+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc trả giá vì chiến lược ‘không Covid’

19/12/2021 11:17

Hai năm kể từ khi Trung Quốc báo cáo ca Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán, chính phủ nước này vẫn cố gắng đẩy lùi đại dịch bằng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và cách ly ở bất kỳ nơi nào virus xuất hiện.

Trung Quốc đã bắt đầu ngấm đòn, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa vì phong tỏa tuần trước đã thể hiện cái giá đắt mà Trung Quốc phải trả để theo đuổi chiến lược “không Covid”.

Những biện pháp phong tỏa quyết liệt giai đoạn đầu đã giúp Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát được đại dịch và tái khởi động nền kinh tế, vượt xa nhiều quốc gia lớn khác trên thế giới. Tuy nhiên, quyết tâm duy trì chiến lược không Covid suốt hai năm qua đã bắt đầu thổi những làn gió buốt vào nền kinh tế Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, hoạt động kinh tế của Trung Quốc hạ nhiệt trên một số lĩnh vực. Dữ liệu kinh tế được công bố ngày 15/12 tại Bắc Kinh cho thấy dù sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong tháng 11, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục suy giảm. Một số nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân một phần do chính sách Covid-19 nghiêm ngặt.

Trong 10 ngày qua, tỉnh Chiết Giang báo cáo hơn 200 ca nCoV cộng đồng, chủ yếu ở một quận của thành phố Thiệu Hưng. Chiết Giang là tỉnh đứng thứ tư về kinh tế Trung Quốc, với GDP hàng năm khoảng 1.000 tỷ USD.

Quận Thượng Ngu với khoảng 840.000 dân là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất, từ dệt may truyền thống đến công nghệ cao, chiếm hơn 1/4 giá trị xuất khẩu của nền kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, ít nhất 14 công ty ở quận Thượng Ngu đã phải tạm dừng sản xuất sau khi chính quyền quận áp lệnh phong tỏa đột ngột ngày 9/12.

Động thái này diễn ra sau khi Thượng Ngu phát hiện hơn 10 ca nhiễm cộng đồng, là những người từng đến một đám tang. Kể từ đó, tất cả cư dân địa phương được yêu cầu ở nhà, các phương tiện tạm dừng hoạt động và tất cả nhà máy đóng cửa, ngoại trừ những nơi phục vụ công tác chống dịch hoặc đảm bảo nhu yếu phẩm cho địa phương.

Đám cưới bị cấm, trong khi đám tang chỉ được tổ chức với quy mô hạn chế và cần được chính quyền địa phương cho phép. Kể từ tuần trước, cư dân địa phương đã trải qua ba lần xét nghiệm hàng loạt.

Công ty sản xuất đèn LED Zhejiang Yankon cho biết các hoạt động hậu cần và sản xuất tại nhà máy ở Thượng Ngu đã tạm dừng từ tuần trước. Doanh thu từ hoạt động sản xuất ở Thượng Ngu chiếm hơn 40% tổng doanh thu của công ty trong 9 tháng đầu năm nay. Công ty đang cố gắng chuyển một số đơn đặt hàng sang ba nhà máy khác bên ngoài Chiết Giang, nhưng dự kiến đối mặt nguy cơ giao hàng chậm và thua lỗ.

“Dịch bệnh bùng phát đột ngột đã ảnh hưởng đến quá trình bàn giao các sản phẩm đèn LED. Chúng tôi chân thành xin lỗi”, công ty Zhejiang Yankon cho biết trong hồ sơ gửi sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Với một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất giữa lệnh phong tỏa rất khó khăn. Công ty công nghệ Zhejiang Huangma cho biết hai công ty con của họ đều phải ngừng sản xuất. Công ty dự đoán hoạt động tháng 12 sẽ bị ảnh hưởng vì giao hàng chậm trễ.

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ y tế đứng chốt kiểm soát phương tiện ở quận Shangyu, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Visual China Group.
Cảnh sát mặc đồ bảo hộ y tế trực tại chốt kiểm soát phương tiện ở quận Thượng Ngu, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Hầu hết công ty cho biết họ hy vọng tình trạng gián đoạn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, dù chưa rõ lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu. Tại thành phố cảng Ninh Ba, công ty sản xuất nhôm Ningbo Fubang Jingye cho biết công ty con của họ ở quận Trấn Hải cũng đã ngừng sản xuất.

