+
Aa
-
like
comment

Trào lưu dị của giới trẻ phá nát giấc mộng Trung Hoa của ông Tập

25/10/2021 10:26

Chắc chắn ông Tập đang đứng ngồi không yên với thế hệ trụ cột cho tương lai khi càng ngày càng có nhiều người hưởng ứng trào lưu “Tang Ping”. Trào lưu này là gì?

Tang ping (躺平), được biết đến như trào lưu “nằm yên và mặc kệ”, chỉ sự không làm gì cả trong tất cả mọi vấn đề.

Trong nhiều tháng qua, những tranh luận xung quanh tang ping đã len lỏi khắp xã hội Trung Quốc, tác động đến mọi người và trở nên phổ biến đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải đích thân lên tiếng phê bình.

Tạp chí Cầu thị (Qiushi) của đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 15/10 đăng tải phát biểu của ông Tập, “Cần phải ngăn chặn sự trì trệ của các tầng lớp trong xã hội, khơi thông các kênh động viên xã hội đi lên, tạo cơ hội cho mọi người trở nên giàu có và hình thành một môi trường để cải thiện mà mọi người đều tham gia, tránh tình trạng con lại và nằm yên (tang ping).”

Thông điệp của ông Tập nhắm thẳng vào tang ping – một trào lưu được cho là có thể mang lại rủi ro cho “Giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa” mà ông nhắm đến kể từ khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012.

Trào lưu tang ping gây bão Trung Quốc là gì?

Tang ping là một từ phổ biến trên mạng Internet của Trung Quốc. Những người ủng hộ tang ping cho rằng sức ép cuộc sống là không thể chịu đựng được và họ quyết tâm rút khỏi tất cả những phấn đấu hay cạnh tranh.

Từ này cũng được hiểu là sự thỏa hiệp, từ bỏ, phớt lờ trước tất cả vấn đề trong cuộc sống. Thay vì cố gắng học tập, mua nhà, thành gia lập nghiệp, những người theo “tộc tang ping” quyết định… mặc kệ.

Một báo cáo của chính quyền thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc, mô tả thế hệ trẻ lựa chọn tang ping như một cách “thoát khỏi ‘vòng tuần hoàn’ làm thêm giờ, thăng chức, kiếm tiền, mua nhà”.

Tang ping không thể hiện một lối sống quá mới mẻ tại Trung Quốc, song từ này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet từ tháng 4/2021 và được đón nhận đông đảo, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

Trên nền tảng Tieba của Baidu, một người có tên Luo Huazhong ở độ tuổi 20 kể về việc anh đã chấp nhận lối sống tối giản này trong hai năm.

“Cuộc sống là chỉ việc nằm xuống, nằm xuống và nằm xuống,” Luo viết trong bài đăng có tiêu đề Tang ping là công lý.

Anh mô tả bản thân đã sống không tham vọng và không sức ép, không có việc làm ổn định và ở cùng với bố mẹ tại tỉnh Chiết Giang. Khi cảm thấy có hứng, Luo sẽ lái xe ba tiếng đến thành phố Đông Dương trong tỉnh, nơi có phim trường lớn nhất thế giới. Tại đây Luo tìm được công việc mà anh cảm thấy hài lòng, đó là đóng vai xác chết trong các bộ phim khác nhau.

Trào lưu đang được đông đảo người TQ hưởng ứng đe dọa phá nát mộng Trung Hoa của ông Tập - Ảnh 1.
Tang ping là cụm từ thể hiện tư duy “nằm yên và mặc kệ”, thay vì tham gia tích cực vào đời sống xã hội (Ảnh: Lau Ka-kuen/SCMP)

Bài đăng đính kèm hình ảnh Luo nằm dưới đất trong trang phục cổ trang của Trung Quốc để nhập vai. Bức ảnh được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội nước này.

“Khi tôi tang ping không có nghĩa là tôi chỉ nằm xuống và chẳng làm gì,” Luo nói trong bài phỏng vấn với báo chí. “Tang ping là một tâm thế mà trong đó tôi cảm thấy có rất nhiều thứ không đáng để mình phải bận lòng.”

Lý do tang ping thu hút người Trung Quốc

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những câu chuyện tương tự về người trẻ Trung Quốc thiếu động lực không còn xa lạ. Một nhóm lao động nhập cư từ nông thôn lên thành thị tự xưng là “Sanhe gods” (đại thần Tam Hà) từng gây xôn xao trong dư luận Trung Quốc. Họ sinh sống quanh khu vực Tam Hà ở quận Long Hoa của thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, và thường nhận những công việc thời vụ được trả tiền trong ngày bởi cho rằng làm việc trong các nhà máy vất vả và không được trả công tương xứng.

Khẩu hiệu của nhóm này là “với một ngày tiền công, bạn có thể vui ba ngày”. Họ ngủ trong các công viên công cộng, ăn mì ăn liền và giết thời gian trong các quán Internet công cộng cho đến khi hết tiền. Tuy nhiên, giới chức địa phương đã xử lý “Sanhe gods” và họ chưa bao giờ gây được tiếng vang lớn như trào lưu tang ping.

