+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc vừa mừng vừa lo về COVID-19

03/04/2020 10:08

Bức tranh COVID-19 ở Trung Quốc đang xẻ làm hai: một bên là các dấu hiệu tích cực từ số ca nhiễm cho tới tình hình sản xuất, một bên là những hoài nghi về tương lai, trong đó có nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai.

Trong khi thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, đang “gồng mình” chống dịch COVID-19 thì Thời báo Hoàn Cầu từng viết hồi tháng 3: “Thành tựu trong cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc có được với giá phải trả là sự hi sinh của người dân Trung Quốc và do đó phải bảo vệ nó”.

Trung Quốc đã an toàn hẳn?

Số liệu được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy tính tới 0h sáng 2-4, Trung Quốc đại lục có thêm 35 ca nhiễm, toàn bộ “nhập” từ nước ngoài, và 6 ca tử vong do COVID-19. Trong khi tổng số ca nhiễm ở nước này là 81.589 ca, có tới 76.408 ca đã hồi phục. Trung Quốc lùi về sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha xét về số ca nhiễm.

Tại tâm dịch Vũ Hán, cuộc sống dần trở lại bình thường, chính quyền cũng nới lỏng các biện pháp phong tỏa kéo dài hơn 2 tháng qua, trước khi chính thức dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8-4 tới. Nhiều cửa hàng đã mở lại, trong khi các dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm cũng tái hoạt động.

Trung Quốc vừa mừng vừa lo về COVID-19 - Ảnh 1.
Thành viên một đội nhân viên y tế ôm người nhà tại một bệnh viện ở Thượng Hải ngày 1-4, sau khi kết thúc 14 ngày cách ly kể từ ngày rời khỏi Vũ Hán – Ảnh: Reuters 

Trong bối cảnh đó, từ hôm 29-3 tới 1-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thị sát tại tỉnh Chiết Giang. Ông Tập nói rằng tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang chuyển biến đều đặn theo hướng tích cực và rằng đỉnh dịch đã qua đi.

Ông nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực khôi phục việc làm và sản xuất. Tuy nhiên, ông Tập vẫn tuyên bố ngăn các ca nhiễm “nhập” từ nước ngoài là ưu tiên hàng đầu trong phản ứng với dịch COVID-19 ở Trung Quốc hiện nay và thậm chí lâu dài hơn.

Tuyên bố này cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn toàn “bình an vô sự” khỏi dịch COVID-19 dù tình hình đã tốt lên, do đó như ông Tập nói: “Không thể để xuất hiện sơ hở nào”.

Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai

Những diễn biến mới tại Trung Quốc càng cho thấy nỗi lo về một làn sóng bùng phát dịch thứ hai ở nước này. Thông tin đáng chú ý hàng đầu là huyện Giáp thuộc tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc tuần này đã bị phong tỏa hoàn toàn và gần 600.000 dân tại đây sẽ phải ở lại trong nhà.

Các biện pháp khắt khe được thực hiện sau khi 3 bác sĩ tại một bệnh viện địa phương dương tính với virus corona chủng mới dù không có triệu chứng.

Việc phong tỏa một huyện hơn nửa triệu dân là điều bất thường giữa bối cảnh nhiều nơi ở Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Viết về động thái này, tạp chí The Week nhận định: “Trung Quốc đang chuẩn bị đón một làn sóng COVID-19 thứ hai”.

Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, giải thích: “Hầu hết lãnh thổ Trung Quốc không thực sự có số người nhiễm cao trong làn sóng đầu tiên, nên người dân nơi đây vẫn còn dễ bị nhiễm và có thể hứng một đợt dịch lớn. Một làn sóng dịch thứ hai là không thể tránh khỏi, dù sớm hay muộn”.

Ông cảnh báo về khả năng “lây lan thầm lặng” từ phía những người có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Nếu diễn ra âm thầm đến khi số ca nhiễm xuất hiện đủ nhiều, Trung Quốc sẽ lại vất vả chống dịch. Và coi như bao công sức “đổ sông đổ biển”.

Trong khi đó, Gabriel Leung, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hong Kong, cho biết virus sẽ gặp khó khăn trong việc tấn công một cộng đồng lần hai nếu tỉ lệ người nhiễm bệnh và miễn dịch trong đợt đầu cao, khoảng 50-70%. Tuy nhiên, tại tâm dịch Vũ Hán, số người nhiễm và có khả năng miễn dịch hiện chưa tới 10%, do đó vẫn còn nhiều người có nguy cơ sẽ nhiễm bệnh.

Ông Mã Tiến, viện trưởng Học viện Y tế công thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải, bình luận: “Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ là một cuộc chiến dài hạn. Chúng ta phải chuẩn bị không chỉ để đối phó với một làn sóng thứ hai mà phải đối phó mỗi ngày mỗi tháng, cho đến khi văcxin được bào chế thành công và cho thấy hiệu quả”.

Tình báo Mỹ nói che giấu, Trung Quốc nói minh bạch

Ngày 2-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ (IC) cho rằng Bắc Kinh đã cố tình che giấu số ca nhiễm, ca tử vong do COVID-19, đồng thời khẳng định Bắc Kinh luôn “công khai” và “minh bạch”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói khó mà biết được con số chính xác vì “tôi không phải là một kế toán đến từ Trung Quốc”.

BẢO ANH/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều