Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, Việt Nam cần hành động thế nào?
Việc Trung Quốc liên tiếp đưa tàu vào khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại. Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã đề cập đến những việc quan trọng mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm để bảo vệ quyền và lợi ích ở biển Đông.
Ông nhận định gì về diễn biến ở Biển Đông qua vụ việc Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam?
– Trước hết, phải khẳng định là Trung Quốc đã vi phạm vùng biển Việt Nam theo luật pháp quốc tế và Công ước luật biển. Đó là vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là sự vi phạm rất nghiêm trọng về luật pháp quốc tế. Chúng ta đã lên tiếng và kiên quyết phản đối.
Thực tế, đây không chỉ là câu chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc mà nó còn hệ lụy đến khu vực. Việc vi phạm này dẫn đến những gia tăng phức tạp ở khu vực biển Đông. Cộng đồng Quốc tế cần phải lên tiếng, nếu không sẽ thành tiền lệ rất nguy hiểm cho khu vực và cho bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và quyền lợi hợp pháp trên biển của các quốc gia.
Đứng ở góc độ ngoại giao, ông đánh giá như thế nào về ứng xử của của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề đang nóng trên Biển Đông?
– Chúng ta chủ trương hòa bình, hòa hiếu, chúng ta lại có chính nghĩa vì phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đã xử lý một cách rất khéo léo nhưng cũng rất khẳng khái, thể hiện rõ lập trường kiên quyết của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong những thời điểm vừa qua đã thể hiện rõ sự chính nghĩa và quyết tâm đó của Nhà nước Việt Nam.
Chúng ta vẫn liên tiếp trao đổi với Trung Quốc làm sao giữ được quan hệ, làm sao giữ được môi trường hòa bình. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển. Đây chính là cái xây dựng lòng tin tốt nhất, bảo đảm hòa bình ổn định tốt nhất và cũng là quan hệ tốt nhất cho hòa bình trong khu vực này.
Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ những nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng hòa bình từ phía chúng ta, bấp chấp luật pháp quốc tế để xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, ông nghĩ thế nào về các giải pháp cứng rắn hơn sẽ được thực thi? Theo ông, vấn đề Việt Nam cần ưu tiên hành động ngay là gì?
– Việt Nam rất coi trọng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nên đã vun đắp, thúc đẩy mối quan hệ này trong nhiều thập kỉ qua. Chúng ta dựa trên luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên biển. Chúng ta cũng nói rõ là chủ trương giải quyết bằng hòa bình và tất cả biện pháp mà luât pháp cho phép.
Với tôi, một mặt chúng ta tiếp tục phải duy trì, kiên trì đối thoại với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng biển của Việt Nam, rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Mặt khác, chúng ta phải cho công luận thấy rõ đúng sai trong câu chuyện này để tạo sức ép dư luận, yêu cầu Trung Quốc rút khỏi những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, các lực lượng thực thi trên biển chủ trương giữ hòa bình, chủ trương kiên trì bảo đảm chủ quyền biển đảo của chúng ta và sự hiện diện của lực lượng này rất quan trọng. Tại hội nghị các Bộ trưởng ASEAN, chúng ta phải cởi mở trao đổi với các nước để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các nước trong khu vực này.
Không chỉ Việt Nam và các nước trong khu vực phản đối hành động sai phạm trên biển Đông của Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới cũng tỏ rõ thái độ về vấn đề này. Từng trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông nhận định ra sao về phản ứng của phía Hoa Kỳ về vấn đề đang nóng trên biển Đông?
– Câu chuyện ở biển Đông không chỉ là vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực mà còn thông thương về hàng không, hàng hải, thương mại với rất nhiều nước trên thế giới. Khi có bên vi phạm, đúng sai cần phải được công bố trước dư luận và cộng đồng quốc tế cần phải có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi chung. Vừa qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt vi phạm ở Biển Đông, làm sao đảm bảo được hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực tranh chấp, tôi cho rằng đó là một tiếng nói tốt. Cộng đồng quốc tế cần có thêm những tiếng nói như vậy.
Hiện nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vậy theo ông, làm thế nào để có một COC thực chất, có thể hạn chế được các hoạt động gây căng thẳng thêm tình hình?
– Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông cần phải thừa kế được những gì là quy định tốt đẹp trong tuyên bố về cách ứng xử của các nước trên biển Đông, được thông qua giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2002. Phải cập nhật, tổng kết được từ kinh nghiệm thực hiện gần 2 thập kỉ qua của tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông – PV). Ngoài ra, phải cập nhật thêm tình hình phát triển như thế nào để có thể đưa COC này là thực chất, là hiệu quả và toàn thể.
Cần phải có những quy định như thế này: Thứ nhất, nó phải nhấn mạnh được các nguyên tắc Quốc tế và quy ước luật biển. Thứ hai, từ luật pháp Quốc tế và công ước luật biển như vậy quy định được hành vi ứng xử của các bên liên quan đến khu vực biển Đông. Trong đó, có việc không làm gì phức tạp thêm tình hình, không gây căng thẳng tình hình, không xâm phạm vào vùng biển hợp pháp của các nước. Đấy là điều rất quan trọng. Đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác, tăng cường xây dựng lòng tin trong khi phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn tọng luật pháp quốc tế. Nếu làm được như vậy là điều rất tốt trong khu vực.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Dân Việt)