+
Aa
-
like
comment

Mỹ chỉ ra “vũ khí Trung Quốc” trong cuộc đảo chính ở Myanmar

02/02/2021 21:09

Tân Hoa xã của Trung Quốc đã gọi sự kiện ngày 1-2 ở Myanmar là “một cuộc cải tổ nội các” thay vì “đảo chính” như truyền thông phương Tây. Các nhóm vũ trang được cho là do Trung Quốc hậu thuẫn đã gián tiếp dẫn tới cuộc đảo chính.

Trung Quốc và cuộc đảo chính ở Myanmar - Ảnh 1.
Một người Myanmar ủng hộ bà San Suu Kyi giơ hình ảnh bà bị cầm tù trong cuộc biểu tình trước trụ sở một cơ quan của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan ngày 2-2 – Ảnh: REUTERS

Việc Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi giành hơn 80% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020 là nguồn cơn châm ngòi cho cuộc đảo chính. Lý do trực tiếp được phe quân đội sử dụng là chuyện Ủy ban bầu cử quốc gia Myanmar hủy bầu cử ở các bang Rakhine, một phần bang Shan và Kachin.

Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, kể cả khi bầu cử được tổ chức ở những khu vực này, chiến thắng vẫn thuộc về NLD.

Mỹ chỉ ra “vũ khí Trung Quốc”

Trên thực tế, quyết định hủy bầu cử cũng vấp phải sự phản đối từ một số nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, theo lập luận của Ủy ban bầu cử quốc gia Myanmar, Rakhine và phần lớn các bang Shan, Kachin đang chìm trong xung đột vũ trang nên không thể đảm bảo an toàn cho người dân.

Nguồn gốc của những xung đột này lại đến từ bên kia biên giới Myanmar: Trung Quốc.

Khu vực biên giới Myanmar – Trung Quốc, đặc biệt là bang Rakhine, đã âm ỉ các căng thẳng sắc tộc và bùng nổ mạnh mẽ khi quân đội Myanmar mở chiến dịch truy quét các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số (EAO) năm 2017.

Sự xuất hiện của nhóm vũ trang tự xưng “Quân đội Arakan” (AA), với địa bàn hoạt động trải khắp bang Rakhine, đã tạo ra nhiều vấn đề. AA liên tục đụng độ với quân đội Myanmar ở các bang Rakhine và Chin kể từ tháng 1-2019 đến tận sát ngày tổng tuyển cử tháng 11-2020.

Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), sự tồn tại của AA có liên hệ mật thiết với các nhóm vũ trang được Trung Quốc hậu thuẫn như “Quân đội Kachin độc lập” (KIA) và “Quân đội bang Wa thống nhất” (UWSA). Đây là hai nhóm vũ trang mạnh nhất, có tiềm lực tài chính tốt nhất với các căn cứ trên cả đất Myanmar và Trung Quốc.

Về mặt chính trị, AA là thành viên của Ủy ban Tham vấn và đàm phán chính trị liên bang, một nhóm gồm bảy nhóm EAO ở miền bắc Myanmar do UWSA đứng đầu. Về mặt quân sự, AA là thành viên của Liên minh phương Bắc, bao gồm KIA, Quân đội Giải phóng quốc gia Ta’ang và Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar.

Trung Quốc và cuộc đảo chính ở Myanmar - Ảnh 2.
Một đợt huấn luyện diễn tập của Arakan Army được tiến hành gần khu vực Laiza thuộc bang Kachin giáp biên giới Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình Trung tâm Stimson

Theo nhà nghiên cứu Yun Sun, xét mối quan hệ dây mơ rễ má này, nhiều người có thể đi tới kết luận Trung Quốc có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Rakhine thông qua việc gây áp lực lên KIA và UWSA.

Bản thân Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi lớn nhất nếu tình hình tại Rakhine ổn định. Bang này tập trung nhiều dự án lớn thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, là đường đi tắt ra Ấn Độ Dương để chấm dứt sự phụ thuộc vào eo biển Malacca.

Bắc Kinh đã phát triển mối quan hệ thân tình với dàn lãnh đạo dân sự Myanmar, bao gồm cả bà San Suu Kyi. Mặc dù vậy, các dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh ở Rakhine vẫn ì ạch dưới thời chính quyền dân sự, vốn đã cảnh giác hơn sau khi nhận được các lời khuyến cáo về “ngoại giao bẫy nợ”.

