+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc với thủ đoạn ‘nghiên cứu khoa học’ để độc chiếm Biển Đông

25/03/2020 09:15

Trả lời PV ngày 24.3, các chuyên gia quốc tế nhận định việc Trung Quốc thiết lập thêm các cơ sở nghiên cứu khoa học ở một số bãi đá trên Biển Đông là chiêu trò mượn cớ khoa học để tìm cách kiểm soát vùng biển này.

Trung Quốc đã xây nhiều hạ tầng quân sự trên bãi đá Chữ Thập

Cuối tuần trước, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi. Đây là các bãi đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo thông tin trên, 2 cơ sở mới có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.

Không thể tin được

Nhận xét về nội dung trên khi trả lời PV, TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng:“Về mặt lý thuyết, tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác cho an ninh biển và tài nguyên, tìm ra cách thức bền vững để các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển. Tương tự, Trung Quốc cũng như các nước, đều nên là một phần của cấu trúc khu vực tự do, cởi mở”.

Tuy nhiên, ông Cronin cũng đặt vấn đề: “Nhưng điều đó có thể bị đặt niềm tin sai chỗ khi nghĩ rằng Trung Quốc giờ đây muốn bảo vệ hệ sinh thái biển – trong khi thực tế thì nước này suốt nhiều năm qua đã phá hoại hệ sinh thái biển. Không chỉ gây hại cho hệ sinh thái, Trung Quốc còn nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia…, hay gần đây là chiếu laser vào tàu và máy bay Mỹ. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào một quốc gia như Trung Quốc”.

Theo đó, cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.

Chiêu trò không xa lạ

Cũng không tin tưởng vào điều mà Bắc Kinh công bố, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng: “Bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, nhưng Trung Quốc vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát. Với cách thức này, Bắc Kinh đặt sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi “phục hồi nguyên trạng”, yêu cầu người Trung Quốc rời đi bằng đường ngoại giao hay quân sự. “Núp bóng” nghiên cứu khoa học còn khiến các nước khác nếu can thiệp để người Trung Quốc rút đi thì Bắc Kinh lại đổ vấy rằng đó là hành vi “tấn công vào giới nghiên cứu khoa học”.

Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động.

TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ)

Bên cạnh đó, TS Holmes cũng nhận định rằng Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình cộng đồng quốc tế đang tập trung ứng phó dịch để tăng cường kiểm soát Biển Đông. Cụ thể, ông chỉ ra rằng: “Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động. Bằng chứng là hải chiến Hoàng Sa năm 1974 hay sự kiện bãi đá Vành Khăn hồi thập niên 1990. Hiện nay khi các nước lo tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc tái diễn chiêu trò”.

Phục vụ mục tiêu quân sự

Phân tích sâu hơn, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự.

Cụ thể, theo TS Nagao, Bắc Kinh cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Điển hình như việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật là nhằm đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà Trung Quốc đang đồn trú tại đây.

Hay nghiên cứu môi trường biển để thu thập thông tin nhằm ẩn nắp tàu ngầm tại những khu vực này. Ở trong lòng biển, nơi tàu ngầm hoạt động, Trung Quốc cần nắm rõ các điều kiện dòng nước để thiết lập hệ thống cảm biến phục vụ cho mạng lưới liên lạc, cập nhật thông tin của tàu ngầm.

Tương tự, Bắc Kinh cũng muốn cập nhật nhiều hơn thông tin về thời tiết vốn có vai trò quan trọng để triển khai máy bay quân sự. Ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có vai trò quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Ông Nagao chỉ ra rằng trước khi xây dựng 2 cơ sở nghiên cứu ở các bãi đá Chữ Thập và Xu Bi, thì Trung Quốc vào năm 2018 cũng đã xây dựng một cơ sở tương tự ở bãi đá Vành Khăn. Có 3 vấn đề liên quan các động thái này của Trung Quốc.

Ba bãi đá này hình thành nên 3 cạnh của một tam giác mang tính chiến lược ở khu vực này. Bắc Kinh cũng đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay tại cả 3 bãi đá này.

Bên cạnh mục tiêu quân sự, theo TS Nagao, thông qua các cơ sở này, Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới rằng họ kiểm soát vùng biển tại đây. Việc thu thập các thông tin dữ liệu cũng có thể được Trung Quốc dùng để biện minh rằng họ nắm rõ về vùng biển này, nhằm củng cố cho quyền kiểm soát.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ vẫn khẳng định các cơ sở này là nghiên cứu khoa học dân sự để mời giới nghiên cứu nước ngoài đến hợp tác. Tất nhiên, họ cũng “núp bóng” rằng đó là nghiên cứu dân sự vì hòa bình và phát triển của thế giới. Nhưng thực chất thì các thông tin có thể sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm cả mục tiêu quân sự.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cần phối hợp để yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về quá trình hoạt động của các cơ sở trên.

Ấn Độ báo động vì tàu lặn không người lái Trung Quốc

Ấn Độ báo động vì tàu lặn không người lái Trung Quốc
Một tàu lặn không người lái của Trung Quốc. Ảnh: PeopleDaily

Tờ The Times of India hôm qua (24.3) đưa tin Ấn Độ đang theo dõi sát sao khu vực Ấn Độ Dương (IOR) sau khi tạp chí Forbes ngày 22.3 loan tin Trung Quốc đã triển khai ít nhất 12 tàu lặn không người lái từ tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng số 6 ở IOR hồi giữa tháng 12.2019 – trước khi trục vớt chúng lên hồi tháng trước. Những tàu lặn này đã tiến hành “hơn 3.400 cuộc quan sát” cho cuộc khảo sát mùa đông của “dự án nghiên cứu địa chất và đại dương” thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.

The Times of India dẫn một nguồn tin hải quân Ấn Độ cho hay lực lượng này không thể xác minh tính xác thực của thông tin từ Forbes. Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định hải quân Ấn Độ luôn theo dõi sự hiện diện của các tàu nghiên cứu Trung Quốc ở IOR bằng máy bay trinh sát P-8I và các chiến hạm.

Theo một nguồn tin khác, thường có 4 – 5 tàu nghiên cứu Trung Quốc hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau thuộc IOR, thu thập dữ liệu về môi trường hoạt động dưới biển như nhiệt độ và độ mặn nước biển, vốn được cho là hữu ích đối với các hoạt động của tàu ngầm. Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin trên.

Hồi năm ngoái, Ấn Độ đã mở căn cứ không quân thứ 3 trên quần đảo Andaman để tăng cường theo dõi hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Văn Khoa/TN

Bài mới
Đọc nhiều