Trung Quốc trong định hướng xuất khẩu vũ khí giá rẻ
Với định hướng chiếm ưu thế nhờ giá rẻ, Trung Quốc giờ đây trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, nhưng chất lượng và khả năng thực chiến của vũ khí nước này bị đặt nhiều dấu hỏi.
Ngày 7.3, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa công bố hệ thống tên lửa phòng không dã chiến HQ-17AE do nước này tự phát triển. Đặc biệt, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố sẵn sàng xuất khẩu loại tên lửa này để đa dạng hóa danh mục các loại vũ khí mà Trung Quốc đang cung cấp cho các nước.
Tăng trưởng nhanh
Theo số liệu do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi cuối năm 2020, vào năm 2019 thì Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong số 10 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới thì có 3 công ty đến từ Trung Quốc (lần lượt xếp vị trí thứ 6, 8 và 9), 6 công ty của Mỹ và 1 công ty của Anh.
Trong số 25 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới thì có 4 công ty của Trung Quốc. Công ty sản xuất vũ khí lớn thứ 4 của Trung Quốc được xếp vị trí 24 trên thế giới. Nhóm 4 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất của Trung Quốc có doanh thu năm 2019 đạt 56,7 tỉ USD, tăng trưởng 4,8% so với năm 2018. Nhóm này cũng xuất khẩu vũ khí đạt 2,5 tỉ USD với khách hàng chủ yếu là Pakistan, Bangladesh và Thái Lan. Nhờ đó, vào năm 2019, Trung Quốc xếp thứ 5 trong vị trí các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Trước đó, từ năm 2008 – 2018, nước này chỉ xuất khẩu số vũ khí có tổng trị giá khoảng 15,7 tỉ USD, theo chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).
Nhờ giá rẻ
Theo các nghiên cứu, giống như nhiều mặt hàng thông thường, vũ khí Trung Quốc cũng tăng trưởng nhanh trên thị trường thế giới nhờ đặc trưng giá rẻ. Đây là định hướng của Bắc Kinh khi cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới từ hơn nửa thế kỷ trước. Hồi đầu thập niên 1960, Trung Quốc tung ra mẫu xe tăng T-69 vốn dựa trên dòng xe tăng T-54 của Liên Xô. Nếu như xe tăng T-54 có giá khoảng 1,5 triệu USD, thì xe tăng T-69 có giá bán chỉ 300.000 USD.
Mới đây, Trung Quốc ký hợp đồng bán tàu vận tải đổ bộ Type-071 cho Thái Lan với giá chỉ khoảng 200 triệu USD, theo tờ Bangkok Post. Có độ choán nước toàn tải khoảng 25.000 tấn và dài khoảng 200 m. Type-071 là loại tàu mẹ đổ bộ có thể chở theo 600 – 800 binh sĩ, 4 máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm, tàu đổ bộ đệm khí, xe tăng… Trong khi đó, tàu đổ bộ lớp San Antonio của Mỹ cũng có các đặc điểm tương tự với Type-071 nhưng giá lên đến 1,6 tỉ USD.
Tương tự như thế, Trung Quốc cũng đã bán cho Pakistan dòng chiến đấu cơ JF-17 với giá cực kỳ hấp dẫn, nhưng chất lượng được quảng bá là ngang tầm Su-30MKI của Nga, cạnh tranh với F-16 của Mỹ. Theo chuyên trang Airforce-technology, Pakistan năm 2009 đã ký hợp đồng mua 42 chiếc JF-17 với giá 800 triệu USD, tức chưa đến 20 triệu USD/chiếc, và Pakistan còn nhận được bản quyền để tự sản xuất. Trong khi đó, 1 chiếc F-16 phiên bản rẻ nhất cũng có giá không dưới 30 triệu USD. Đặc biệt, các hợp đồng cung cấp F-16 cùng các gói thiết bị và vũ khí đi kèm thì giá trị càng lớn, như năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn hợp đồng bán 66 chiếc F-16 cho Đài Loan có tổng trị giá lên đến 8 tỉ USD.
Và tất nhiên, “tiền nào của nấy” cũng là điều khiến cho vũ khí Trung Quốc bị đặt dấu hỏi về chất lượng. Mới đây, truyền thông Pakistan tiết lộ JF-17 chiến đấu rất kém hiệu quả. Đầu năm 2019, không quân Pakistan từng triển khai chiến đấu cơ JF-17 để trả đũa Ấn Độ sau khi Ấn Độ tấn công các tay súng Pakistan. Kết quả, khi bị máy bay Su-30, Mirage-2000 của Ấn Độ tấn công và gây nhiễu, thì máy bay JF-17 đã ném bom không trúng mục tiêu.
Giới quan sát nhận định, một vấn đề của vũ khí Trung Quốc là chất lượng. Các nước cần mua vũ khí giá rẻ nhưng sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu những loại vũ khí ấy không hiệu quả.
(Theo GLOBAL TIMES)