Đã có một giả thuyết đặt ra là nếu Bắc Kinh gây sức ép, kềm chân AA để bang Rakhine yên ổn và bầu cử không bị hủy bỏ ở bang này, có lẽ sẽ không có đảo chính ở Myanmar.

Nhưng vì sao Trung Quốc không làm?

Nhà nghiên cứu Yun Sun nhận định Bắc Kinh dường như đã mất kiểm soát đối với AA. “Sau các cuộc tấn công hồi tháng 8-2019, Trung Quốc được cho là đã nêu rõ mối quan ngại của mình và gây áp lực lên AA, nhưng vô ích. Trên thực tế, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng kiểm soát AA của Trung Quốc là hạn chế”, bà Sun đặt vấn đề.

Thứ nhất, AA đang ngày một lớn mạnh và giành được nhiều lãnh thổ ở Myanmar, tạo được chỗ đứng vững chắc ở bang Rakhine vốn luôn có thành kiến với chính quyền dân sự và quân đội. Sự hấp dẫn về tài chính và chính trị đã giúp AA tuyển mộ thêm được nhiều thành viên mới, giống như “hổ mọc thêm cánh”.

Thứ hai, AA không còn sống nhờ sự bảo trợ của các nhóm lớn hơn như thuở ban đầu nữa. Với nguồn tài chính đáng kể thu được từ buôn người và các hoạt động bất hợp pháp khác, cũng như các khoản đóng góp từ những người ủng hộ AA trong và ngoài Myanmar, AA có thể tự chọn nguồn cung vũ khí thay vì phụ thuộc vào UWSA.

Cuối cùng, AA ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Rakhine, trở thành “đại diện của nhân dân” Rakhine.

“Là người tạo ra và thúc đẩy ‘chiến tranh nhân dân’, Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh và tầm quan trọng của sự ủng hộ của quần chúng. Sự ủng hộ ngày càng lớn dành cho AA ở Rakhine buộc Trung Quốc phải tránh đụng chạm với lực lượng này, bởi lẽ Rakhine tập trung quá nhiều lợi ích kinh tế quan trọng với Bắc Kinh”, bà Sun lý giải.

Cũng theo chuyên gia thuộc Trung tâm Stimson, việc xem Trung Quốc là “chìa khóa” để giải quyết xung đột ở bang Rakhine sẽ chẳng đi đến đâu.

Trừ khi quân đội Myanmar có một chiến thắng quyết định trước AA, cách tốt nhất là đàm phán và tìm cách thỏa hiệp. Bắc Kinh hẳn sẽ chọn cách thứ hai bởi nếu chiến sự bùng nổ ở Rakhine, Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại.

Trung Quốc đi dây ở Myanmar

Trung Quốc và cuộc đảo chính ở Myanmar - Ảnh 3.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong một cuộc gặp với Thống tướng Min Aung Hlaing, người tiến hành cuộc đảo chính ngày 1-2 – Ảnh: REUTERS

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, Myanmar xuất hiện tình trạng “Nhà nước trong Nhà nước” với một bên là chính phủ dân cử NLD, bên còn lại là quân đội. Chính phủ của bà San Suu Kyi gần như không có tiếng nói ảnh hưởng nào đến các tướng lĩnh.

Trung Quốc là quốc gia hiểu rõ nhất điều này và đã luôn tìm cách cân bằng, giữ hòa khí với cả hai phe. Trong chuyến thăm hồi tháng 1-2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp cả Cố vấn nhà nước San Suu Kyi và Tổng tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing.

Trong đó, ông Vương Nghị bày tỏ hi vọng các dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar (CMEC) sẽ sớm được nối lại và triển khai suôn sẻ. Hồi tháng 9-2020, ngoại trưởng Trung Quốc cũng thân chinh tới Myanmar để phá bế tắc trong các dự án thuộc CMEC.

Cũng giống như nhiều chuyên gia khác về Đông Nam Á, ông Murray Hiebert, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định quân đội Myanmar không thích Trung Quốc và Bắc Kinh cũng luôn dè chừng trong mối quan hệ này.

“Tôi nghĩ mối quan hệ của Bắc Kinh với chính phủ San Suu Kyi còn đỡ hơn mối quan hệ họ sắp sửa có với quân đội”, ông Hiebert nêu quan điểm.

BẢO DUY

Bài mới
Đọc nhiều