Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, vì sao chưa nổ súng?
Thông tin tình hình trên biển Đông, đặc biệt tại khu vực Bãi Tư Chính (Việt Nam) những ngày gần đây liên tiếp được báo chí, truyền thông, mạng xã hội đăng tin cập nhật. Trung Quốc đã xâm phạm trái phép vùng biển KHÔNG CÓ TRANH CHẤP thuộc chủ quyền HOÀN TOÀN CỦA VIỆT NAM, đồng thời lại có những phát ngôn hoang đường về vụ việc khi cho rằng đây là vùng biển của Trung Quốc. Một số ý kiến đưa ra cho rằng Việt Nam cần phải nổ súng để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia…
Cụ thể, các một số cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội Facebook liên tiếp đăng tải thông tin về vụ việc bãi Tư Chính với lời lẽ kích động cho chiến tranh. Những người này cho rằng Đảng, Nhà nước chỉ kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng con đường ngoại giao là thể hiện sự “hèn nhát”. Cùng đó, với thông tin về việc Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam, họ cũng cho rằng Việt Nam cần trở thành đồng minh của Mỹ để tranh thủ sức mạnh tấn công, “đánh bại” Trung Quốc.
Phải chăng, đã đến lúc Việt Nam “vùng lên”, “nổ súng” để bảo vệ chủ quyền?
Quan điểm nhất quán!
Cần phải nhắc lại, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề biển Đông luôn là “giải quyết bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế”. Các tổ chức quốc tế, các quốc gia nước ngoài cũng từng lên tiếng ủng hộ tuyệt đối quan điểm giải quyết này của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam chứng minh được chủ quyền của quốc gia; chứng minh được biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình là phù hợp với luật pháp quốc tế. Nên, đây là lý do chính yếu mà hầu hết các quốc gia khác đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam mà không hề ủng hộ Trung Quốc. Vậy, nếu Việt Nam nổ súng gây chiến tranh trước thì có phải là đang tự đánh mất đi sự ủng hộ của thế giới hay không?
Ở đây, Trung Quốc với âm mưu độc bá biển Đông đứng ở vị trí sai hoàn toàn về pháp lý, ngoại giao. Nhưng, mục đích chính của Trung Quốc lại nằm chính trong hành động “cố tình” khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Họ chỉ trực chờ Việt Nam nổ súng để có “cớ” đáp trả. Qua đó, biến vùng biển không có tranh chấp trở thành vùng biển có tranh chấp vũ trang. Đây là âm mưu thâm độc mà chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng và không tự đẩy mình vào thế mắc bẫy.
Mặt khác, Việt Nam cũng kiên quyết tự lực, tự chủ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhưng không theo một liên minh quân sự nào. Việc tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền cũng là một quan điểm xuyên suốt trong quá trình bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam từ xưa đến nay. Điều này hoàn toàn hợp lý với đường lối đối ngoại đa phương, quan hệ hợp tác bình đẳng với tất cả các quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị, sắc tộc… Nhìn sang bài học của Philipin – một “đồng minh” của Mỹ, đến cuối cùng nước này vẫn tự phải “thoả thuận” với Trung Quốc trên biển Đông thì cũng đủ hiểu quá trình đấu tranh chỉ có thể do tự lực chứ không thể trông cậy, phó mặc vào sức mạnh của một quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Chưa nổ súng: Hèn nhát hay cần khôn khéo?
Nổ súng là đồng nghĩa với khai mào cho chiến tranh. Vậy, hãy tự hỏi nếu chúng ta công khai chiến tranh với Trung Quốc thời điểm này thì điều gì sẽ xảy ra?
Thứ nhất, về mặt kinh tế, các cửa khẩu Trung Quốc chỉ cần đóng cửa, không thông quan hàng hoá thì nền nông nghiệp nước nhà có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vấn đề này đã từng xảy ra kể cả khi giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có bất cứ tranh chấp nào. Nếu lợi dụng chiến tranh mà Trung Quốc huỷ bỏ hoàn toàn các cam kết kinh tế, ngăn xuất khẩu nông sản thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nông dân.
Thứ hai, về vấn đề liên quan đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Những năm gần đây, đồng bằng Sông Cửu Long rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng mà một trong những nguyên nhân gây ra là các đập thuỷ điện tại Trung Quốc đã giữ phần lớn lượng nước từ các dòng chảy chính. Để đảm bảo vấn đề an ninh nông thôn, an ninh lương thực,… tại vùng này, Đảng và Nhà nước ta cũng như khối ASEAN đã phải dùng nhiều biện pháp ngoại giao để đàm phán, đi đến tiếng nói chung trong khai thác, tận dụng chung nguồn lợi tự nhiên. Thử hỏi, nếu chiến tranh, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có rơi vào cảnh bị xoá sổ”?
Thứ ba, nổ súng đấu tranh thì tình hình an ninh trong đất liền chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Các khu vực kinh tế có doanh nghiệp Trung Quốc; các khu người Hoa,… rồi sẽ xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây rối. Như thế, nền kinh tế bị ảnh hưởng, người lao động mất việc,… Biết đâu, chính Trung Quốc đang muốn tình hình trong nước rơi vào cảnh rối loạn?
Rõ ràng, trong mối quan hệ đấu tranh, ngoại giao với Trung Quốc; trong cuộc chiến để bảo vệ chủ quyền, chúng ta không thể chỉ “đơn thuần” bằng “tiếng súng” mà cần “đấu tranh không khói đạn” một cách khéo léo. Khéo léo là để bảo vệ chính sự ổn định, sự phát triển của quốc gia. Đừng để sự nóng giận làm chúng ta tự đánh mất sức mạnh quốc gia, đừng để chúng ta tự đẩy mình vào thế bị làm khó. Nếu không có sức mạnh, nếu bị đẩy vào thế khó, thì có cuộc đấu tranh nào có thể thành công hay không?
(Theo Bút Danh)