Theo SCMP, trong mà những nội dung tiêu cực về cuộc sống và những khó khăn tràn lan, khái niệm tang ping nổi lên bởi thay vì kêu gọi hành động thì nó khuyến khích mọi người không làm gì cả.

“Tang ping là cuộc vận động khôn ngoan của tôi,” Luo Huazhong nói.

Trào lưu đang được đông đảo người TQ hưởng ứng đe dọa phá nát mộng Trung Hoa của ông Tập - Ảnh 2.
Tang ping đang nhận được sự hưởng ứng từ bộ phận không nhỏ lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc (Ảnh: Kevin Frayer/Getty)

Trào lưu tang ping đã tạo mối liên hệ và tác động lên phần lớn lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc, gồm nhiều người đang cảm thấy thất vọng khi trải qua những ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng kinh tế chững lại, căng thẳng thương mại với phương Tây và đại dịch Covid-19 càn quét trong 2 năm qua.

Áp lực và khó khăn dường như rất khó để vượt qua đối với hàng triệu người lao động đã làm việc miệt mài theo “mô hình 996” – nghĩa là làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần – mà vẫn không thể mua được nhà và cũng không có được sự hài lòng trong công việc.

Ngày càng có nhiều người mất đi động lực để phấn đấu – SCMP cho hay.

Rủi ro đằng sau trào lưu nằm yên

Từ những nhân viên công sở ở các thành phố lớn cho đến sinh viên đại học, cả một đội quân những người trẻ thất chí ở Trung Quốc đang lên mạng xã hội và Internet phát đi những thông điệp trong vài tháng gần đây, tuyên bố họ là “thế hệ trẻ tang ping”.

Trên khắp Trung Quốc, áo phông in những khẩu hiệu như “Không làm gì ngoài nằm yên” đã cháy hàng. Nhà chức trách nhiều địa phương đang cố gắng khắc phục hiện tượng này do lo ngại nó có thể thách thức trật tự kinh tế-xã hội hiện có.

Theo SCMP, về dài hạn, tang ping không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc, mà còn tác động đến tỷ lệ sinh đẻ vốn đang xuống thấp ở nước này và đang đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội.

Các nhà tâm lý học và các bác sĩ cảnh báo trào lưu “bất hoạt” kéo dài làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bao gồm các bệnh lý về tim hay trầm cảm.

Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, cựu phó giáo sư ở Đại học Thâm Quyến, cho rằng không khó hiểu sự “nóng ruột” của giới chức Trung Quốc trước thái độ tang ping của một bộ phận người dân.

“Nếu tình trạng này lan rộng, nó sẽ tác động đến kỳ vọng của người trẻ đối với tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, hôn nhân và sinh con – điều này sẽ gây bất lợi cho khả năng tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc, khi tăng trưởng và thu nhập bị đình trệ.

Lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về một xã hội “trong đó mọi người đều tham gia”, và việc ông nhấn mạnh rằng mọi người không tang ping, đã được công bố chỉ ba ngày trước khi Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP trong quý 3 năm nay đã chậm lại, xuống mức tăng 4.9% so với cùng kỳ.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi ấn tượng từ đại dịch Covid-19 nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm sự sụt giảm ở lĩnh vực bất động sản, khủng hoảng năng lượng, tâm lý tiêu dùng yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Chủ tịch Tập Cận Bình thời gian qua cũng đã giới thiệu khái niệm “thịnh vượng chung”. Ông nói rằng đã đến lúc Trung Quốc xúc tiến thực hiện mục tiêu giúp tất cả người dân được chia sẻ cơ hội trở nên sung túc.

Ông Tập cũng nhắc nhở quan chức các cấp không đưa ra những cam kết mà họ không thể làm được, đồng thời phải tránh “bẫy phúc lợi” bị lạm dụng bởi những người lười biếng.

“Chỉ có cách thúc đẩy thịnh vượng chung, gia tăng thu nhập của người dân ở thành thị và nông thôn, và cải thiện nguồn nhân lực thì chúng ta mới có thể tăng năng suất tổng thể và củng cố nền tảng để phát triển chất lượng cao,” tạp chí Cầu thị trích lời ông Tập.

“Trung Quốc phải ngăn chặn sự phân cực, thúc đẩy thịnh vượng chung và đạt được sự hài hòa và ổn định xã hội.”

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nỗ lực để đưa mọi người trở lại với luồng tư duy “chính thống”. Tờ Nhật báo phương Nam chỉ trích trào lưu tang ping là “đáng xấu hổ”.

Ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, nói rằng “người trẻ là niềm hy vọng của đất nước. Chính bản thân họ và cả đất nước đều không cho phép họ cùng nhau nằm yên.”

Các nhà phân tích nói rằng, trào lưu “mặc kệ” đặc biệt gây khó chịu cho giới chức Trung Quốc, bởi nó phản ánh một tình trạng âm thầm nhưng không dễ dập tắt, bởi việc đưa hàng triệu người ra khỏi giường và buộc họ tham gia vào các hoạt động xã hội khác hoàn toàn với việc trấn áp các cuộc biểu tình.

Khả Vân

Bài mới
Đọc nhiều