Các thành phố cảng và biên giới Trung Quốc là những nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm nay, khi làn sóng lây nhiễm gây ra các đợt phong tỏa liên tiếp. Hồi tháng 8, hàng chục tàu phải chờ đợi chờ lấy hàng trong thời gian dài bên ngoài cảng container Ninh Ba – Chu Sơn, nơi đã đóng cửa sau khi phát hiện một ca Covid-19.

Giới chức thành phố cảng Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc ngày 13/12 thông báo ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên ở đại lục. Một ngày sau, thành phố Quảng Châu ghi nhận thêm một ca nhiễm chủng mới.

Kể từ cuối tháng trước, Mãn Châu, thành phố giáp biên giới Nga, đã thực hiện hơn chục lượt xét nghiệm hàng loạt, phát hiện hơn 500 ca Covid-19. Doanh nghiệp và cư dân địa phương cho biết cuộc sống của họ cơ bản bị tạm dừng kể từ ngày 28/11. Gần như tất cả chuyến bay, tàu hỏa và phương tiện công cộng đều dừng hoạt động, làm gián đoạn thương mại trong và ngoài nước. Nhiều tuần đã trôi qua, phần lớn Mãn Châu vẫn bị phong tỏa.

Đây là đợt phong tỏa lớn thứ hai ở Mãn Châu. Đợt phong tỏa trước diễn ra vào cuối tháng 12 năm ngoái, kéo dài hơn một tháng.

“Lịch sử lặp lại. Đúng một năm sau, tôi lại phải xin lỗi khách hàng của mình”, chủ một doanh nghiệp địa phương đăng bài trên Weibo.

Các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại trong hơn một năm qua đã gây tổn thất cho nền kinh tế thành phố Thụy Lệ, trung tâm buôn bán đồ trang sức giáp biên giới Myanmar, nơi từng tăng trưởng 8,1% trong năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Thụy Lệ giảm 8,4% so với một năm trước, theo dữ liệu chính thức mới nhất.

Sau những phản ứng trên mạng của cư dân địa phương về biện pháp phong tỏa kéo dài, chính quyền tỉnh Vân Nam, nơi có thành phố Thụy Lệ, tháng trước cam kết miễn phí xét nghiệm và cách ly, đồng thời trợ cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng và giảm thuế cho doanh nghiệp địa phương.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn quyết tâm duy trì chiến lược “không Covid”, trong khi phần còn lại đang học cách sống chung với virus. Nhiều chuyên gia Trung Quốc ủng hộ chiến lược của chính phủ nước này.

“Một số quốc gia quyết định mở cửa hoàn toàn dù vẫn còn vài ca nhiễm. Điều đó dẫn đến số lượng ca nhiễm lớn trong hai tháng qua, rồi họ tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Cách tiếp cận này thực sự tốn kém hơn. Tác động tâm lý đến người dân và xã hội càng lớn”, Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, nói hồi đầu tháng 11.

Cảng Ninh Ba-Chu Sơn ở thỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Cảng Ninh Ba – Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. 

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Bắc Kinh nhận định Trung Quốc có thể phải ghi nhận hơn 630.000 ca nhiễm một ngày nếu từ bỏ chính sách không khoan nhượng với Covid-19. Báo cáo cho rằng hệ thống y tế “gần như chắc chắn” phải trả giá đắt nếu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.

Nhóm nghiên cứu kết luận Trung Quốc không nên từ bỏ chiến lược không Covid-19 cho đến khi “chiến dịch tiêm chủng hiệu quả hơn hoặc có các biện pháp điều trị cụ thể hơn, và tốt nhất là có cả hai”.

Dù áp đặt các lệnh phong tỏa và xét nghiệm diện rộng, Trung Quốc ngày 17/12 vẫn ghi nhận 56 ca cộng đồng mới tại 12 khu vực nguy cơ cao, trong đó có 5 quận ở Chiết Giang.

Trong khi đó, Ninh Ba vẫn tiếp tục siết chặt hạn chế với các tài xế xe tải vào cảng container, khiến hàng loạt tài xế từ chối vào cảng Ninh Ba – Chu Sơn nhận hàng, do lo ngại nguy cơ bị cách ly.

“Số ca nhiễm gia tăng có thể dẫn đến tình cảnh các nhà máy, bến cảng ở Ninh Ba đóng cửa hoàn toàn, gây ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa nghiêm trọng hơn”, công ty phân tích thị trường S&P Global Platts cảnh báo. “Đây mới chỉ là bắt đầu, quý đầu tiên của năm 2022 sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều”.

(Theo WSJ)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều