+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc tụt giảm khó lường, top 3 thế giới, Việt Nam vẫn lao đao

14/09/2019 07:26

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều hạn chế, đặc biệt nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại khiến thế mạnh Việt đứng top 3 thế giới lao đao.

Gặp khó ở các thị trường lớn

Khoảng một thập kỷ gần đây, xuất khẩu gạo thường đem về cho Việt Nam từ 2-3 tỷ USD mỗi năm, giúp thế mạnh này của nước ta đứng top 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, ngành hàng này lại đang gặp khó trong vấn đề xuất khẩu ở một loạt thị trường lớn.

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy gạo Việt xuất khẩu tiếp tục lao dốc khi giá trị xuất khẩu 8 tháng năm 2019 giảm tới gần 15% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 2 tỷ USD.

Đáng chú ý, giá gạo xuất của Việt Nam đang thấp khá nhiều so với các nước khác. Ví như, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 395-405 USD/tấn lên 405-425 USD/tấn (FOB Băng Cốc) thì gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 340-350 USD/tấn còn 335-345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn). Gạo 5% tấm Ấn Độ dù giảm từ 381-384 USD/tấn xuống còn 373-374 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn giá gạo Việt Nam.

Trung Quốc tụt giảm khó lường, top 3 thế giới, Việt Nam vẫn lao đao
Các chuyên gia cho rằng cần giảm bớt diện tích lúa bởi cây trồng này cho thu nhập thấp

Tính giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 433 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, thị trường lúa gạo trong ngắn hạn dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do việc xuất khẩu sang 2 thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, sau thời gian dài giảm, nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Trong khi đó, sau gần nửa năm thay đổi chế độ hạn ngạch sang thuế quan giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu gạo, lượng tồn kho của Phillipins đang ở mức tương đối cao. Cùng với đó, nông dân trồng lúa nước này đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo do thiệt hại gây ra từ mở cửa nhập khẩu nên trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ xuất hiện nhiều trở ngại và dự báo không còn tăng mạnh.

Số liệu từ Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 318.100 tấn.

Theo giới thương nhân, nhu cầu về gạo của người Trung Quốc vẫn khá cao nhưng các nhà nhập khẩu của nước này khó có thể mua hàng từ Việt Nam vì những rào cản kỹ thuật mới mà chính phủ nước này vừa áp đặt.

Đứng top 3 thế giới nhưng nông dân vẫn nghèo

Dù gặp khó khăn ở các thị trường chủ lực, song Cục Chế biến và phát triển thị trường nhận định, xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng do tác động của Hiệp định EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019.

Theo Cục này, trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 20 nghìn tấn gạo/năm sang EU với mức thuế dao động khoảng 65-211 EUR/tấn (ước tính khoảng 50% giá trị xuất khẩu), nhưng với mức hạn ngạch thuế suất 0% cho 80 nghìn tấn, cao gần 4 lần so với thực tế xuất khẩu hiện tại, dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Trung Quốc tụt giảm khó lường, top 3 thế giới, Việt Nam vẫn lao đao
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của VN có chiều hướng sụt giảm mạnh

Tuy vậy, EU là một thị trường khó tính, để tận dụng cơ hội mới này một cách thành công, doanh nghiệp gạo xuất khẩu cần nâng cao chất lượng, kiểm soát các quy định về truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cũng như làm quen với các thủ tục giấy tờ liên quan…

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù Hiệp định EVFTA đã được ký kết nhưng để Việt Nam xuất khẩu được gạo vào thị trường EU là rất khó do việc đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của EU không phải dễ dàng.

Ông Xuân cũng nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ ngành càng khó vì một số nước trong khu vực trước đây nhập khẩu gạo nhiều nay đẩy mạnh tự cung tự cấp, thậm chí còn sản xuất dư thừa để xuất khẩu. Do đó, thị trường của gạo Việt càng ngày càng thu hẹp dần.

Theo ông Xuân, trước tình hình biến đổi khí hậu, nước ngọt giảm, khô hạn khốc liệt hơn thì cần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, không nên trồng lúa khắp nơi. Bởi, trồng lúa tốn nước ngọt, tốn phân bón, phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật,… trong khi giá trị cây lúa lại không cao.

“Không nhất thiết phải trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo mà người nông dân trồng lúa vẫn nghèo”. Ông Xuân cho rằng, các tỉnh nên chuyển sang cách làm mới hơn, thay lúa bằng các cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Theo đó, các vùng có nước ngọt quanh năm, thích nghi với cây lúa thì trồng lúa. Nhưng, phải chuyển đổi theo hướng liên kết trồng gạo sạch, gạo hữu cơ. Bỏ bớt vụ ba để chuyển sang các loại cây con khác, như nuôi cá mè, cá rô phi,… giá trị cao gấp mấy lần lúa. Vùng ven biển làm 1 vụ lúa còn lại nuôi tôm, giá trị cao gấp 4 lần lúa. Hoặc có thể chuyển sang trồng cây bo bo làm điện sinh khối vì chúng ta đang thiếu điện,…

Trước đó, GS.TS Bùi Chí Bửu nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận định, ngành gạo thế giới là một thị trường rất mỏng, chỉ có hơn 10 tỷ USD nên rủi ro là rất lớn. Tái cơ cấu nông nghiệp cần nghiên cứu chuyển đổi sản xuất theo xu hướng thị trường, sản phẩm có dung lượng lớn hơn. Còn lúa gạo phải hướng đến sản phẩm chất lượng cao, gạo dược liệu.

Bảo Phương/Vietnamnet

Bài mới
Đọc nhiều