+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KQ-200 đến Đá Chữ Thập

13/05/2020 19:45

Vừa qua (ngày 9/5), hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố hình ảnh chụp Đá Chữ Thập. Tại bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự này xuất hiện hình ảnh máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và KQ-200 cùng một trực thăng Z-8.

Hình ảnh được ISI công bố ngày 9/5 cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay KQ-200, KJ-500 đến đá Chữ Thập.

Những hình ảnh rõ ràng này là một bằng chứng nữa củng cố thông tin cách đây vài tháng rằng Trung Quốc đã triển khai thường trực ít nhất hai máy bay tuần tra đến Đá Chữ Thập, hòng mở rộng năng lực kiểm soát ở nam Biển Đông, giữa lúc căng thẳng ở khu vực ngày càng leo thang.

Hồi cuối tháng 3, ISI từng công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 đến đá Chữ Thập.

Một máy bay KQ-200 Trung Quốc.

Đá Chữ Thập là một trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông. Thực thể này cũng là nơi Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố đặt trung tâm hành chính của cái gọi là “quận Nam Sa” mới thành lập, trực thuộc “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông.

Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/5, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiếp tục phát đi thông cáo kèm hình ảnh về hoạt động của tàu tác chiến ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS 10) ở gần tàu khoan West Capella trong ngày 12/5. Đây là lần thứ hai một tàu tác chiến ven bờ thực hiện tuần tra ở khu vực này kể từ khi tàu USS Montgomery (LCS 8) di chuyển cùng tàu USNS Cesar Chaves (T-AKE 14) vào ngày 7/5 để hỗ trợ tự do hàng hải và hàng không. Cũng trong ngày 12/5, tàu khoan West Capell treo cờ Panama khoan thăm dò cho Malaysia đã di chuyển về bờ sau khi kết thúc hoạt động khoan ở lô ND2 nằm trong vùng chồng lấn thềm lục địa giữa Việt Nam và Malaysia.

Trước đó, tàu USS Gabrielle Giffords rời căn cứ Changi ở Singapore ngày 10/5 để trực chỉ khu vực hoạt động của tàu khoan West Capella, không xa nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.

Tàu Gabrielle Giffords hoạt động ngày 12/5 trên Biển Đông, gần tàu khoan West Capella do công ty Petronas của Malaysia vận hành.

Trước đây, những hoạt động kiểu như vậy của Hải quân Hoa Kỳ thường được công bố theo kiểu chung chung chứ ít khi nêu cụ thể khu vực hoạt động hoặc nhằm trực tiếp vào sự kiện đang diễn ra. Chính vì thế, đây lại là một thông điệp nữa cho thấy Hoa Kỳ muốn làm nổi bật cam kết của mình đối với khu vực Biển Đông và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Rõ ràng đã có sự thay đổi trong cách đánh tín hiệu của Hoa Kỳ, theo một cách trực tiếp hơn.

Đặc biệt, thông báo cũng nhắc lại sự kiện tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đã di chuyển cùng tàu HMAS Parramatta (FFH 154) của Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông vào cuối tháng 4, mà như chúng ta biết trước đó, USS America cũng từng di chuyển đến gần khu vực hoạt động của tàu West Capella.

Tư lệnh Hạm đội 7, Phó đô đốc Bill Merz phát biểu: “Các hoạt động hiện diện thường lệ như của tàu Gabrielle Giffords tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu thuyền hoạt động tự do trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc hàng hải quốc tế bất chấp những yêu sách quá đà hoặc các sự kiện đang diễn ra. Hoa Kỳ ủng hộ các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của mình”.

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều