiều hơn để tìm hiểu liệu có nhiều ca liên quan sân bay và liệu có cần các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đã tăng cường sàng lọc những người có liên hệ mật thiết và xác định cư dân từng đến Nam Kinh hoặc các thành phố khác ghi nhận ca nhiễm và thắt chặt công tác phòng ngừa.
Theo Zhou Zijun, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh, đợt bùng phát mới cho thấy công chúng có thể cần tăng mũi tiêm vaccine. “Nhưng chúng ta nên chờ kết quả của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với những người tiêm thêm mũi để xem nó sẽ hiệu quả như thế nào”, ông nói.
Các chuyên gia y tế trước đó nói với giới truyền thông rằng hầu hết ca nhiễm ở Nam Kinh đã được tiêm phòng. Chính quyền địa phương tiết lộ 7 trường hợp ở Nam Kinh được phân loại là nghiêm trọng, khiến người dùng mạng lo ngại về hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, Zhuang Shilihe, một chuyên gia tại Quảng Châu, nói rằng vẫn chưa rõ liệu những người này đã được tiêm phòng hay chưa, và nghiên cứu trước đây đã chứng minh vaccine vẫn là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa ca nguy kịch.
Thế giới đã ghi nhận 197.231.154 ca nhiễm nCoV và 4.211.602 ca tử vong, tăng lần lượt 581.885 và 8.790, trong khi 176.672.492 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 35.550.224 ca nhiễm và 628.353 ca tử vong do nCoV, tăng 62.536 ca nhiễm và 256 ca tử vong so với một ngày trước đó.
So với các nước phát triển khác, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ kém hơn dù sở hữu lượng vaccine sẵn có cao. Những nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng của Nhà Trắng gặp khó khăn vì những người phản đối vaccine, thông tin sai lệch và chia rẽ chính trị.
Tổng thống Joe Biden hôm 29/7 yêu cầu nhân viên liên bang phải cung cấp bằng chứng tiêm chủng hoặc sẽ bị xét nghiệm thường xuyên, yêu cầu đeo khẩu trang và hạn chế đi lại. Biden cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho quân nhân.
“Hiện có quá nhiều người đang chết hoặc đang nhìn người thân yêu của họ ra đi. Tự do đi kèm với trách nhiệm. Vì vậy, hãy hành động có trách nhiệm. Hãy tiêm vaccine vì chính bạn, những người bạn yêu thương và đất nước”, Biden nói tại Nhà Trắng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 163,8 triệu người ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ trong số khoảng 330 triệu dân.
Viện thống kê quốc gia Mexico hôm 29/7 cho biết nước này ghi nhận hơn 200.000 ca tử vong do Covid-19 trong năm 2020, nhiều hơn 35% so với báo cáo ban đầu của chính phủ.
Theo Bộ Y tế Mexico, đất nước 126 triệu dân này ghi nhận khoảng 240.000 ca tử vong do Covid-19, cao hơn con số 148.629 được công bố trước đó, và cao thứ tư trên thế giới. Việc xét nghiệm ở Mexico rất hạn chế và các quan chức chính phủ trước đó cũng thừa nhận con số thực tế có thể cao hơn.
Đất nước hiện trong làn sóng lây nhiễm thứ ba, dù ca tử vong và nhập viện vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi tháng 1.
Tại khu vực Trung Đông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng Delta dẫn đến ca nhiễm “gia tăng”, gây ra “làn sóng thứ tư” khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp. Biến chủng Delta đã được ghi nhận ở 15 trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trải dài từ Maroc đến Pakistan.
“Hầu hết ca nhiễm mới và phải nhập viện là những người không được chủng ngừa. Bây giờ chúng ta đang ở trong sóng Covid-19 thứ tư trên toàn khu vực”, Ahmed al-Mandhari, giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, cho biết.
Tính đến tuần cuối cùng của tháng 7, “chỉ có 41 triệu người, tương đương 5,5% dân số trong khu vực, đã được tiêm chủng đầy đủ”, theo WHO.
Ca nhiễm tăng 55% và ca tử vong tăng 15%, so với tháng trước. Hơn 310.000 ca nhiễm và 3.500 ca tử vong được ghi nhận hàng tuần. Tình trạng thiếu bình dưỡng khí và giường chăm sóc tích cực làm giảm năng lực của các hệ thống chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
Theo một bài báo gần đây trên tạp chí Virological, tải lượng virus được tìm thấy trong các xét nghiệm đầu tiên của bệnh nhân có biến chủng Delta cao gấp 1.000 lần so với bệnh nhân trong bùng phát đầu tiên năm 2020, làm tăng đáng kể khả năng lây lan của nó.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 29/7 thông báo nước này sẽ tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba cho những người trên 60 tuổi, bắt đầu từ 1/8 như một phần “chiến dịch tiêm chủng bổ sung” cho những người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ hơn 5 tháng trước do mối lo ngại về biến chủng Delta.
“Tôi kêu gọi tất cả những người cao tuổi đã được tiêm vaccine nên tiêm thêm liều. Hãy tự bảo vệ mình”, Bennett nói.
Khoảng 55% trong 9 triệu dân Israel đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, hầu hết của Pfizer, nhờ chiến dịch lớn được khởi động cuối tháng 12 năm ngoái sau thỏa thuận với các nhà sản xuất.
“Israel đã tiêm liều thứ ba cho 2.000 người bị ức chế miễn dịch mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Và bây giờ chúng tôi đang triển khai chiến dịch liều thứ ba toàn quốc”,Thủ tướng Bennett cho biết thêm. “Quyết định này dựa trên những nghiên cứu và phân tích đáng kể, cũng như sự gia tăng rủi ro của làn sóng biến chủng Delta”.
Israel hôm 29/7 ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm mới. Ca nhiễm giảm đáng kể hồi tháng 6 và Israel đã nới lỏng nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ca nhiễm tăng trở lại khiến Bộ Y tế phải tái yêu cầu đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín.
Tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Malaysia, Thái Lan và Myanmar đều đang chứng kiến ca nhiễm tăng cao. Bộ Y tế Thái Lan thừa nhận nước này đang thiếu giường bệnh và cơ sở cách ly ở thủ đô Bangkok, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát mới. Thái Lan hiện ghi nhận 561.030 ca nhiễm và 4.562 ca tử vong, tăng lần lượt 17.669 và 165.
Tại Myanmar, Liên Hợp Quốc cảnh báo nước này có nguy cơ thành quốc gia siêu lây nhiễm. Theo số liệu từ chính quyền quân sự Myanmar, nước này đã ghi nhận hơn 4.600 ca tử vong do nCoV kể từ ngày 1/6, dù nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế còn cao hơn. Hãng tin Irrawaddy của Myanmar cho biết nước này dự định xây thêm 10 lò hỏa táng tại Yangon, thành phố lớn nhất, để đối phó với tình cảnh số người chết ngày một tăng.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19, hầu khắp các thành phố Myanmar đều trải qua tình trạng thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men. Bên ngoài các căn nhà ở vùng phong tỏa, người dân phải treo cờ vàng, cờ trắng để cầu cứu, mong được hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men.
Cuộc đảo chính quân sự hồi tháng hai, dẫn tới khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng ở Myanmar, dường như cũng khiến tình hình Covid-19 ở nước này nghiêm trọng hơn,
(Theo AFP, Reuters, SCMP)